phát triển kinh tế, nâng cao nội lực quốc gia
Thứ nhất, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng khu vực
Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài với các nước láng giềng, các nước trong khu vực luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Đối với Trung Quốc, là một nước láng giềng nhưng đồng thời là một nước lớn. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua mặc dù còn những bất đồng, tranh chấp ở khu vực Biển Đông, nhưng xét một cách tổng thể đã có những bước tiến lớn.
Từ sau khi bình thường hóa quan hệ, Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Thông cáo chung năm 1991, lãnh đạo hai nước đã xác định: “phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện”. Năm 1999, trước thềm thế kỷ mới, hai nước lại ra Tuyên bố chung nhằm xác định khuôn khổ mới cho quan hệ hai nước là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Tiến triển quan trọng trong quan hệ giữa hai nước vào năm 2002, lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng, hai nước và nhân dân hai nước cần phải là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, tin cậy lẫn nhau, thông cảm và nhân nhượng lẫn nhau, cùng phát triển”, năm 2005 nhất trí “xây dựng mối quan hệ tin cậy và bền vững”, và năm 2008 nâng lên thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.
Trên cơ sở phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác chiến lược toàn diện, tin cậy lẫn nhau với Trung Quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương duy trì truyền thống gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao hàng năm bằng nhiều hình thức, đi sâu trao đổi lý luận và kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý nhà nước. Cùng với đó, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của các ban, ngành các cấp hai bên cũng diễn ra thường xuyên. Thông qua các chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đều khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường tin cậy chính trị, đi đến nhận thức chung về định hướng phát triển quan hệ hai nước; lãnh đạo hai bên đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể để quan hệ hai nước ngày càng phát triển; đồng thời thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương.
Hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước được đẩy mạnh. Kim ngạch buôn bán hai chiều tăng từ 32,23 triệu USD năm 1991 lên 35 tỷ USD năm 2011 và đạt gần 50 tỷ USD năm 2013 [125, tr.4]. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai bên đạt 88 tỷ USD [11]. Về đầu tư, năm 2013, Trung Quốc đứng thứ 9 trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và năm 2014, Trung Quốc có 1.073 dự án có tổng số vốn đăng ký là 7,9 tỉ USD ở Việt Nam [132, tr.101]. Theo thống kê của Việt Nam, tính đến tháng 11-2016, Trung Quốc có 1.529 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn thỏa thuận là 10,14 tỷ USD, đứng thứ 8 trong số các nước
và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ngược lại, theo thống kê của Trung Quốc, Việt Nam có 518 dự án đầu tư vào Trung Quốc với số vốn là 120 triệu USD [11]. Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật không ngừng phát triển,... làm tăng sự hiểu biết, giao lưu và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Về vấn đề Biển Đông, quan điểm của Việt Nam là kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích của đất nước; đồng thời kiên trì giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, kiên trì quan hệ hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, kiên trì chủ trương giải quyết những bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn thắt chặt tình hữu nghị, hòa hiếu với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, nhưng cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Đối với Lào, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào. Việt Nam luôn trân trọng gìn giữ và mãi mãi nhân lên tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung và trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, coi đây là tài sản chung vô giá của hai dân tộc Việt và Lào anh em, luôn kề vai, sát cánh bên nhau.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Lào được phát triển trên tất cả các lĩnh vực và ở các cấp, các ngành, từ Trung ương xuống địa phương, cả về mặt Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, tổ chức nhân dân. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước thường xuyên gặp nhau. Thông qua các cuộc gặp cấp cao, hai bên đã trao đổi những kinh nghiệm quý báu của mình trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Việc trao đổi đoàn giữa các bộ ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là địa phương có chung biên giới giữa hai nước ngày càng được tăng cường và mở rộng. Qua các cuộc gặp gỡ và làm việc, sự cảm thông và tin cậy lẫn nhau được tăng cường, quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực đã được đẩy mạnh, ngày càng thiết thực và hiệu quả. Hai nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân mỗi nước.
Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào không ngừng được thúc đẩy thông qua các thỏa thuận, hiệp định song phương như: Hiệp định Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2001-2005 (2-2001);
Hiệp định về Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2006-2010 (1-2006); Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (3-2015),...
và thông qua các cơ chế, dự án hợp tác trong khuôn khổ ASEAN như dự án Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hợp tác tiểu vùng Mê Công. Hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng có bước phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt con số cao nhất trong vòng 30 năm qua, đạt 1,287 tỷ USD, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Lào là 802 triệu USD và xuất khẩu của Việt Nam sang nước bạn đạt 485 triệu USD. Đến nay, các doanh nghiệp của Việt Nam đã đầu tư vào Lào với hơn 400 dự án, có số vốn khoảng 3,7 tỷ USD [108].
Có thể nói, quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào tiếp tục được củng cố và có những bước phát triển, ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Đúng như Tuyên bố chung Việt Nam - Lào (2005) đã khẳng định:
Cùng với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và nhân dân Lào, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân dân Việt Nam coi quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào là quy luật phát triển và nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới [65, tr.138].
Đối với Campuchia, sau khi có Hiệp định Pari về Campuchia, Việt Nam tiến hành điều chỉnh mối quan hệ theo lập trường láng giềng hữu nghị, không can thiệp vào công việc của nhau, thông qua thương lượng để giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước. Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia được củng cố và tăng cường về nhiều mặt trên cơ sở các nguyên tắc đã được xác định trong các Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia:
Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; không cho phép bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào dùng lãnh thổ của nước mình chống nước kia; hợp tác bình đẳng cùng có
lợi; giải quyết mọi vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng con đường thương lượng hòa bình, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới [46, tr.122-123]. Là nước đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, Việt Nam luôn ủng hộ nhân dân Campuchia xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, trung lập, không liên kết, có quan hệ hữu nghị với Việt Nam, các nước láng giềng và các nước khác. Đây là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Campuchia.
