Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Định hướng về giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường của công ty
4.3.3. Dự báo nhu cầu phát triển và mức độ cạnh tranh của công ty trên thị
a/Tình hình sử dụng phân bón ở Việt Nam
Quan điểm về việc sử dụng phân bón cho cây trồng ở Việt Nam như sau:
- Quỹ đất các vùng đồng bằng ở miền Bắc rất hạn chế, khó có khả năng mở rộng diện tích. Hơn nữa đất có độ phì tự nhiên thấp. Ở vùng đồi núi, diện tích đất
hoang hóa, đất trồng trọt còn rất lớn cần được tái sử dụng và cải tạo. Do đó, để nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao độ phì nhiêu của đất, việc sử dụng phân bón (phân hữu cơ, vô cơ) cho các cơ cấu cây trồng hợp lý phải được chú trọng theo hướng:
+ Xem xét cơ cấu sử dụng đất ở mỗi vùng sinh thái.
+ Đối với đất cần bón theo chiều sâu để bảo đảm hiệu quả kinh tế và ổn định độ phì nhiêu.
+ Ổn định diện tích canh tác giảm bớt diện tích sản xuất lương thực trên đất dốc, phát triển chăn nuôi để có phân hữu cơ cung cấp cho cây trồng.
- Tăng lượng phân bón NPK cho 1 ha gieo trồng theo nguyên tắc cân đối đạm, lân, kali cho từng loại cây trồng trong hệ thống canh tác, trước hết đối với các loại cây có giá trị hàng hóa lớn như: lúa, ngô, lạc, đậu đỗ, rau vụ đông, chè, mía, v.v... là những nông sản chính ở miền Bắc Việt Nam.
- Tuỳ theo điều kiện của mỗi gia đình, mỗi địa phương, việc sử dụng phân bón phải theo hướng bón phối hợp phân hữu cơ và vô cơ để có đủ dinh dưỡng NPK cho mỗi loại cây trồng, đặc biệt trên đất bạc màu, đất trống đồi trọc.
- Để nâng cao hiệu quả kinh tế việc sử dụng phân bón phải theo nguyên lý tổng hợp giữa các biện pháp kỹ thuật canh tác như: tưới tiêu, giống cây trồng, bảo vệ thực vật, thời vụ gieo trồng v.v...
- Bón phân đa lượng NPK cho từng loại cây, loại đất cũng phải cân đối với các nguyên tố dinh dưỡng trung và vi lượng. Sử dụng phân phun lá cũng là một trong những biện pháp sử dụng phân bón có hiệu quả trong sản xuất hiện nay.
- Tiến tới giảm dần việc sử dụng phân bón không đồng đều giữa các vùng hoặc trong cùng một vùng: giữa các hộ nông dân giàu, nghèo và trung bình ở mỗi vùng sinh thái. Đặc biệt, phải tăng cường khả năng sử dụng NPK ở những vùng đất trống đồi trọc hiện đang triển khai chương trình trồng rừng.
- Trong 3 nguyên tố N, P, K; lân thường có hiệu lực và hiệu quả kinh tế cao khi được bón lót với tỷ lệ liều lượng lớn. Vấn đề này cần được tính đến khi sử dụng phân hỗn hợp, phân phức hợp có tỷ lệ N: P: K khác nhau để nhằm mục đích nâng cao hiệu quả khi bón thúc.
Nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại. Trong đó, Urea khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900. 000 tấn, SA 850.000 tấn, Kali 950.000 tấn, phân Lân trên 1,8 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,8 triệu tấn, ngoài ra còn có nhu cầu khoảng 400 – 500.000 tấn phân bón các loại là vi sinh, phân bón lá.
