Trong thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ đối ngoại luôn được Đảng nhấn mạnh, trước hết phải bảo vệ được lợi ích dân tộc, tạo được môi trường hòa bình để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội lần thứ VI (1986) của Đảng xác định nhiệm vụ đối ngoại của Việt Nam là:
Ra sức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phấn đấu giữ vững hòa bình ở Đông Dương, góp phần tích cực giữ vững hòa bình ở
Đông Nam Á và trên thế giới, tăng cường quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng XHCN, tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, chủ động tạo thế ổn định để tập trung xây dựng kinh tế, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH [37, tr.433].
Trong thời kỳ chiến tranh, mục tiêu an ninh, toàn vẹn lãnh thổ được đặt lên hàng đầu nhằm bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc là lợi ích thiêng liêng nhất của mọi người dân. Vào thời kỳ đổi mới, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục hướng vào mục tiêu giữ vững hòa bình, giữ gìn an ninh chính trị, làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, phục vụ công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và mục tiêu CNXH.
Các đại hội sau đó của Đảng xác định nhiệm vụ đối ngoại ngày một rõ, cụ thể hơn; quá trình hội nhập quốc tế cũng từng bước phát triển theo kịp với những chuyển biến của thời đại, phục vụ trực tiếp sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ đất nước. Đại hội lần thứ VII xác định nhiệm vụ: “giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc” [32, tr.88]. Đại hội lần thứ VIII đã tiến thêm một bước khi xác định nhiệm vụ đối ngoại mang tính thực tiễn hơn: “củng cố môi trường hòa bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [33, tr.88].
Bước vào thiên niên kỷ mới, Đại hội lần thứ IX (2001) của Đảng đã tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991-2000) với những thành công lớn, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận, mở rộng được quan hệ đối ngoại nên xác định nhiệm vụ đối ngoại trong những năm tiếp theo của Việt Nam là:
Tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội [34, tr.119-120].
Như vậy, có ba điểm đáng chú ý trong nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội lần thứ IX của Đảng xác định, đó là: Thứ nhất, giữ vững môi trường hòa bình; thứ hai, tranh thủ các điều kiện bên ngoài thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thứ ba, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Giữ vững môi trường hòa bình không chỉ có nghĩa là không để xảy ra chiến tranh, xung đột vũ trang, mà còn bao hàm và trước hết là thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy xu thế củng cố độc lập, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Có như vậy, Việt Nam mới tranh thủ được điều kiện bên ngoài thuận lợi cho công cuộc đổi mới, cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” [38, tr.236]. Trong nhiệm vụ đối ngoại lần này Đảng nêu rõ, “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” chính là sự khẳng định vai trò của đối ngoại trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Tại Đại hội lần thứ XII (2016) của Đảng tiếp tục nhấn mạnh và chỉ rõ: "Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới" [39, tr.79]. Nhiệm vụ công tác đối ngoại ấy trực tiếp phục vụ mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới:
Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đã sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng
quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội [39, tr.33].
Môi trường hòa bình, thuận lợi; nâng cao vị thế đất nước; góp phần vào cuộc đấu tranh trên thế giới mà công tác đối ngoại thực hiện và mang lại sẽ trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc. Công tác đối ngoại rõ ràng không chỉ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước, mà còn phục vụ trực tiếp, có hiệu quả cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, đối ngoại ngày càng được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và với kinh tế, văn hóa trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc XHCN của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Như vậy, song song với việc tái khẳng định các nhiệm vụ đối ngoại phục vụ sự nghiệp phát triển và nâng cao vị thế của đất nước, Đảng cũng nêu rõ hai quan điểm lớn gắn liền với mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc. Thứ nhất, việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại phải trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu tranh, phải thấy rõ tính chất hai mặt trong quan hệ với mọi đối tác, trong xử lý mọi sự việc nảy sinh để không bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội hợp tác nào nhưng cũng không lơ là mất cảnh giác. Thứ hai, trong triển khai nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc phải kiên quyết, kiên trì. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN là những nội hàm cốt lõi của lợi ích quốc gia - dân tộc. Do đó, nhiệm vụ của đối ngoại Việt Nam phải bảo vệ đến cùng các lợi ích đó, đồng thời chỉ ra phương cách đấu tranh là kiên trì với nghĩa là không nóng vội, không manh động, phải tận dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tận dụng mọi kênh, mọi phương thức có thể. Tuy nhiên, trong khi kiên trì các biện pháp, phương cách đó, Việt Nam không loại trừ bất kỳ biện pháp, phương cách nào để kiên quyết bảo vệ đến cùng lợi ích mang tính sống còn của quốc gia dân tộc - đó là độc lập dân tộc.