Phân loại đối tượng nộp thuế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công tác quản lý nợ thuế tại chi cục thuế thành phố vĩnh yên tỉnh vĩnh phúc (Trang 87 - 88)

5. Bố cục của luận văn

4.2.3. Phân loại đối tượng nộp thuế

Trong quá trình quản lý nợ thuế, cần phân loại các doanh nghiệp thành các nhóm theo mức độ tuân thủ pháp luật thuế và khả năng thực tế về tài chính để có biện pháp phù hợp.

Phân loại đối tượng nộp thuế là một trong những công việc rất cần thiết trong quản lý nợ thuế. Phân loại đối tượng nộp thuế sẽ giúp đánh giá đối tượng nộp thuế có rủi ro cao hay có ý thức tuân thủ pháp luật tốt; là đối tượng có hiểu biết đầy đủ về pháp luật thuế hay không nắm vững quy định của pháp luật; là đối tượng có tình hình tài chĩnh vững mạnh hay đang gặp khó khăn,… để từ đó, cán bộ thuế có thêm cơ sở để lựa chọn cách thức quản lý phù hợp nhất.

Theo đó, các đối tượng có rủi ro cao (không tuân thủ pháp luật về thuế), đặc biệt là các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, kinh doanh qua mạng, doanh nghiệp giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; doanh nghiệp nằm trong danh sách “đen”; các đối tượng thiếu hiểu biết về pháp luật thuế… là các đối tượng cần phải được theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn.

Các đối tượng gặp khó khăn về tài chính, chưa hiểu hết quy định của pháp luật thì cần có sự hỗ trợ nhất định từ phía cơ quan thuế để họ có điều kiện phát triền, tự giác thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Cơ quan thuế có thể hỗ

trợ các đối tượng này bằng nhiều cách, với đối tượng gặp khó khăn về tài chính, sau khi xác minh doanh nghiệp thực sự đang gặp khó khăn nhưng vẫn còn triển vọng phát triển, cơ quan Thuế có thể ban hành quyết định cho phép gia hạn nộp thuế, hoặc cho phép nợ thuế mà không áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế. Đối với các đối tượng còn chưa nắm rõ quy định của pháp luật thuế dẫn đến lúng túng, chậm nộp thuế, cơ quan Thuế cần ban hành các công văn trả lời khi doanh nghiệp có vướng mắc, bên cạnh đó thường xuyên trao đổi, giải đáp với phía người nộp thuế để hiểu và kịp thời hỗ trợ họ trong quá trình tuân thủ pháp luật thuế.

Các đối tượng có ý thức chấp hành pháp luật tốt, tự giác nộp thuế đầy đủ, đúng hạn thì cần được tuyên dương, nêu gương. Đây là các đối tượng có rủi ro nợ thuế thấp, việc theo dõi người nộp thuế ở nhóm này có thể được giảm thiểu khối lượng công việc, tập trung nguồn lực vào các nhóm đối tượng khác có rủi ro cao hơn.

Để có thể phân loại đối tượng nộp thuế một cách chính xác, cơ quan Thuế phải có quá trình theo dõi, đánh giá lâu dài, có sự am hiểu về người nộp thuế cũng như các điều kiện xung quanh họ. Muốn vậy, ngoài cơ sở dữ liệu của ngành thuế, cơ quan thuế còn phải có sự liên kết và trao đổi thông tin với cách chủ thể khác có liên quan đến đối tượng nộp thuế, như Kho bạc, ngân hàng, các tổ chức tài chính-tín dụng khác,… thu thập thông tin đa chiều, thường xuyên cập nhật, bổ sung vào cơ sở dữ liệu sẵn có; thường xuyên kiểm tra, đối chiếu giữa tình hình thực tế với hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế đảm bảo kiểm soát, nắm bắt, theo dõi và quản lý thuế kịp thời. Chú trọng việc rà soát thông tin người nộp thuế trên ứng dụng, kịp thời đôn đốc người nộp thuế bổ sung thông tin thay đổi gửi cơ quan thuế để cập nhật thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công tác quản lý nợ thuế tại chi cục thuế thành phố vĩnh yên tỉnh vĩnh phúc (Trang 87 - 88)