Campuchia
Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy, cách tiếp cận để xem xét các vấn đề thời đại, tình hình thế giới, giải quyết tổng thể các vấn đề trong nước để xử lý những biến đổi nhanh chóng bên ngoài, phục vụ mục tiêu phát triển và bảo vệ đất nước. Đại hội cũng xác
định nhiệm vụ của đối ngoại Việt Nam là phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phấn đấu gìn giữ hòa bình ở Đông Dương, góp phần gìn giữ hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới,... tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện chủ trương mà Đại hội lần thứ VI đề ra, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ với hai nước trên bán đảo Đông Dương (Lào và Campuchia), tích cực đàm phán với các nước khu vực Đông Nam Á nhằm tìm giải pháp hòa dịu, giảm căng thẳng ở khu vực. Chìa khóa để tháo gỡ tình hình căng thẳng ở khu vực là giải quyết “vấn đề Campuchia”. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề Campuchia không chỉ là công việc riêng của Việt Nam với các nước khu vực mà quá trình giải quyết vấn đề diễn ra trên ba tầng nấc đan xen nhau:
1- Nội bộ các phái ở Campuchia; 2- Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, với ASEAN, với Hoa Kỳ; 3- Sự tham gia của năm nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gọi tắt là P.5). Những hoạt động trên các tầng nấc này tác động lẫn nhau, chi phối nhau, tạo nên khung cảnh hết sức sôi động trên trường ngoại giao quốc tế, song đến chung cuộc, vai trò quyết định, về thực chất lại thuộc về P.5 - các nước lớn bên ngoài Đông Nam Á [114, tr.284].
Để tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề Campuchia, Việt Nam tích cực phối hợp với Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia thúc đẩy đối thoại với các bên hữu quan, nhanh chóng tìm kiếm một giải pháp chính trị mà các bên có thể chấp nhận được. Việt Nam ủng hộ lập trường của Cộng hòa Nhân dân Campuchia đàm phán với các phái đối lập ở nước này, bày tỏ sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để đi tới một giải pháp chính trị đúng đắn giải quyết vấn đề Campuchia.
Bước khởi đầu có tính thăm dò cho quá trình đối thoại nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Campuchia là cuộc họp vào tháng 7-1987 tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Inđônêxia, đại diện cho hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN. Tiếp sau đó, tháng 12-1987, Thủ tướng Hunxen và Hoàng thân Xihanuc gặp nhau lần đầu tại Pari (Pháp). Hai bên đã ra thông cáo chung bày tỏ mong muốn có giải pháp chính trị nhằm đi đến hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Campuchia.
Sau bước khởi đầu thuận lợi của hai cuộc gặp gỡ trên, tháng 7-1988, cuộc gặp không chính thức về vấn đề Campuchia giữa đại diện các nước ASEAN và đại diện các nước Đông Dương (JIM-1) được tổ chức ở Bôgo (Inđônêxia). JIM-1 kết thúc với tuyên bố của Chủ tịch hội nghị về khuôn khổ cho một giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia với hai vấn đề then chốt: quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia; ngăn chặn sự trở lại của chế độ diệt chủng ở Campuchia và chấm dứt sự viện trợ quân sự của nước ngoài cho các bên Campuchia [13, tr.332]. Khung giải pháp này được ba phái ở Campuchia là Hunxen, Xihanuc và Xon Xan tán thành, chỉ riêng phái Khơme Đỏ chống lại. Tháng 2-1989, JIM-2 tiếp tục nhóm họp tại Jakarta và nhất trí với những nguyên tắc lớn của giải pháp: Việt Nam rút quân về nước; chấm dứt viện trợ quân sự và can thiệp từ bên ngoài vào Campuchia, loại trừ sự quay lại của chính sách và chế độ diệt chủng. Những nguyên tắc đó về cơ bản phù hợp với lập trường của Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Thành công của JIM-1, JIM-2 về cơ bản đã làm giảm sự căng thẳng, đối đầu giữa hai nhóm nước ở Đông Nam Á, tạo điều kiện để các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hữu hiệu nhất giải quyết vấn đề Campuchia.
