Từ cuối thế kỷ XX đến nay, thế giới diễn ra những biến đổi khó lường, hết sức to lớn trên các mặt của đời sống quốc tế; xuất hiện nhiều đặc điểm và xu thế lớn là nhân tố
khách quan tác động đến việc hoạch định chính sách đối ngoại nhằm mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Thứ nhất, với sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hệ thống XHCN không còn tồn tại trên phạm vi toàn thế giới. CNXH tạm thời lâm vào thoái trào, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đi vào thời kỳ khủng hoảng, gặp nhiều khó khăn, phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc của các nước đang phát triển mất đi một chỗ dựa lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Các thế lực thù địch ra sức công phá, tìm mọi cách xóa bỏ CNXH. Vấn đề bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước đang phát triển đứng trước hàng loạt những vấn đề mới, vừa tạo ra cơ hội, thời cơ nhưng cũng có những thách thức nghiêm trọng.
Là một nước do đảng cộng sản cầm quyền và lãnh đạo đất nước đi lên xây dựng CNXH, Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch do Mỹ cầm đầu đã và đang tìm mọi cách để thực hiện “diễn biến hòa bình”, kết hợp với gây “bạo loạn lật đổ” hòng xóa bỏ chế độ XHCN, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Việt Nam vào quỹ đạo TBCN. Trong khi đó:
Những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực quốc tế hòng xóa bỏ CNXH và sự tan rã của Liên Xô cũng như sự sụp đổ của các nước XHCN Đông Âu đã phần nào tác động tiêu cực tới tư tưởng và tình cảm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam [99, tr.70].
Vì vậy, để vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN thì việc đề ra một đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới. Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là, hòa nhập không hòa tan, trong đối tác có đối tượng và trong đối tượng có đối tác cần phải hợp tác.
Thứ hai, sau Chiến tranh Lạnh, trật tự thế giới hai cực tan rã, cục diện thế giới và cấu trúc quyền lực quốc tế có nhiều thay đổi, tương quan lực lượng thế giới nghiêng hẳn về phía có lợi cho CNTB và chủ nghĩa đế quốc, bất lợi cho CNXH, cách mạng thế giới và các lực lượng tiến bộ khác. CNTB đứng đầu là Mỹ chi phối mạnh mẽ đời sống quan
hệ quốc tế, như nhận định của Brêzinski: “Giữ vững quyền đứng đầu thế giới của Mỹ là chính yếu đối với phúc lợi và an ninh của Mỹ và tương lai của tự do, dân chủ, kinh tế mở cửa và trật tự thế giới hiện nay” [20, tr.39]. Tuy nhiên, quá trình hình thành trật tự thế giới mới lại chứa đựng nhiều yếu tố bất trắc, khó đoán định khi nổi lên hai khuynh hướng đối nghịch nhau: Mỹ chủ trương một thế giới đơn cực, trong khi đó Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) muốn thiết lập thế giới đa cực. Cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng “đơn cực” và “đa cực” diễn ra ngày càng gay gắt với ưu thế rõ nét nghiêng về khuynh hướng “đa cực”, “đa phương” như nhận định của Đảng: “Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hóa trong đời sống quốc tế tiếp tục phát triển nhưng các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế” [38, tr.183].
Để đối phó với khuynh hướng hình thành cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, Mỹ không dấu diếm tham vọng bá quyền của mình, với mục đích thiết lập “trật tự mới”, thực chất là thế giới đơn cực do Mỹ khống chế. Do đó, Mỹ ngang nhiên can thiệp vào tình hình nội bộ của nhiều nước có chủ quyền khác, lớn tiếng tuyên bố “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, vi phạm độc lập, tự chủ của nhiều quốc gia trên thế giới gây nên những mối lo ngại cũng như tạo ra những thách thức mới cho công cuộc bảo vệ độc lập của các quốc gia đang phát triển và lựa chọn con đường phát triển theo định hướng XHCN như Việt Nam. Những nguy cơ đe dọa đến chủ quyền quốc gia và nền độc lập dân tộc ở trên là sự đòi hỏi bức thiết đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam phải tiến hành đổi mới tư duy và hoạch định một chính sách đối ngoại hợp lý để có thể loại trừ.
Thứ ba, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại (hiện nay là cách mạng công nghiệp 4.0) có bước phát triển nhảy vọt, đạt được những kỳ tích to lớn, tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống mọi quốc gia và quan hệ quốc tế đương đại. Đặc điểm nổi bật của cuộc cách mạng KH-CN là ở chỗ khoa học, công nghệ và sản xuất không còn là ba lĩnh vực tách rời nhau mà có sự thống nhất trong một quá trình giữa phát minh khoa học, chuyển hóa thành công nghệ và đưa vào sản xuất đại trà. Chuyển giao khoa học và công nghệ cũng ngày càng phổ biến, rộng rãi hơn trên thế giới. Đây là cơ hội để các nước có trình độ khoa học và công nghệ còn kém phát triển như Việt Nam có thể tận dụng, phục vụ mục tiêu phát triển.
Nhưng bên cạnh đó, các thế lực đế quốc với những ưu thế của mình lại đang sử dụng những thành tựu của cách mạng KH-CN để củng cố, tăng cường địa vị thống trị; ứng dụng thành tựu cách mạng KH-CN vào mục đích quân sự, tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới trên thế giới với những kho vũ khí khổng lồ, độ chính xác cao, có sức hủy diệt lớn,... càng làm tăng thêm mối đe dọa độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước trên thế giới. Trong khi đó, các nước đang phát triển do những hạn chế về nhiều mặt nên không dễ dàng có thể tiếp cận những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, thậm chí đứng trước nguy cơ trở thành nơi thu nhận những công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường được chuyển giao từ các nước phát triển [45, tr.33].
