độc lập dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc trong lĩnh vực đối ngoại
Trong điều kiện mới, độc lập dân tộc vẫn là một giá trị không thể phủ nhận, là một mục tiêu hàng đầu của tất cả các quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, độc lập dân tộc là
mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc, là điều kiện và tiền đề để xây dựng CNXH ở nước ta, và luôn là lợi ích căn bản của dân tộc ta [117, tr.54]. Độc lập dân tộc là một chân lý có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng, là giá trị tinh thần cao cả không chỉ đối với Việt Nam mà còn là giá trị mang tính phổ quát đối với tất cả các dân tộc đã hoặc đang đấu tranh để giải phóng dân tộc và tìm con đường phát triển phù hợp cho đất nước mình.
Độc lập dân tộc trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay là tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản; độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; là sự vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, khẳng định vị thế của Việt Nam bình đẳng với tất cả các quốc gia dân tộc khác trên thế giới ở mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…; là làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH khi khẳng định: “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau” [38, tr.65]. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH tạo cơ sở cả về lý luận và thực tiễn để Việt Nam vận dụng sáng tạo các bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với hội nhập quốc tế; triển khai các hoạt động đối ngoại một cách đồng bộ và toàn diện. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mới có thể phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc, sức mạnh nội sinh nhằm giữ vững độc lập, tự chủ trên mọi lĩnh vực đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, cho dù thế giới ngày nay và trong những năm tới có thể có nhiều đổi thay, nhưng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mãi mãi là mục tiêu, con đường duy nhất đúng, là tất yếu lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Bảo vệ độc lập dân tộc ở Việt Nam là một bộ phận cấu thành của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân Việt Nam trong tình hình mới. Bảo vệ độc lập dân tộc còn là yêu cầu tất yếu của hội nhập, là yếu tố bảo đảm thành công của hội nhập quốc tế. Bảo đảm độc lập dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và định hướng XHCN là quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và mở cửa hội nhập.
Có thể nói, bảo vệ độc lập dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam bao gồm hai quá trình cơ bản:
Thứ nhất, bảo vệ độc lập dân tộc là quá trình làm cho nền độc lập dân tộc trở nên bền vững, chắc chắn hơn. Toàn bộ các yếu tố cấu thành của độc lập dân tộc, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng được tăng cường, được củng cố và trở nên bền vững hơn, chắc chắn hơn. Điều đó phản ánh sâu sắc tính tích cực, chủ động trong bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung và yêu cầu đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ xa trong điều kiện hội nhập quốc tế. Củng cố độc lập dân tộc là một nhiệm vụ cơ bản thường xuyên của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Thứ hai, bảo vệ độc lập dân tộc trong hội nhập quốc tế là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, khắc phục những tác động tiêu cực từ hội nhập quốc tế đến toàn bộ các nội dung cấu thành của độc lập dân tộc. Vì thế, vấn đề phát hiện, ngăn chặn, khắc phục những tác động tiêu cực từ hội nhập quốc tế trở thành vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo vệ, củng cố độc lập dân tộc. Đó còn là quá trình đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động lợi dụng hội nhập quốc tế, để xâm phạm độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước của các thế lực thù địch. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi các nước tư bản phát triển, các nước lớn ra sức đẩy mạnh việc lợi dụng quá trình hợp tác quốc tế để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia dân tộc trên thế giới, yêu sách thay đổi chính sách, pháp luật, thậm chí đòi cải cách, thay đổi thể chế chính trị.
Hai quá trình trên có quan hệ chặt chẽ với nhau trong mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế, không được coi nhẹ một quá trình nào. Mối quan hệ hữu cơ này phải được nhận thức đúng và giải quyết tốt trong thực tiễn bảo vệ độc lập dân tộc. Bảo vệ độc lập dân tộc là phải trực tiếp phục vụ và góp phần hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu, nội dung bảo vệ Tổ quốc trong hội nhập quốc tế.
