Để tiến hành hoạt động quản lý tài sản, cán bộ quản lý tài sản phải căn cứ vào trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, đồng thời căn cứ vào yêu cầu công tác quản lý, các quy định cụ thể của trường ĐHHV để tiến hành các nội dung quản lý tài sản. Hoạt động quản lý tài sản có tính chất khá đặc thù, riêng biệt, không giống như hoạt động quản lý hành chính và cũng không phải là hoạt động tư pháp. Chính vì sự đặc thù này của hoạt động quản lý tài sản đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật phải có sự phù hợp, chặt chẽ và đầy đủ. Trên thực tế, chúng ta thấy rằng, hệ thống các quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian gần đây ngày càng được đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, song cũng chính là nhằm bảo đảm tính đặc thù của công tác quản lý tài sản.
Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý tài sản hiện nay chưa được kiện toàn, còn nhiều hạn chế, bất cập, việc tiến hành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý tài sản tại trường ĐHHV những năm qua, cơ bản đã được thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, trường cũng đã xây dựng cho mình Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; Quy chế chi tiêu nội bộ, ….. phù hợp với điều kiện hiện tại của trường. Tuy nhiên, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vừa mới có hiệu lực tháng 1/2018 nên hiện nay trường chưa có văn bản thay thế chỉnh sửa Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại trường ĐHHV đã ban hành năm 2013.
Cơ sở pháp lý và những quy chế trong đơn vị rất quan trọng trong công tác quản lý tài sản nhà nước. Nhờ có những quy tắc đưa ra thì các cán bộ thực hiện công tác quản lý tài sản mới có cơ sở để thi hành trên thực tiễn. Chính vì vậy, vấn đề về chính sách, cơ chế cần được chuẩn hóa ở trường ĐHHV.