Hiện nay, ngành sản xuất phân hóa học nước ta mới đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu của nông nghiệp, còn lại phải nhập khẩu gần như toàn bộ phân đạm urê, kali và phân phức hợp DAP, một lượng khá lớn phân hỗn hợp NPK với tổng số trên 3 triệu tấn/năm. Riêng đối với phân khoáng kali, do phải nhập khẩu hoàn toàn nên tiêu thụ kali ở nước ta bị phụ thuộc thị trường nước ngoài
Trong số các thiếu hụt về dinh dưỡng cho cây trồng trên các loại đất ở nước ta, lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là sự thiếu hụt về đạm, lân và kali. Đây cũng là những chất dinh dưỡng mà cây trồng hấp thụ với lượng lớn nhất và sẽ chi phối hướng sử dụng phân bón. Mặt khác, khi bón phân người ta cũng bắt đầu tính đến nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây trồng, thậm chí của từng giống cụ thể, trong các vụ gieo trồng trên từng loại đất riêng. Vì vậy trong việc bố trí cơ cấu sản phẩm phân bón, vấn đề quan trọng là phải nắm được cơ cấu cân đối dinh dưỡng cho cây trồng trong vụ đổng thời có tính đến đặc điểm của các loại cây trồng vụ trước.
Thực tế cũng chứng minh, phân hữu cơ chỉ có thể là một loại phân bón bổ sung nhằm cân đối dinh dưỡng và cải thiện tính chất cơ lý của đất chứ không thể thay thế hoàn toàn phân vô cơ (phân khoáng). Do vậy, để bảo đảm cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững, phải tăng cường sử dụng phân bón trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa phân vô cơ và phân hữu cơ, trong đó các loại phân được sử dụng không những chỉ cân đối về tỷ lệ mà còn phải cân đối với lượng hấp thụ để bù lại lượng thiếu hụt do cây trồng lấy đi từ đất.
Vì vậy, nông nghiệp nước ta nói chung và miền Bắc nói riêng không thể chấp nhận được nguyên lý "tuyệt đối không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học", đặc biệt trong điều kiện chúng ta ngày càng sử dụng nhiều giống cây trồng có năng suất cao. Định hướng phát triển nông nghiệp bền vững đang đặt ra yêu cầu sử dụng phân bón hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế. Trên cơ sở đó dùng một lượng phân hóa học hợp lý, bón cân đối cho mỗi cây trồng trong hệ thống cơ cấu cây trồng trên từng loại đất
Ở vùng đất đồi núi, do điều kiện địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp sinh học như: sử dụng các cây trồng xen làm phân xanh, nông dân cần phải sử dụng phân hỗn hợp NPK có hàm lượng nguyên tố dinh dưỡng cao để giảm phí vận chuyển và công lao động.
b/ Nhu cầu phát triển và mức độ cạnh tranh của công ty trên thị trường
Theo Bộ NNPTNT, phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và được sử dụng với số lượng lớn hàng năm để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại.
Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước hiện có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân urê, phân lân, phân NPK và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn phân SA, kali và một phần phân DAP. Hiện nhu cầu tiêu thụ phân bón vô cơ trong cả nước vào khoảng 90% tổng nhu cầu tiêu thụ. Nhu cầu tiêu thụ phân hữu cơ và một số chủng loại khác chỉ vào khoảng 10%.
Theo các năm, nhu cầu tiêu thụ cũng có sự dao động đang kể ở mức 1,4 triệu tấn lân, 2,3 triệu tấn urê, gần 4 triệu tấn NPK. Các loại phân còn lại như DAP, kali, SA dao động ở mức 850-950 tấn.
Việt Nam hiện nhập khẩu đồng thời cũng xuất khẩu một số loại phân bón sang các thị trường khu vực gồm Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản...
Với nhu cầu phân bón trên thị trường như vậy là một hội rất tốt của doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh trên thị trường khá gay gắt.
