tình trạng bị bao vây, cấm vận, ký Hiệp định khung với Liên minh châu Âu (EU)
Trong thập kỷ 80, quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ vẫn diễn ra căng thẳng. Mỹ tiếp tục cùng với các nước phương Tây và một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam. Về phía Việt Nam, luôn mong muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ và giải tỏa quan hệ với các nước nên có những động thái quan trọng như: Tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA); tháng 1-1986, Việt Nam đồng ý để trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và ủy viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ vào đàm phán về vấn đề MIA,... Tuy nhiên, những động thái ngoại giao của Việt Nam không mang lại kết quả như mong muốn, Mỹ vẫn thực thi chính sách bao vây, cấm vận Việt Nam. Từ đầu thập kỷ 90, khi cuộc xung đột ở Campuchia đạt tới giải pháp chính trị, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa, quan hệ Việt - Mỹ chuyển dần từ đối đầu sang đối thoại và có những bước phát triển quan trọng. Cánh cửa để Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ dần hé mở, và đây cũng chính là lúc Việt Nam bắt đầu mở rộng các mối quan hệ quốc tế theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa.
Thứ nhất, đàm phán tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc
Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn mong muốn thắt chặt tình hữu nghị lâu đời giữa hai bên và sớm bình thường hóa quan hệ Việt - Trung. Tại Đại hội lần thứ VI (12-1986), Đảng ta khẳng định:
Trên tình thần bình đẳng, bảo đảm độc lập, chủ quyền và tôn trọng lẫn nhau, sẵn sàng đàm phán để giải quyết những vấn đề thuộc về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ và khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, vì lợi ích nhân dân hai nước, vì hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới [37, tr.561].
Việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa quyết định đối với các giải pháp trong giải quyết các vấn đề khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán với Việt Nam để tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, Trung Quốc đặt ba vấn đề ràng buộc lẫn nhau:
Việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia được coi như điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề quyền lực chính trị ở Campuchia (với sự tham gia của Khơme Đỏ) và bình thường hóa quan hệ Việt - Trung. Trung Quốc đưa vấn đề rút quân đội Việt Nam khỏi Campuchia vào chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán Xô - Trung, nêu lên như một trở ngại đối với việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước này nhằm thông qua Liên Xô tạo sức ép đối với Việt Nam [114, tr.285].
Do đó, Việt Nam một mặt công khai khẳng định vấn đề Campuchia không liên quan tới việc bình thường hóa quan hệ Việt - Trung và mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô, mặt khác chủ động thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc để tháo gỡ các trở ngại trong quan hệ hai nước.
Để tạo không khí thuận lợi cho quá trình đàm phán tiến tới bình thường hóa quan hệ Viêt - Trung, năm 1988, Việt Nam đã sửa “Lời nói đầu” trong Hiến pháp, bỏ câu liên quan đến Trung Quốc. Việt Nam cũng đề nghị hai bên chấm dứt hoạt động vũ trang tại biên giới đất liền và hải đảo, không bên nào đóng quân trên các điểm cao dọc biên giới hai nước. Việt Nam mở cửa khẩu cho nhân dân hai bên qua lại, không tuyên truyền có hại cho bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đáp lại thiện chí đó của Việt Nam, ngày 12-8-1990, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Bằng trong lúc đang ở thăm chính thức Xingapo đã tuyên bố: “Trung Quốc hy vọng cuối cùng sẽ bình thường hóa với Việt Nam và thảo luận các vấn đề như cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa” [13, tr.344]. Việt Nam hoan nghênh tuyên bố trên của Trung Quốc và đề nghị tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa hai nước nhằm thảo luận việc bình thường hóa quan hệ và các vấn đề liên quan, cánh cửa cho việc bình thường hóa quan hệ Việt - Trung đã hé mở.
Trải qua nhiều vòng đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao, năm 1990, với ba vòng đám phán diễn ra tại Bắc Kinh và Hà Nội, Việt Nam và Trung Quốc đã trao đổi một số quan điểm về vấn đề Campuchia liên quan đến việc Việt Nam rút quân, giám sát quốc tế việc chấm dứt viện trợ nước ngoài cho các bên Campuchia. Hai bên nhất trí không thảo luận về vấn đề nội bộ Campuchia mà tập trung vào thảo luận việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Tháng 9-1990, cuộc
gặp cấp cao không chính thức diễn ra ở Thành Đô (Trung Quốc), lãnh đạo hai bên tiếp tục trao đổi ý kiến về vấn đề bình thường hóa quan hệ Việt - Trung, vấn đề Campuchia và các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Sau cuộc gặp gỡ đó, hai bên thường xuyên trao đổi các thông tin. Ngày 5-11-1991, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, lãnh đạo hai nước đã ký Tuyên bố về việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đây là bước khởi động rất quan trọng để tái lập và phát triển quan hệ bình thường giữa hai nước.
