lập dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc
Quan điểm của Mác về vấn đề độc lập dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc được thể hiện trong nhiều tác phẩm, bài viết, điển hình là các bài viết: “Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ”,
“Cuộc đấu tranh của nhân dân Aidơlen chống thực dân Anh”. Đặc biệt là trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Mác cho rằng, giai cấp vô sản muốn hoàn thành được sứ mệnh của mình, trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành quốc gia dân tộc, phải tự quyết về vận mệnh của dân tộc mình, phải tự mình trở thành dân tộc [88, tr.105]. Mác còn nêu: “Không khôi phục độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản và sự hợp tác hòa bình và tự giác của các dân tộc để đạt tới mục đích chung” [87, tr.534].
Quan điểm của V.I.Lênin về độc lập dân tộc được thể hiện trong Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa (1920). Trong bản sơ thảo trên, V.I.Lênin đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia dân tộc, đặc biệt nhấn mạnh đến quyền dân tộc tự quyết và quyền bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc. Theo V.I.Lênin, một dân tộc có độc lập khi có “Quyền dân tộc tự quyết có nghĩa là quyền phân lập về mặt nhà nước của các dân tộc đó ra khỏi các tập thể dân tộc khác, có nghĩa là sự thành lập một quốc gia dân tộc độc lập” [77, tr.303]. Điều đó cũng có nghĩa là dân tộc đó có quyền tự quyết cả trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại; có quyền tự quyết, tự chủ đối với vận mệnh của quốc gia dân tộc mình, với con đường phát triển của quốc gia dân tộc mình, đồng thời có quyền quyết định việc thành lập một nhà nước độc lập hay liên minh với quốc gia khác trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Do đó, V.I.Lênin phê phán sự thôn tính, xâm lược của một dân tộc này đối với một dân tộc khác, ông cho đó là
sự vi phạm nghiêm trọng quyền tự quyết dân tộc, là kiến lập biên giới của một quốc gia trái với ý muốn của dân cư. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại. Quyền bình đẳng của các quốc gia dân tộc còn thể hiện ở sự tôn trọng quyền làm chủ của mỗi quốc gia dân tộc, đặt lên hàng đầu việc xóa bỏ sự nô dịch của dân tộc này đối với dân tộc khác.
Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1920, Hồ Chí Minh đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa của V.I.Lênin. Trên cơ sở tiếp cận quan điểm “độc lập dân tộc”, “quyền dân tộc tự quyết” và tìm thấy cách giải quyết đúng đắn của cách mạng giải phóng dân tộc trong luận cương của V.I.Lênin, vấn đề “độc lập dân tộc, tự do, quyền bình đẳng và tự quyết cho toàn thể dân tộc” đã trở thành cốt lõi trong tư tưởng của Hồ Chí Minh. Theo Người, độc lập dân tộc là làm cho dân tộc thoát khỏi tình trạng áp bức, bóc lột và nô dịch bởi các thế lực ngoại xâm. Độc lập dân tộc phải là nền độc lập, tự do thực sự, hoàn toàn chứ không phải là thứ độc lập giả hiệu. Một quốc gia dân tộc có được độc lập là quốc gia đó phải có vị thế bình đẳng trên trường quốc tế, có một nhà nước dân chủ thực sự để đảm bảo quyền lực nhà nước là của nhân dân. Người dân của một nước độc lập phải là người chủ của đất nước mình, mọi công dân sống trong nước đó có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Hồ Chí Minh khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở bên ngoài” [95, tr.136].
Tư tưởng của Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ tinh thần nhân văn cao cả, và quan niệm của Người về độc lập, tự do thực sự là quan điểm mang tính cách mạng sâu sắc, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Vì lẽ đó, trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” [93, tr.555]. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nền độc lập thực sự của một quốc gia dân tộc bao gồm độc lập về nhiều mặt, trong đó độc lập về chính trị được xác định là điều kiện tiền đề cho độc lập thực sự, độc lập về kinh tế là sự bảo đảm, điều kiện quyết định cho nền độc lập ấy.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, bảo vệ độc lập dân tộc nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của dân tộc, thực hiện các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay khi mà lợi ích của các dân tộc đan xen, chồng chéo
lẫn nhau, thì bảo vệ độc lập dân tộc không phải là sự biệt lập và chủ nghĩa bè phái mà bảo vệ độc lập dân tộc phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Đoàn kết và hợp tác quốc tế nhằm mục tiêu tập hợp lực lượng bên ngoài, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước và các dân tộc trên thế giới cả về vật chất lẫn tinh thần, làm tăng thêm khả năng tự bảo vệ nền độc lập của dân tộc mình. Vì vậy, bảo vệ độc lập của dân tộc mình phải gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Đây chính là một trong những nguyên lý cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động quốc tế và ngoại giao của Người trong tiến trình cách mạng Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc là quan điểm kết hợp giữa “độc lập dân tộc và CNXH”. Bởi vì, theo Người: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc để có độc lập tự do, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản; độc lập dân tộc là nền tảng để xây dựng CNXH và chỉ có CNXH mới tạo cơ sở vững chắc để củng cố, bảo vệ độc lập dân tộc. Hơn nữa, từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và của chính chúng ta, Hồ Chí Minh đã nhận ra rằng, chỉ với CNXH, độc lập dân tộc mới đạt tới giá trị đích thực là phục vụ lợi ích và quyền lực của mọi người lao động. Vì trên thực tế, chỉ có CNXH mới hoàn toàn giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; chỉ có CNXH mới xoá bỏ căn nguyên sâu xa của tình trạng người bóc lột người và đưa dân tộc tới sự phồn vinh về kinh tế, sự phát triển phong phú về văn hoá, mới thực hiện đầy đủ nhất quyền lực của nhân dân. Có thể thấy, khát vọng lớn lao nhất trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là mang lại độc lập cho dân tộc, quyền tự do và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Do vậy, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn con đường phát triển lên CNXH sau khi đã giành được độc lập là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển của lịch sử xã hội.