Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hoạt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp quản lý quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh bắc giang (Trang 38 - 39)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hoạt

động hỗ trợ nông dân

Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn với quan điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó nhấn mạnh công tác tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội nông dân, Nghị quyết đã chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn; tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Nghị quyết cũng đã xác định: “Hội Nông dân là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”.

Ngày 10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định 673/QĐ- TTg về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020. Quyết định trên là nhằm phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Quyết định, Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, trực tiếp đầu tư nâng cấp và xây mới các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội nông dân cấp tỉnh và chuyển thành đơn vị sự nghiệp để trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ dạy nghề cho nông dân. Bên cạnh đó, Trung ương Hội chủ trì việc nâng cấp, bổ sung trang thiết bị của 19 trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã có thuộc các tỉnh, thành Hội; đầu tư xây dựng mới các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc các tỉnh, thành Hội còn lại (mỗi năm đầu tư xây mới 4-5 trung tâm). Hội Nông dân cũng là đầu mối chủ trì, trực tiếp thực hiện tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề nông (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…) theo tiêu chuẩn học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng hoặc dạy nghề tại chỗ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”) cho các đối tượng là hội viên, nông dân trực tiếp làm nông nghiệp. Cũng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổ chức và hoạt động đã có, cần đổi mới Quỹ hỗ trợ nông dân thành tổ chức trực thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc thành lập Quỹ; hàng năm hỗ trợ ngân sách địa phương cho Quỹ hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân các cấp.

Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn; tham gia với Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; tham gia với Bộ Công thương thực hiện chính sách của Chính phủ về tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân… (Đoàn Thị Thu Hà và Nguyễn Thị Ngọc Huyền, 2005).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp quản lý quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh bắc giang (Trang 38 - 39)