Thứ hai, đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận
Bình thường hóa quan hệ với Mỹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, từ đó giúp Việt Nam khai thông quan hệ với các nước khu vực và quốc tế. Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Chính phủ ta tiếp tục bàn bạc với Mỹ giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại và sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ vì lợi ích của hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á” [31, tr.108]. Để đạt được mục tiêu này, Đại hội VI khẳng định cần có chính sách toàn diện đối với Mỹ nhằm tranh thủ dư luận nhân dân Mỹ và thế giới tạo thuận lợi cho chiến lược tập trung vào việc giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế. Việt Nam cần tập trung vào giải quyết vấn đề MIA. Đến Đại hội lần thứ VII (1991) của Đảng tiếp tục khẳng định, việc thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ là một trong những chủ trương quan trọng về đối ngoại, không những phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực [13, tr.352].
Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Mỹ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; kiên quyết đấu tranh đòi chính quyền Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận chống Việt Nam, đàm phán giải quyết những tranh chấp, bất đồng và những vấn đề tồn tại trong quan hệ giữa hai nước thông qua thương lượng hòa bình.
Sau khi Mỹ tuyên bố thừa nhận Việt Nam đã rút quân khỏi Campuchia, tháng 9- 1990 tại New York, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch gặp
Ngoại trưởng Mỹ Giêm Ubây-cơ. Phía Mỹ thông báo sẽ lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam ngay sau khi bầu cử và lập chính phủ mới ở Campuchia. Tháng 4- 1991, hai bên đề ra lộ trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Tháng 10-1991, nhân đến Pari dự Hội nghị quốc tế về Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Mỹ bàn về vấn đề thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Từ tháng 4-1992, Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận đối với Việt Nam - những tín hiệu của sự tan băng đã xuất hiện.
Trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 1994, hàng năm nhân dịp dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam liên tục gặp không chính thức Ngoại trưởng Mỹ trao đổi ý kiến về cải thiện quan hệ Việt - Mỹ và Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận. Trong những năm này, nhiều phái đoàn nghị sĩ Mỹ đã sang thăm Việt Nam nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Trên tinh thần nhân đạo, Việt Nam đã hợp tác với Mỹ giải quyết vấn đề MIA, đoàn tụ gia đình theo chương trình tái định cư nhân đạo,... [13, tr.353].
Với những thiện chí từ phía Việt Nam và chuyển biến tốt đẹp của mối quan hệ hai nước, ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ cấm vận và thiết lập cơ quan liên lạc Mỹ tại Hà Nội, và ngày 11-7-1995, tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng trong việc điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, đồng thời mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.
Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ là một sự kiện quan trọng mang dấu ấn đậm nét của ngoại giao Việt Nam. Một mặt, Việt Nam đã phá được thế bị bao vây, cấm vận, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được với một nền kinh tế phát triển, một nguồn vốn dồi dào, một thị trường giàu tiềm năng. Khai thác tận dụng được những yếu tố trên sẽ giúp Việt Nam bổ sung nguồn lực để phát triển đất nước. Nhưng mặt khác, bình thường hóa quan hệ với Mỹ còn giúp Việt Nam khai thông được trở ngại trong quan hệ với các nước, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam cải thiện và phát triển quan hệ với khu vực và quốc tế, góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây được xem là thành công lớn của đối ngoại Việt Nam
trong gia đoạn đầu đổi mới (1986 - 1995), góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh bảo vệ và củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc.
Thứ ba, Việt Nam đã ký Hiệp định khung với Liên minh châu Âu (EU)
Việt Nam luôn mong muốn cải thiện và phát triển quan hệ với EU, nhất là sau khi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia, nhiều nước Tây Bắc Âu đã cải thiện quan hệ với Việt Nam. Các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu một số nước thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Ngày 22-10-1990, Việt Nam và Liên minh châu Âu ký Hiệp định về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển trong quan hệ hai bên. Ngày 17-7-1995, hai bên ký Hiệp định khung về những nguyên tắc và lĩnh vực hợp tác Việt Nam - EU, tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên phát triển. EU cũng đã có nhiều viện trợ cho Việt Nam, giúp chúng ta có thêm nguồn
lực để phát triển đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc.