Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch sinh thái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện vân hồ, tỉnh sơn la (Trang 41 - 45)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.1. Cơ sở lý luận về phát triển du lịch sinh thái

2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch sinh thái

2.1.4.1. Nhận thức của xã hội

Trong lịch sử nhân loại, du lịch được ghi nhận như là một sở thích, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, văn hóa, xã hội ở các nước có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để Du lịch nói chung và DLST nói riêng được quan tâm và phát triển đúng với những những gì mà nó vốn có đưa lại thì việc nhận thức và quan tâm đúng đắn là một vấn đề hết sức quan trọng.

Về mặt kinh tế, du lịch (trong đó có DLST) đã trở thành một trong những

ngành quan trọng của nhiều nước công nghiệp phát triển. Rất nhiều quốc gia ngày nay coi phát triển du lịch là một ngành kinh tế quan trọng mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngân sách quốc gia vì thế chính quyền luôn quan tâm đầu tư có chiến lược phát triển một cách khoa học vì thế nó ngày càng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia (Phan Quang Huy, 2002).

Phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, đồng thời nó góp phần nâng cao đời sống dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cho nên hoạt động của DLST có mối quan hệ tương tác đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Bản thân du lịch mang lại rất nhiều lợi ích cho các địa phương đón khách.

Về mặt xã hội, việc phát triển du lịch trong đó có DLST tăng cường giao

lưu, trao đổi giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới làm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau (Phạm Trung Lương, 2002).

Như vậy để du lịch thực sự góp phần vào việc bảo vệ thiên nhiên đòi hỏi phải có sự suy nghĩ và hành động đúng không những của những người làm du lịch mà còn là toàn xã hội. Nếu nhận thức của xã hội về DLST tốt thấy rõ được tác dụng của nó thì mọi người sẽ đồng tâm thúc đẩy nó phát triển, ngược lại nếu chưa nhìn nhận được hết giá trị của nó thì người ta sẽ không ủng hộ thậm chí có thể gây khó khăn trong quá trình phát triển DLST.

Người dân, chính quyền địa phương và du khách cần phải nhìn thấy những lợi ích của DLST có thể mang lại thông qua những hoạt động và những cơ hội mà loại hình du lịch này tạo nên mà mục tiêu cơ bản của DLST là phát triển bền vững. Nghĩa là: "Đảm bảo đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm cản trở đến việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai".

Để tạo điều kiện và kích thích loại hình du lịch này phát huy tác dụng của nó. Ngoài những vấn đề lớn không thể không làm như quy hoạch, quản lý sự phát triển DLST ở mức độ thích hợp, thì vấn đề giáo dục cộng đồng đóng vai trò không kém phần quan trọng, góp phần hỗ trợ các mối quan hệ tích cực hai chiều của DLST và bảo tồn tự nhiên cũng như DLST và cộng đồng địa phương. Cần phải làm cho tất cả các thành phần trong xã hội nhất là cư dân địa phương hiểu được những tác động tích cực của DLST đến địa phương đó là:

- Góp phần làm thay đổi chất lượng cuộc sống cộng đồng nhất là những ai tham gia trực tiếp vào ngành này, trong đó bao gồm cả sự cải thiện những dịch vụ xã hội như: y tế, nhà cửa, hệ thống giao thông, cấp - thoát nước, điện năng,…

- Giúp cho việc bảo vệ và tôn tạo các di sản văn hóa lịch sử, làm tăng niềm tự hào của địa phương vào ý thức cộng đồng.

- Góp phần làm tăng danh tiếng địa phương, giúp cho du khách khám phá những ý tưởng mới, giá trị mới và cách sống mới.

- Tạo điều kiện giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng, các quốc gia, phá vỡ ngăn cách về văn hóa và dân tộc thông qua quan hệ này.

- Du lịch sinh thái còn có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cho nhân dân địa phương.

Sẽ rất có tác dụng nếu như các đối tượng sau đây được tuyên truyền hiểu biết và nhận thức sâu sắc về DLST: Những nhà lập kế hoạch và đầu tư; Những các tổ chức quản lý ở các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển…; Các cán bộ điều hành của các công ty du lịch; Các hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, nhà hàng; Cư dân địa phương; khách du lịch.

2.1.4.2. Dân cư và nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch sinh thái

Trong DLST, số lượng dân cư và chất lượng lao động ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh và quan trọng hơn là ảnh hưởng tới môi trường sinh

thái, hệ động thực vật. Hệ sinh thái, môi trường tự nhiên sẽ rất dễ bị phá vỡ nếu mật độ dân cư quá đông, trình độ dân trí thấp (Hoàng Thị Thu Trang, 2012).

Với DLST, sự tham gia của cư dân địa phương đóng một vai trò quan trọng. Trong khi các đơn vị điều hành du lịch, các khách sạn và chính quyền địa phương cố gắng tiếp thị sản phẩm du lịch của mình, trong đó có những nội dung, hoạt động không phù hợp với nguyên tắc của DLST, người ta phớt lờ đi khả năng quản lý tài nguyên thiên nhiên cũng như sự đóng góp của cư dân bản địa đến hoạt động DLST. Hậu quả của cách làm này sẽ trở nên đáng lo ngại. Các hình thức kinh doanh như vậy không sớm thì muộn sẽ đi đến giai đoạn thoái trào do không bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái. Trên thực tế mối quan hệ giữa người dân bản địa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một quan hệ gắn bó được thiết lập lâu đời. Ở nhiều nơi người dân địa phương sử dụng tài nguyên thiên nhiên như phương tiện sống hay một kế sinh nhai của mình và họ biết cách để bảo vệ, kiểm soát việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để tránh đi tình trạng tàn phá tài nguyên.