Từ khi Vương quốc Campuchia thành thập (1991) đến nay, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) là đảng liên tục cầm quyền; Đảng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc vì một nước Campuchia độc lập, trung lập, hòa bình và hợp tác (FUNCINPEC) là đảng tham gia liên minh cầm quyền ở Campuchia. Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác mật thiết với CPP; mở rộng quan hệ với FUNCINPEC; tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Vương quốc Campuchia. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, ký kết nhiều văn kiệt hợp tác như: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới (2005); Hiệp ước về quy tắc giải quyết vấn đề biên giới và Hiệp định về quy chế biên giới; Hiệp định lãnh sự (2006); Hiệp định về giao thông đường bộ; Hiệp định hợp tác về loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em... [65, tr.141].
Trên cơ sở quan hệ chính trị được củng cố và phát triển theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đã được nêu trong các Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia năm 1999, 2005, 2009, 2011 và 2014. Những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa hai nước diễn ra thường xuyên ở mọi cấp, mọi ngành. Hợp tác kinh tế hai bên diễn ra sôi động, nhất là giữa các địa phương biên giới hai nước, mậu dịch biên giới gia tăng nhanh chóng. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia năm 2015 đạt 3,37 tỷ USD. Về đầu tư, Việt Nam đang có 182 công trình đầu tư tại Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,85 tỷ USD [41].
Đối với những vấn đề do lịch sử để lại về biên giới, lãnh thổ, biển, đảo giữa hai nước, chính sách của Việt Nam là kiên trì giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, phấn đấu xây dựng đường biên giới trên đất liền và trên biển với Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Với tinh thần trên, hai nước đã kiên trì đàm phán, thương lượng giải quyết xong vấn đề phân định biên giới trên đất liền và hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên biên giới hai nước vào năm 2012. Bên cạnh đó, hai bên cũng phối hợp cùng nhau đấu tranh với các âm mưu và hành động của một số lực lượng ở Campuchia chống Việt Nam, kích động vấn đề “Khơme Crôm”, phá hoại quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.
Đối với các nước Đông Nam Á khác, là những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, cùng là thành viên của ASEAN, lại có nhiều điểm tương đồng và gắn bó với nhau bởi lợi ích chung. Việt Nam đã tiến hành bình thường hoá và quan hệ đầy đủ với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á trước khi gia nhập ASEAN. Đây cũng là điều kiện quan trọng để Việt Nam tham gia tổ chức này. Trong quá trình thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả ở khu vực, Việt Nam đã tạo dựng được khuôn khổ đối tác chiến lược với Xingapo, Philíppin, Malaixia, Inđônêxia và Thái Lan nhằm mở rộng thu hút đầu tư, viện trợ kinh tế, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Brunây và Mianma. Đồng thời, thông qua diễn đàn khu vực ASEAN, Việt Nam đã tranh thủ được sự tin cậy, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau tạo ra vị thế đối ngoại đa phương vững chắc trong sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á. Nhiều nước khu vực lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Từ đó sức mạnh của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam không ngừng được củng cố, phát triển, góp phần vào nền hoà bình và thịnh vượng chung trong khu vực.
Thứ hai, thúc đẩy quan hệ với các nước lớn
Là một nước đang phát triển, Việt Nam nhận thức sâu sắc về vai trò của các nước lớn đối với sự hình thành cục diện thế giới mới trong xu thế toàn cầu hoá. Vì vậy, bên cạnh việc mở rộng quan hệ quốc tế với các chủ thể quốc gia, các lực lượng,
các tổ chức quốc tế lớn, Việt Nam luôn chú trọng từng bước thiết lập và tăng cường quan hệ với tất cả các nước lớn, tạo ra thế đan xen lợi ích giữa các nước lớn, một mặt tạo điều kiện thu hút tối đa nguồn lực bên ngoài vì đây là nhóm nước giữ vị trí chi phối cơ bản về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực của thế giới; mặt khác cũng là biện pháp mềm dẻo, linh hoạt nhất để hạn chế khả năng bị phụ thuộc vào bất kỳ một nước lớn nào, đồng thời tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc trong tình hình mới.
Với Mỹ, đây là mối quan hệ quan trọng và cũng là mối quan hệ phức tạp nhất của Việt Nam. Trải qua nhiều diễn biến thăng trầm trong lịch sử, đến nay quan hệ Việt - Mỹ bên cạnh mặt phát triển vẫn còn những mặt tồn tại.
Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ (1995), quan hệ hai nước đã có những bước tiến quan trọng, là nền tảng cho việc phát triển mối quan hệ này lên tầm cao mới. Hai bên thường xuyên có những chuyến viếng thăm lẫn nhau của lãnh đạo cao nhất. Đáng chú ý, trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7-2013), Việt Nam và Mỹ đã tuyên bố thiết lập “mối quan hệ đối tác toàn diện” nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Về kinh tế, sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển của quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ là việc hai nước chính thức ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) ngày 13-7-2000, bởi nó đã tạo lập khuôn khổ pháp lý cần thiết và rõ ràng, làm cơ sở và nền tảng để xúc tiến quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Mỹ đi vào chiều sâu và đảm bảo hài hòa lợi ích của cả hai bên. Đặc biệt, việc Mỹ cấp cho Việt Nam Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR - 11-2006) đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương giữa hai nước. Trên thực tế, từ sau