Bên cạnh các cuộc gặp gỡ JIM-1, JIM-2, Cộng hòa Nhân dân Campuchia mở các diễn đàn Hunxen - Xihanuc, diễn đàn ba bên và bốn bên Campuchia nhằm thúc đẩy giải quyết vấn đề nội bộ bằng biện pháp chính trị giữa các bên Campuchia, có sự bảo đảm quốc tế. Tuy nhiên, phái Khơme Đỏ chống đối lại các thỏa thuận JIM-1, JIM-2 và các cuộc gặp riêng khác, Khơme Đỏ hy vọng sau khi quân đội Việt Nam rút về nước sẽ quay trở lại giành quyền kiểm soát ở Campuchia. Lập trường đó đã đẩy Khơme Đỏ vào thế ngày càng bị cô lập.
Cùng với tiến trình trên, tháng 9-1989, quân tình nguyện Việt Nam hoàn toàn rút khỏi Campuchia, Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Đông Dương và Việt Nam. Tháng 7-1990, Ngoại trưởng Mỹ Baker tuyên bố Mỹ thừa nhận Việt Nam đã rút quân khỏi Campuchia, chính quyền Phnôm Pênh là lực lượng chủ yếu có khả năng ngăn chặn Khơme Đỏ trở lại cầm quyền, nên Mỹ quyết định rút bỏ sự ủng hộ chiếc ghế của chính phủ liên hiệp ba phái Khơme đối lập tại Liên hợp quốc, sẵn sàng thảo luận với Việt Nam và Nhà nước Campuchia để thúc đẩy giải pháp cho vấn đề
Campuchia. Đồng thời, bắt đầu khởi động đàm phán với Việt Nam về việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Các nước phương Tây khác và ASEAN vượt qua hàng rào cấm vận, bắt đầu tìm kiếm các cơ hội làm ăn kinh tế với Việt Nam, nhất là từ sau khi Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonhavan tuyên bố “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” (8-1988) và JIM-1, JIM-2 kết thúc.
Song hành với quá trình đàm phán với các bên hữu quan, Việt Nam đã phối hợp và cộng tác với Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Campuchia và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào để thống nhất lập trường, quan điểm về một giải pháp chính trị phù hợp cho vấn đề Campuchia, giảm thiểu những mặt tiêu cực của cuộc đàm phán quốc tế về Campuchia, bảo vệ được lợi ích chính đáng của Campuchia và Việt Nam, sớm khôi phục hòa bình trên bán đảo Đông Dương và ở khu vực Đông Nam Á.
Với sự nỗ lực của Việt Nam và thiện chí của các bên liên quan, Hội nghị quốc tế bàn về vấn đề Campuchia lần đầu tiên được tổ chức tại Pari (Pháp) từ ngày 30-7 đến ngày 30-8-1989, dưới sự chủ trì của hai đồng chủ tịch là Ngoại trưởng Pháp và Ngoại trưởng Inđônêxia. Cánh cửa hòa bình dần hé mở mặc dù kết quả của hội nghị đầu tiên đã không đạt được như mong muốn. Việt Nam và Campuchia chấp nhận sử dụng vai trò của Liên hợp quốc và xem xét sáng kiến của Ốtxtrâylia để giải quyết vấn đề phân chia quyền lực bị bế tắc tại Hội nghị quốc tế Pari một lần nữa. Từ đây vai trò của P.5 và Liên hợp quốc được tăng cường trong việc xử lý những nội dung gay cấn nhằm đi đến một giải pháp toàn bộ về Campuchia. Với sáu phiên họp từ tháng 1 đến tháng 8- 1990, giải pháp khung về chính trị ở Campuchia đã được thỏa thuận. Kết quả là ngày 23-10-1991, Hiệp định Pari về Campuchia được ký kết, ngòi nổ của tình hình Campuchia được tháo gỡ. Đất nước Campuchia đi vào thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước. Tình hình khu vực Đông Nam Á đi dần vào ổn định.
Việc ký kết Hiệp định hòa bình Pari về Campuchia (10-1991) đã đặt ra cho cả Việt Nam lẫn các nước Đông Nam Á nhiều cơ hội mới. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chiến tranh, xung đột, đối đầu, tất cả các quốc gia và nhân dân trong khu vực đã có những cơ hội thật sự để hợp tác và phát triển. Cùng với Hiệp định Pari về Campuchia là việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (11-1991), từ góc độ Việt Nam mà phân tích, đó là sự thực hiện thành công chính sách đối
ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm khai thông quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, tạo điều kiện thuận lợi để phá thế bao vây, cấm vận, cô lập từ bên ngoài, mở rộng quan hệ hợp tác khu vực và quốc tế, và quan trọng hơn, Việt Nam đã bảo vệ vững chắc được độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc.