Thứ nhất, tình hình khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương có nhiều chuyển biến, mối quan hệ dựa trên ý thức hệ không còn chi phối, thay vào đó là bầu không khí hòa dịu giữa các nước khu vực. Đông Nam Á bước vào một thời kỳ lịch sử mới với xu thế đối thoại, hoà bình, hợp tác và phát triển.
Hiện nay, ASEAN là một thực thể chính trị khu vực mới nổi và phát triển nhanh chóng, đã và đang trở thành một nhân tố vô cùng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Các nước trong khu vực cam kết thực hiện nguyên tắc giải quyết các xung đột bằng con đường hòa bình, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ, hướng tới xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác cùng nhau phát triển [99, tr.70]. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) thành lập (7-1994) với sự tham gia bước đầu của ngoại trưởng các nước trong khu vực và các nước hữu quan chủ chốt như: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Ốtxtrâylia,... đã trở thành diễn đàn quan trọng để các nước có liên quan thảo luận các quan điểm về hòa bình và an ninh cho khu vực. Hiện nay, vai trò của ARF càng trở nên quan trọng trong đời sống chính trị Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Các nước ASEAN cũng đã tăng cường hợp tác chống khủng bố. Mỹ đã ký với các nước
ASEAN Hiệp ước đấu tranh chống khủng bố - Hiệp ước được đánh giá là bước đi hướng tới sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Mỹ với các nước trong khu vực trong lĩnh vực an ninh. Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2008 là một bước tiến hết sức quan trọng, thể hiện sự đoàn kết, hợp tác, liên kết trong khu vực tiếp tục phát triển, đặc biệt liên kết về chính trị, an ninh.
Đứng trên góc độ kinh tế, trong nhiều năm qua các nước Đông Nam Á luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của thế giới. Với việc xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời, các nước ASEAN cùng nhau xây dựng một thị trường chung khu vực chống lại sức ép từ bên ngoài, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước và tăng cường vai trò quốc tế của từng thành viên. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập sâu rộng vào khu vực, qua đó tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển và bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc.
Thứ hai, từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ... đều từng bước điều chỉnh chính sách đối với Đông Nam Á, nhằm củng cố và nâng cao ảnh hưởng tại khu vực, tạo cơ sở hỗ trợ đắc lực cho việc thực thi chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của mỗi nước. Chính sách của các nước lớn có thể được biểu hiện bằng các hình thức khác nhau, song nhìn chung đều là sự gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực Đông Nam Á với xu thế vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Đây vừa là cơ hội cho các nước khu vực có thể tận dụng để thúc đẩy mối quan hệ với các nước lớn, nhưng đồng thời cũng là những thách thức đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc của các nước trong khu vực.
Đối với Việt Nam, trước sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ở khu vực, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc đang là một thách thức lớn. Việc Mỹ quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á cũng nằm trong mục tiêu kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Xét thấy vị thế chiến lược quan trọng của Việt Nam và coi Việt Nam là trận địa tiền duyên ngăn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc tiến xuống phía Nam; Mỹ muốn lợi dụng vị thế đang lên của Việt Nam trong nội bộ ASEAN cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam xung quanh vấn đề Biển Đông để lôi kéo Việt Nam về phía Mỹ, ngăn chặn sự ảnh hưởng và kiềm chế sức mạnh của
Trung Quốc ngày càng tăng cao ở khu vực. Là một nước láng giềng của Trung Quốc, nằm giữa Trung Quốc và các nước đồng minh của Mỹ đã đưa Việt Nam vào một vị thế nhạy cảm, rất có thể trở thành nơi tranh chấp ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, việc hoạch định một chính sách đối ngoại hợp lý, có thể xử lý tốt mối quan hệ của Việt Nam với hai nước lớn then chốt Mỹ và Trung Quốc, cũng như với các nước lớn khác mà không ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh và chiến lược của Việt Nam là hết sức quan trọng. Và làm sao để việc phát triển quan hệ với nước lớn này không làm ảnh hưởng đến quan hệ với nước lớn khác là một đòi hỏi thiết thực đối với ngoại giao Việt Nam trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc.
Thứ ba, cùng với những chuyển biến thuận lợi, khu vực này vẫn tồn tại những nhân tố bất trắc, tiềm ẩn đe dọa an ninh, độc lập dân tộc và sự phát triển bền vững của các nước. Đó là những vấn đề về phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó đoán định; sự bùng nổ của chủ nghĩa ly khai, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tranh chấp biên giới, lãnh thổ, biển, đảo,… đặc biệt, ảnh hưởng của các nước lớn trên thế giới đến sự phát triển kinh tế của các nước Đông Nam Á, cũng như tác động không nhỏ tới chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó là những khác biệt về lợi ích, ưu tiên chính sách, quan điểm trong các vấn đề về an ninh, phát triển giữa các nước cũng là những nhân tố tác động đến quan hệ giữa các nước ASEAN, đặc biệt là vấn đề căng thẳng giữa chính các nước láng giềng với nhau cũng đang là những trở ngại lớn cho sự hợp tác và phát triển khu vực.
Là một nước ở khu vực Đông Nam Á, thành viên của ASEAN, Việt Nam luôn mong muốn tạo dựng một khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Trước những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến an ninh và phát triển của khu vực, hơn ai hết, Việt Nam tự hiểu rằng, thực hiện một đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước khu vực là hết sức cần thiết. Hơn thế, việc tăng cường quan hệ hợp tác với các nước khu vực để ngăn chặn các hiểm họa đang đe dọa đến an ninh, ổn định của toàn khu vực cũng như đe dọa đến chủ quyền quốc gia và nền độc lập dân tộc của Việt Nam là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay.
Như vậy, trong điều kiện ở khu vực Đông Nam Á nhu cầu mở rộng hợp tác, liên kết ngày càng gia tăng và gắn kết chặt chẽ hơn. Vai trò và uy tín của ASEAN
cũng ngày một nâng cao. Các nước lớn trên thế giới từ lợi ích chiến lược và những ý đồ khác nhau của mình đã và đang gia tăng mối quan hệ nhiều mặt với các nước khu vực. Đông Nam Á do đó trở thành khu vực có tính nhạy cảm cao và có sự đa nguyên trong cơ cấu quyền lực và lợi ích chiến lược. Sự hiện diện và ngày càng gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn đối với khu vực đã đặt ra những yêu cầu mới đối với Việt Nam về sự lựa chọn con đường phát triển và hội nhập, về sự cân bằng và tính kiềm chế tương đối trong mối quan hệ với các nước lớn nhằm bảo đảm giữ vững lợi ích quốc gia dân tộc. Những thay đổi trên đây làm cho Việt Nam trở nên năng động hơn trong việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại nhằm mục tiêu phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc trong bối cảnh quốc tế mới.