Bảo vệ độc lập trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam có nghĩa là, đối ngoại phải thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên trường quốc tế. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu của đối ngoại là: “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi” [39, tr.34].
Trên thực tế, trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, củng cố độc lập dân tộc của Việt Nam, lĩnh vực đối ngoại có vai trò đặc biệt quan trọng. Tầm quan trọng của đối
ngoại biểu hiện ở chỗ, đây là nhân tố quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc. Hơn thế, đối ngoại không những là bộ phận cấu thành quan trọng, mà còn góp phần làm phát huy các nguồn sức mạnh khác, làm gia tăng sức mạnh bên trong, hợp nên tính tổng thể của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Sức mạnh tổng hợp quốc gia sẽ không được đầy đủ, đất nước sẽ không thể tạo nên được sức mạnh tổng hợp lớn nhất nếu như đối ngoại không thực sự hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sử dụng ngoại giao để tận dụng sức mạnh quốc tế. Theo Hồ Chí Minh: "Vì ta khéo lợi dụng điều kiện quốc tế ở ngoài, vì ta khéo đoàn kết và khéo tổng động viên trong nước, cho nên ta đã đổi thế yếu thành thế mạnh" [96, tr.81-82]. Người cũng cho rằng, ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau; nếu mình có một chương trình về kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể giúp mình. Hiện nay, trong Chiến lược phát triển sức mạnh tổng hợp quốc gia, đối ngoại có vai trò quan trọng. Đối ngoại cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh tạo thành chỉnh thể thống nhất; các lĩnh vực, các nguồn sức mạnh lại thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển trong sức mạnh tổng hợp quốc gia. Điều đó có nghĩa là, sự phát triển từng lĩnh vực, từng nguồn sức mạnh phải góp phần thực tế vào việc củng cố, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Vì thế, trong chiến lược phát triển sức mạnh tổng hợp quốc gia, việc đẩy mạnh hoạt động đối ngoại để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; đồng thời tạo môi trường hòa bình, ổn định và lợi thế cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Trong tình hình mới, cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, tình hình chính trị, an ninh trên thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đông Nam
Á trở thành địa bàn cạnh tranh quyết liệt về thị trường và tài nguyên; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp. Đã xuất hiện một số loại hình chiến tranh kiểu mới, như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, sử dụng sức mạnh mềm thông qua các hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa kết hợp với diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ,… hết sức nguy hiểm. Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh kết quả, thành tựu đã đạt được, vẫn còn
không ít hạn chế, yếu kém, làm xuất hiện những vấn đề phức tạp mới ảnh hưởng tới công cuộc bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang chủ trương nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nghĩa là, làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất [8, tr.4]. Nếu như một tổ chức, quốc gia nào đó chuẩn bị ra chính sách chống Việt Nam, thì nhiệm vụ đối ngoại bảo vệ Tổ quốc từ xa là phải cố gắng đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao Nhà nước và cá nhân, các tổ chức phi chính phủ nhằm không đưa những nội dung chống phá, thù địch vào chính sách; nếu không đạt được điều đó thì cố gắng hạn chế tính chất thù địch đến mức thấp nhất những nội dung được chuyển tải vào chính sách. Ở đây, vấn đề phát hiện âm mưu gây chiến với Việt Nam của bên ngoài, tìm mọi cách dập tắt âm mưu đó khi còn manh nha là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác đối ngoại.
Như vậy, trong tình hình mới, vấn đề làm thế nào để thực hiện được tư tưởng chỉ đạo “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột "từ sớm, từ xa" đã trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam hiện nay. Vấn đề đó đặt ra cho công tác đối ngoại phải vươn lên đủ sức đáp ứng yêu cầu, đồng thời quy định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong bối cảnh lịch sử mới theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm góp phần phục vụ những yêu cầu, đòi hỏi về "ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh", bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc của Việt Nam.