Quan niệm về độc lập và độc lập dân tộc

Một phần của tài liệu la1 (Trang 32 - 35)

* Quan niệm về độc lập

Theo Từ điển Tiếng Việt, thuật ngữ “độc lập” của một nước vừa là tính từ vừa là danh từ. Trên phương diện tính từ thì độc lập là không phụ thuộc vào nước khác hoặc dân tộc khác; còn trên phương diện danh từ thì độc lập là trạng thái của một nước hoặc một dân tộc có chủ quyền về chính trị, không phụ thuộc vào nước khác hoặc dân tộc khác [164, tr.444].

Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam cho rằng: “Độc lập” (Independence) là chế độ tự trị của một đất nước, một quốc gia bởi người dân sinh sống ở đó, nghĩa là có chủ quyền tối cao [4]. Độc lập theo đó có thể là trạng thái ban đầu của một quốc gia mới xuất hiện, cũng có thể là giành được nhờ việc chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân đế quốc.

Theo Hiến chương Liên hợp quốc (1945) và Tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữa nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc (1970) thì nội hàm của “độc lập” bao gồm: Quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền bình đẳng, quyền dân tộc tự quyết, nghĩa vụ tôn trọng các quyền con người cơ bản, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tự nguyện tiến hành các cam kết quốc tế. Tuyên bố một lần nữa nhấn mạnh những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người, ở quyền bình đẳng giữa nam và nữ, ở quyền bình đẳng giữa các quốc gia lớn và nhỏ [161].

Như vậy, độc lập là quyền của mọi quốc gia dân tộc được quyết định vận mệnh của mình, trước hết là giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, quyết định

chế độ chính trị - xã hội bằng cách thiết lập một nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với thể chế chính trị - xã hội và một nền kinh tế được định hướng theo những mục tiêu của từng nước.

* Quan niệm về độc lập dân tộc

Theo quan điểm của các học giả phương Tây thì, toàn cầu hóa đã làm cho nhiều nhân tố kinh tế - văn hóa... vượt ra ngoài biên giới quốc gia dân tộc mâu thuẫn với ý thức độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc. Vì vậy, họ cho rằng có sự xung đột giữa toàn cầu hóa và chủ quyền quốc gia dân tộc. Giáo sư Youer Khunin (Đại học Yuwasjula - Phần Lan) cho rằng: “Trong tình thế toàn cầu hóa thời đại của quốc gia dân tộc đã qua rồi. Tư bản không chịu sự ràng buộc của nhà nước, lực lượng thị trường vượt xa lực lượng nhà nước” [165, tr.5]. Thực chất đây là quan điểm “quốc gia hậu dân tộc” hay còn gọi là quốc gia siêu dân tộc, đa dân tộc theo mô hình Liên minh châu Âu (EU). Còn các thành viên “Câu lạc bộ Roma” lại cho rằng: “Chủ quyền quốc gia là một chướng ngại cản trở giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu” và như vậy họ đề cao ý thức toàn nhân loại: “Ý thức nhân loại đi trước ý thức giai cấp và ý thức dân tộc” [165, tr.5]. Họ luận giải rằng giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu cần có sự tham gia chung của các quốc gia, dân tộc và của toàn nhân loại.

Ở Việt Nam, trong bài viết “Bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc trong thế giới toàn cầu” của tác giả Nguyễn Viết Thảo cho rằng: “Độc lập dân tộc (nationalindependence) là chủ quyền về mặt pháp lý (sovereignity de jure), hay chủ quyền danh nghĩa (conceptual sovereignity) trên tất cả các lĩnh vực: lãnh thổ, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh,… phản ánh trạng thái không bị phụ thuộc, không chịu sự khống chế của các thế lực khác” [148, tr.89].

Trong cuốn sách “Chủ quyền quốc gia dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa và vấn đề đặt ra với Việt Nam” của tác giả Phan Văn Rân, Nguyễn Hoàng Giáp lại cho rằng: “Độc lập dân tộc thể hiện ở quyền độc lập tự chủ trong việc lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình, thể hiện qua việc quyết định mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, trong việc thiết lập và thực thi quyền lực thông qua các hoạt động lập pháp, tư pháp, tiến hành mà không có sự can thiệp từ phía các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế” [136, tr.65].

Tác giả Mai Hải Oanh trong bài viết “Độc lập dân tộc - lợi ích cơ bản của đất nước” nhận định: “Quan niệm về độc lập dân tộc được thể hiện rõ nhất ở hai nội dung là quyền tối cao của quốc gia dân tộc trong phạm vi lãnh thổ và quyền độc lập của quốc gia dân tộc trong quan hệ quốc tế” [117, tr.54].

Như vậy, các quan điểm trên về cơ bản có sự thống nhất về nội hàm quan niệm độc lập dân tộc, với hai nội dung chính. Thứ nhất, trong phạm vi lãnh thổ (đối nội), mỗi quốc gia dân tộc phải có quyền lực tối cao, tức là có quyền sở hữu và quyền lực. Về quyền sở hữu, quốc gia dân tộc có quyền sở hữu đầy đủ và trọn vẹn môi trường tự nhiên của quốc gia dân tộc trên cơ sở phù hợp với lợi ích của cộng đồng dân cư sống trên vùng lãnh thổ, gồm: đất đai, không gian, mặt nước, biển, đảo, rừng, tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất trong phạm vi giới hạn bởi biên giới quốc gia. Đồng thời, quốc gia dân tộc được hưởng quyền lợi từ việc cho các quốc gia dân tộc khác, các chủ thể khác thuê sử dụng, khai thác trên lãnh thổ của mình hoặc cho quá cảnh qua lãnh thổ,.... Quyền lực quốc gia, được thể hiện trong việc quốc gia dân tộc

có quyền lựa chọn và phát triển chế độ chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa riêng của mình; có đầy đủ quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp để tự quyết định mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của mình; không lệ thuộc hoặc bị thao túng bởi các dân tộc khác. Thứ hai, quyền độc lập của quốc gia dân tộc trong quan hệ quốc tế (đối ngoại). Thể hiện ở việc các quốc gia dân tộc được hoàn toàn bình đẳng với nhau theo luật pháp quốc tế, có quyền tự quyết định mọi vấn đề mang tính chất đối ngoại của mình; đồng thời, cam kết và thực hiện cam kết tôn trọng độc lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

Từ những quan niệm trên, tác giả luận án nêu ra quan niệm: Độc lập dân tộc là khái niệm dùng để chỉ trạng thái của một quốc gia không bị lệ thuộc, phụ thuộc vào bất cứ một thế lực nào khác bên ngoài cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ không bị nước ngoài đe doạ, đó là quyền làm chủ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của một quốc gia được thể hiện trên mọi phương diện: chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại; được đảm bảo toàn vẹn, đầy đủ về mọi mặt, cả lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp của một quốc gia trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó và được thế giới công nhận.

Một phần của tài liệu la1 (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w