Yếu tố quan trọng đối với một điểm DLST thành công hay không đó là lao động làm việc trong các đơn vị này ngoài những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ về du lịch đơn thuần, họ còn phải là các chuyên gia về môi trường, sự hiểu biết sâu rộng về hệ động thực vật tại khu vực mà họ làm việc, giảng giải thuyết minh cho khách tham quan (Đinh Trung Kiên, 2003).

Rõ ràng vai trò của dân cư và ngồn nhân lực là rất quan trọng, phải có những chiến lược để quy hoạch dân cư và phát triển nguồn nhân lực một cách khoa học có như vậy mới đảm bảo cho hoạt động DLST đi đúng hướng của nó.

2.1.4.3. Môi trường luật pháp và cơ chế chính sách

Xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý một cách đồng bộ, khuyến khích việc khai thác các tiềm năng DLST đặc biệt là ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên thiên…phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp lý, từ các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Nông nghiệp và phát triển tài nguyên, Bộ Tài chính, Tổng cục Du lịch…Thực tế, mặc dù nhiều nước, nhiều quốc gia vùng lãnh thổ có tiềm năng rất lớn về DLST nhưng sự nhìn nhận của các cấp lãnh đạo, những nhà hoạch định chính sách và đầu tư chưa thật sự sâu sắc do đó không có cơ chế, chính sách thích hợp để quy hoạch, tập trung đầu tư để phát triển du lịch do đó đã làm lãng phí nguồn tài nguyên thậm chí có thể bị lãng quên hoặc bị tàn phá do

không có cơ quan đơn vị hay người quản lý các nguồn tài nguyên đó (Đinh Trung Kiên, 2003).

Để DLST phát triển thì việc nhận ra thế mạnh và phát huy nó là một vấn đề cần được quan tâm. Vấn đề này chỉ được giải quyết khi các nhà hoạch định chính sách, các cấp quản lý nhận thức rõ và đưa ra cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển. DLST chỉ phát triển khi nó có được một cơ chế chính sách hợp lý và pháp luật đồng bộ. Đó là nghiên cứu quy hoạch, đầu tư và khuyến khích đầu tư, cơ chế xúc tiến quảng bá, cơ chế phối hợp và phân chia một cách hài hòa lợi ích giữa người dân địa phương với các cơ quan quản lý, các công ty lữ hành. Cơ chế mà qua đó hoạt động DLST tạo điều kiện cho người dân địa phương bảo vệ môi trường, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cơ chế thuận lợi làm cho DLST phát triển tạo ra công ăn việc làm cho cư dân địa phương và nâng cao đời sống của họ, có như vậy mới ngăn chặn được tận gốc nạn chặt phá rừng và săn bắn của cư dân địa phương. Một cơ chế, chính sách đúng sẽ vừa khuyến khích bảo tồn phát triển tài nguyên môi trường vừa phát triển DLST một cách bền vững đảm bảo đời sống của cư dân địa phương.

Để đạt được các mục tiêu phát triển, theo Nguyễn Bá Chính (2011), các cơ chế chính sách và luật pháp cần được hướng tới là:

- Khuyến khích phát triển các nguồn lực du lịch về phương diện sức hấp dẫn thiên nhiên cũng như các điểm lịch sử, khảo cổ và văn hóa, chú trọng đến chất lượng cùng với hệ thống thông tin có hiệu quả và có nhận thức về khả năng thu xếp nơi nghỉ cho du khách.

- Có sự điều phối để tạo ra sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan, nhấn mạnh đến việc thúc đẩy tinh thần trách nhiệm đối với hệ sinh thái và việc tổ chức các tour sẽ không gây thiệt hại hay huỷ hoại môi trường.

- Xây dựng nhận thức về loại hình du lịch mà có góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và có sự hoàn trả thích hợp cho hệ sinh thái.

- Triển khai lập kế hoạch, cải tiến và xây dựng nguyên tắc và quy định, tổ chức, quản lý hiệu quả du lịch sinh thái, từ đó coá thể tạo nên sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa Chính phủ, khối tư nhân và người dân địa phương.

- Có chính sách, cơ chế động viên cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào quá trình và thu được lợi ích từ du lịch.

2.1.4.4. Quản lý nhà nước về du lịch sinh thái

Quản lý nhà nước về du lịch sinh thái là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực pháp luật nhà nước đối với các quá trình, các hoạt động du lịch sinh thái của con người để duy trì và phát triển ngày càng cao các hoạt động du lịch sinh thái nhằm đạt được các hiệu quả kinh tế xã hội do nhà nước đặt ra (Trần Đăng Doanh, 2008).

Quản lý nhà nước về du lịch sinh thái có tầm quan trọng trong sự phát triển một nền du lịch sinh thái bền vững. Điều đó được thể hiện trong vai trò, nhiệm vụ quản lý của các cấp ngành quản lý du lịch sinh thái tại địa phương như sau:

Một là, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật chung của Nhà nước liên quan đến hoạt động du lịch và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách phát triển du lịch mang tính đặc thù của địa phương thuộc thẩm quyền.

Hai là, xây dựng và công khai quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch ở địa bàn để giúp các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch định hướng phát triển.

Ba là, thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực du lịch do địa phương quản lý.

Bốn là, tạo lập sự gắn kết liên ngành, liên vùng, liên quốc gia trong hoạt động du lịch; giữa địa phương và trung ương trong quản lý nhà nước về du lịch.

Năm là, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch.

Sáu là, thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động du lịch và xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch (Phạm Trung Lương, 2002).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện vân hồ, tỉnh sơn la (Trang 41 - 45)