"Đánh giá kết quả thực hiện công việc của nhân viên nhằm giúp đỡ, động viên, kích thích nhân viên thực hiện công việc tốt hơn và phát triển những khả năng tiềm tàng trong mỗi nhân viên" (Trần Kim Dung, 2011).
Nội dung, trình tự thực hiện đánh giá kết quả thực hiện công việc bao gồm 5 bước: Xác định tiêu chí cơ bản cần đánh giá → Lựa chọn phương pháp đánh giá thích hợp → Xác định người đánh giá và huấn luyện kỹ năng đánh giá thực hiện công việc → Thông báo cho nhân viên về nội dung, phạm vi đánh giá → Thực hiện đánh giá kết quả đã thực hiện và xác định mục tiêu mới cho nhân viên.
Các phương pháp đánh giá kết quả thực hiện công việc của nhân viên gồm có: phương pháp xếp hạng luân phiên, phương pháp so sánh cặp, phương pháp bảng điểm, phương pháp phê bình lưu giữ, phương pháp quan sát hành vi, phương pháp quản trị theo mục tiêu, phương pháp định lượng. Các sai lầm cần tránh trong đánh giá kết quả thực hiện công việc của nhân viên gồm có: tiêu chuẩn không rõ ràng, thiên kiến, xu hướng thái quá, xu hướng trung bình chủ nghĩa, định kiến.
Phỏng vấn đánh giá kết quả thực hiện công việc của nhân viên được thực hiện theo trình tự theo 4 bước: Chuẩn bị phỏng vấn → Đánh giá kết quả thực hiện công việc → Thiết lập mục tiêu mới và kế hoạch hành động cho cấp dưới → Những quan tâm cá nhân về phát triển nghề nghiệp.
Việc đánh giá kết quả thi đua của các phòng ban, bộ phận nhằm giúp cho doanh nghiệp kích thích nhân viên làm việc theo tinh thần đồng đội và quan tâm đến kết quả làm việc cuối cùng của từng bộ phận, phòng ban thay vì chỉ quan tâm đến kết quả công việc cá nhân.