Đới với Việt Nam, là một nước đang phát triển nên luôn mong muốn tận dụng được tối đa những thành quả của cuộc cách mạng KH-CN, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. Hơn thế, Việt Nam cũng không muốn trở thành nơi thu nhận công nghệ lạc hậu của các nước phát triển và quan trọng hơn là không rơi vào tình trạng lệ thuộc về KH-CN của CNTB, chủ nghĩa đế quốc dẫn đến mất độc lập, tự chủ trong đường hướng phát triển đất nước. Để làm được điều đó thì việc hoạch định và triển khai một chính sách đối ngoại linh hoạt, sáng tạo là yêu cầu bức thiết đặt ra cho Đảng và Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Thứ tư, quá trình TCH có những bước phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia, trong đó đặc biệt là vấn đề bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia với cả thời cơ lẫn nguy cơ, đang đòi hỏi các nước phải có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp.
Dưới tác động của xu thế TCH, các quốc gia, các chủ thể kinh tế xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, TCH cũng đặt ra cho các chủ thể quốc gia chú trọng xem xét chống lại sự áp đặt, bành trướng trên tất cả các lĩnh vực, xem xét khả năng phá vỡ trật tự thế giới do Liên hợp quốc điều hành và làm phân hoá quan hệ các nước, nhất là các nước đang phát triển vì những lợi ích dân tộc khác nhau. Trong xu thế TCH, các nước cũng nhận thức rõ hơn rằng mối đe doạ lớn nhất đối với độc lập dân tộc không chỉ là sự tiến công, xâm lược về quân sự còn có sự tụt hậu về phát triển, nghèo đói và kém khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vấn đề này đã được Thomas L.Friedman trong tác phẩm “Thế giới phẳng” nhận định, “không phải
tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với nền tảng mới này, sân chơi mới này”, “thế giới đang được làm phẳng thì không có nghĩa là tất cả chúng ta đều bình đẳng” [151, tr.310]. Vì vậy, phát triển kinh tế đi cùng với mở rộng quan hệ đối ngoại, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức sẽ ngày càng trở thành nền tảng trụ cột đảm bảo độc lập dân tộc trong xu thế toàn cầu hoá.
Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, bất cập lớn nhất là ở chỗ, cùng với cơ hội mà chúng ta tận dụng được phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, cũng xuất hiện những yếu tố do mặt trái của TCH tạo ra, nhưng không có cách nào khác là phải hội nhập để có cơ may phát triển kinh tế hoặc chí ít là không bị đẩy ra ngoài rìa của sự phát triển chung và như vậy, trên mức độ nhất định, chúng ta phải chịu lệ thuộc về kinh tế và chính trị nếu như bản thân không thể chủ động kiểm soát được quá trình hội nhập quốc tế và đây chính là một nguy cơ thực sự đối với công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc. Do đó, việc hoạch định và thực thi một chính sách đối ngoại hợp lý để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức là yêu cầu bức thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh TCH, là nhiệm vụ cao nhất của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới.
Thứ năm, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, xu thế hiện thực hóa chính sách đối ngoại độc lập, đa phương hóa, đa dạng hóa và xu thế dân chủ hóa đời sống chính trị thế giới trở thành những xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Đặt biệt, kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt đã xóa đi nguy cơ của cuộc chạy đua vũ trang và sự tiềm ẩn của chiến tranh huỷ diệt, mở ra những cơ hội mới cho quá trình mở rộng hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, loại bỏ những rào cản chính trị vốn tồn tại một thời gian dài trong thế kỷ XX. Ở các cấp độ khác nhau, tiến trình cải thiện quan hệ giữa các nước, các đối thủ cũ vốn từng đứng trên hai trận tuyến đối lập nhau được thúc đẩy, các mối quan hệ, hợp tác mới được hình thành chủ yếu theo xu hướng vì lợi ích quốc gia dân tộc và mục tiêu phát triển.
Các dân tộc nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, đấu tranh chống sự áp đặt và can thiệp của nước ngoài, bảo vệ độc lập chủ quyền và nền văn hóa dân tộc. Các nước có sự đổi mới tư duy về lợi ích dân tộc, quan hệ quốc tế, an ninh và phát triển của các quốc gia, về nhận thức vai trò và vị trí kinh tế trong việc xác lập vị thế
của quốc gia dân tộc. Vì vậy, các nước đều giành ưu tiên phát triển kinh tế, coi tiềm lực và sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia có vai trò quan trọng trong việc giữ vững nền độc lập dân tộc và ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của mỗi nước trong cộng đồng quốc tế. Phương thức tập hợp lực lượng trên thế giới cũng có nhiều thay đổi theo hướng, lấy lợi ích kinh tế - chính trị của các quốc gia làm trọng tâm. Sự tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế cũng theo đó ngày càng trở nên cơ động, linh hoạt hơn, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh theo từng vấn đề cụ thể.
Những thay đổi trên là cơ hội để Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục đổi mới tư duy, phát triển đường lối đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thông qua đó Việt Nam có thể tận dụng các nguồn lực của thế giới như: vốn, KH-CN, kinh nghiệm quản lý tiên tiến,... để phục vụ nhu cầu phát triển, tăng thêm khả năng bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nền độc lập dân tộc.