5. Bố cục của luận văn
4.3.1. Về cơ chế, chính sách của Nhà nước
Hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch và hợp lý là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế. Muốn đạt được yêu cầu đó, các quy định pháp luật về quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế cần được hoàn thiện theo các hướng sau:
Thứ nhất, nghiên cứu sửa đổi cách thức quy định về phạt nộp chậm thuế và nâng mức phạt nộp chậm thuế. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến số đối tượng chậm nộp thuế gia tăng, đó là mức phạt nộp chậm thấp, đặc biệt đặt trong bối cảnh nền kinh tế thường xuyên lạm phát cao như Việt Nam. Trước khi có Luật Quản lý thuế, mức phạt nộp chậm thuế là 0,1%/ngày. Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7/2007 đã giảm mức phạt nộp chậm thuế đi một nửa, xuống còn 0,05%/ngày. Lý do cơ bản của sự sửa đổi này là do mức phạt quá cao khiến người nộp thuế không có khả năng nộp cả
thuế và tiền phạt, bởi vậy, nhiều người nộp thuế muốn nộp thuế và phạt nhưng số tiền phạt quá cao nên họ lại dây dưa nợ thuế. Thêm vào đó, ở thời điểm sửa Luật Quản lý thuế, nền kinh tế lạm phát vừa phải, thậm chí có giai đoạn thiểu phát.
Tuy nhiên, việc giảm mức phạt nộp chậm quá nhiều lại trở nên bất hợp lý, đặc biệt đặt trong bối cảnh lạm phát thường xuyên ở mức cao như ở Việt Nam dẫn đến mức phạt nộp chậm thuế thấp hơn cả lãi vay ngân hàng. Tất nhiên, không thể cứ sửa Luật để chạy theo lạm phát cũng như các điều kiện kinh tế - xã hội khác, nhưng điều này cũng có nghĩa là khi xây dựng các luật nói chung và Luật Quản lý thuế nói riêng cần phải có tính tiên tiến, phải dự tính được những thay đổi của các điều kiện kinh tế - xã hội mà Luật đó sẽ được áp dụng. Khi Luật đã lạc hậu thì phải chấp nhận nghiên cứu sửa đổi.
Điều cần lưu ý ở đây là, xét dưới góc độ kinh tế, tỷ lệ phạt nộp chậm thuế phải cao hơn ở mức độ nhất định so với lãi cho vay của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, lãi cho vay của các ngân hàng thương mại lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có lạm phát. Những gì đã diễn ra đối với nền kinh tế Việt Nam thời gian qua và thực tế thực hiện Luật Quản lý thuế cho thấy, việc sửa đổi quy định phạt nộp chậm thuế theo hướng tăng mức phạt nộp chậm thuế là sự cần thiết khách quan. Để đảm bảo sự linh hoạt, nên điều chỉnh điều khoản này trong Luật Quản lý thuế theo hướng quy định khung mức xử phạt tối đa - tối thiểu và giao thẩm quyền quy định mức xử phạt nộp chậm cụ thể cho Chính phủ. Với phương án này, tuy có nhược điểm là sự ổn định của quy định pháp luật không cao, nhưng có ưu điểm là đảm bảo sự linh hoạt trong quy định mức phạt nộp chậm thuế phù hợp với sự biến động kinh tế, đảm bảo được nguyên tắc mức phạt nộp chậm cao hơn so với lãi cho vay vốn của các ngân hàng thương mại.
Thứ hai, nghiên cứu bổ sung đối tượng và trường hợp được gia hạn nộp thuế. Đề xuất này xuất phát từ thực tế là có khá nhiều DN nộp chậm thuế vì
những nguyên nhân khách quan bất khả kháng. Những đối tượng này cần được gia hạn để có điều kiện trả được nghĩa vụ thuế. Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung vào Luật Quản lý thuế một số trường hợp gia hạn nộp thuế và giao thẩm quyền giải quyết cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Để quy định này không bị lạm dụng, cần quy định những tiêu chí định lượng rõ ràng trên cơ sở tài liệu kế toán và các tài liệu khác có liên quan, có văn bản giải trình của người nộp thuế và trình tự xét duyệt chặt chẽ. Đồng thời, yêu cầu người nộp thuế phải cam kết đảm bảo tính trung thực của thông tin cung cấp và cam kết nộp đủ thuế khi hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ ba, như thực tế đã kể trên với công tác nợ thuế, một số khoản nợ thuộc diện khó thu nhưng trên thực tế gần như là không có khả năng thu, nhưng do không đủ điều kiện để được xóa nợ nên cán bộ thuế vẫn phải tiếp tục để theo dõi, lũy kế qua các năm khiến cho số nợ ngày càng có xu hướng tang, không thể giải quyết dứt điểm. Như vậy, đây là một điểm chưa phù hợp trong quy định của pháp luật. Các quy định về miễn, giảm, xóa nợ tuy rất cần phải được quy định khắt khe, chặt chẽ để tránh bị các đối tượng lợi dụng trục lợi, nhưng cũng cần sâu sát thực tế, nắm bắt được những vướng mắc tương tự như vấn đề ở trên, để từ đó công tác quản lý nợ ngày càng chính xác, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Thứ tư, đối với thực hiện cưỡng chế nợ thuế, vấn đề nằm ở chỗ các biện pháp cưỡng chế có vẻ nhiều, cán bộ thuế có thể lựa chọn, tuy nhiên trên thực tế phạm vi áp dụng lại rất hạn chế, chủ yếu chỉ tập trung vào phương pháp Trích tiền từ tài khoản của đối tượng. Để tăng cường hiệu quả của công tác cưỡng chế nợ thuế, ngành Thuế cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế khác nữa để phù hợp hơn với điều kiện trong thực tế.
Thứ năm, liên quan đến quy trình nghiệp vụ quản lý, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thuế, cơ quan quản lý giá đất, cơ quan tài nguyên
môi trường trong việc xác định giá đất, quản lý các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất,..; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, xây dựng cơ chế xác định chính xác giá trị tài sản cố định và giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, xây dựng danh mục một số hàng hoá dịch vụ chủ yếu trên cơ sở tham khảo giá hàng hoá cùng loại tại các nước trong khu vực và trên thế giới làm cơ sở chung sử dụng để tham chiếu khi xác định giá hàng hoá bán ra, hỗ trợ chống chuyển giá; phải thường xuyên, kịp thời rà soát, tổng hợp những vướng mắc, khó khăn trong quá trình quản lý thuế liên quan đến hoạt động thương mại biên giới để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.