Thứ nhất phải kể đến việc cạnh tranh với các sản phẩm phân bón nhập khẩu. Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1 đến hết ngày 15/2/2017, Việt Nam nhập khẩu hơn 500 nghìn tấn phân bón các loại, đạt giá trị hơn 141 triệu USD. Những mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất phải kể tới phân kali chiếm hơn 165 nghìn tấn, phân SA chiếm 138 nghìn tấn, phân DAP 115 nghìn tấn và phân Urê 38 nghìn tấn. Lượng phân Urê, phân NPK, dù trước đó được đánh giá trong
nước đã có thể đáp ứng đủ, nhưng thực tế lại là những mặt hàng phân bón được nhập khẩu nhiều, khiến cho phân bón trong nước rơi vào tình trạng tồn kho quá tải. Theo thống kê 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn là nước nhập siêu phân bón. Cụ thể, năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng phân bón đạt 4,56 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 1,43% tỷ USD, tăng 201,2% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, so với năm 2014, khối lượng nhập khẩu phân Urê ước đạt 652 nghìn tấn với giá trị đạt 192 triệu USD, gấp 3 lần về khối lượng và tăng 2,97 lần về giá trị; phân SA ước đạt 1,05 triệu tấn với giá trị nhập khẩu đạt 148 triệu USD, tăng 13,1% về khối lượng và tăng 18,3% về giá trị.
Năm 2016, nhập khẩu phân bón của Việt Nam đạt 4,15 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 1,11 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng và 22% về trị giá. Tuy nhiên, riêng mặt hàng phân Urê đã nhập khẩu tới 141 triệu USD.
Năm 2017, Bộ Công Thương, nhập khẩu phân bón tương đương với năm 2016 ở mức 1,1 tỷ USD.
Điều này cho thấy, phân bón nội đang ngày càng lâm vào thế bí, do hàng hóa sản xuất bị tồn đọng bởi sự o ép của phân bón nhập ngoại.
Theo các chuyên gia phân tích, thị trường phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng mặt hàng phân Urê tại Việt Nam năm 2015 đạt hơn 2,9 triệu tấn, vượt xa nhu cầu ngành nông nghiệp cần để sản xuất. Trong khi đó, lượng phân Urê xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 chỉ đạt 200.000 tấn.
Riêng nguồn cung phân Urê đã dư tới 500.000 tấn. Còn NPK mỗi năm phải nhập khẩu gần 4 triệu tấn dù sản xuất dư thừa.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), thị trường Trung Quốc chiếm hơn 55% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam. Hơn nữa, giá phân bón của Trung Quốc nhập khẩu giảm rất mạnh, gần 30% so với giá phân bón các nước như Nga (chỉ giảm 10%).
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, việc giá giảm mạnh của phân bón Trung Quốc đã và đang gây khó khăn, làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà máy sản xuất phân bón trong nước. Không chỉ thị
trường nội địa, phân bón Trung Quốc cũng đang làm khó phân bón Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chính. Một thông tin bất lợi cho ngành phân bón mới được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết là thời gian tới sẽ chưa áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân Urê và phân DAP nhập khẩu.
Hơn nữa, khi tính hết các loại chi phí, phân ure các nước nhập về tới Việt Nam bán ra thị trường chỉ hơn 6.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất của các công ty sản xuất Việt Nam khoảng 7.000 đồng/kg. Sự chênh lệch này làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Thứ hai là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước.
Theo thống kê có khoảng hơn 1000 công ty sản xuất và phân phối phân bón trên thị trường các loại phân bố ở các tỉnh thành trong cả nước. Trong đó có nhiều công ty lớn với bề dầy lịch sử như: Tổng công ty phân đạm và hóa chất dầu khí (PVFCCo), Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, công ty phân bón Bình Điền, công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển…. Ngoài ra ở các tỉnh thành đều có có rất nhiều công ty sản xuất và bán phân bón lớn nhỏ khác, các công ty liên doanh nước ngoài tại Việt Nam. Điều này cho thấy mặc dù cầu về phân bón trên thị trường là rất lớn nhưng mức độ cạnh tranh cũng khá gay gắt.