Hoàn thiện phương thức quản lý hệ thống thoát nước từ quản trị tài sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố bắc ninh, tỉnh bắc ninh (Trang 112 - 115)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.3. Một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý hệ thống thoát nước và xử lý

4.3.3. Hoàn thiện phương thức quản lý hệ thống thoát nước từ quản trị tài sản

sản sang cung ứng dịch vụ thoát nước

4.3.3.1. Cơ sở giải pháp

Cùng với tốc độ đô thị hóa, phát triển dân số tại các đô thị, hạ tầng kỹ thuật cũng theo đó tăng nhanh (trong đó có hệ thống thoát nước) nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt người dân. Phương thức quản lý hệ thống thoát nước đô thị hiện hành ở nước ta có thể gọi là “quản trị tài sản” vì lấy tài sản thực (real asset), tức là cơ sở vật chất của hệ thống thoát nước, làm đối tượng quản lý, tiến hành đăng ký tài sản, khai thác và bảo trì tài sản theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, thu thập thông tin, chỉ có hiệu quả trong phạm vi kinh phí được cấp, và đạt được các chỉ tiêu phục vụ được giao. Phương thức quản lý đó rõ ràng đã trở nên lạc hậu, không phù hợp với tư duy phát triển đô thị hiện đại coi trọng tính bền vững và công bằng xã hội, gây trở ngại cho sự phát triển thoát nước đô thị nước ta trong tương lai theo các xu hướng tiên tiến trên thế giới do những nhược điểm như sau:

- Do không thu phí nước thải sinh hoạt trực tiếp từ người sử dụng dịch vụ nên không nhạy cảm với nhu cầu của họ. Còn người sử dụng vì không nhận thức được rõ nhu cầu chi phí để làm ra dịch vụ, nên cũng không quan tâm đến sự vận hành của hệ thống thoát nước và bảo vệ giữ gìn nó, ngoại trừ khi xẩy ra lụt lội lúc có mưa to hay khi các nơi tiếp nhận nước thải (kênh mương, hồ, sông suối, dải nước ven bờ biển) và tầng nước ngầm bị ô nhiễm;

- Vì nguồn thu từ phí nước thải không đáng kể nên việc vận hành hệ thống thoát nước chủ yếu phải dựa vào nguồn vốn ngân sách địa phương, nhưng ngân sách địa phương lại luôn thiếu hụt vì chỉ riêng trong lĩnh vực dịch vụ hạ tầng thôi thì còn phải trợ cấp cho cấp nước và giao thông công cộng do phí các dịch vụ này cũng rất thấp, ngoài ra phải chi cho các loại hình dich vụ công cộng không thu phí, như hè đường, chiếu sáng công cộng, công viên cây xanh v.v.. Do không đủ kinh phí vận hành và bảo trì nên hệ thống thoát nước bị xuống cấp nhanh chóng;

- Các khu vực người nghèo đô thị thường có đường xá quanh co chật hẹp, không có hệ thống thoát nước, nên nước mưa và nước thải xả thẳng vào ao hồ và kênh mương cạnh đó. Chính quyền đô thị có xu hướng xóa bỏ các khu “ổ chuột” để thay thế bằng khu đô thị hiện đại, nhưng trong khi chưa có dự án tái phát triển thì công ty thoát nước lại không quan tâm đến các khu vực này vì ở đó chưa có hệ thống thoát nước cần quản lý;

- Do đô thị phát triển nhanh, lượng nước thải cũng tăng nhanh nhưng xả thẳng vào nơi tiếp nhận mà không qua xử lý, nên không những môi trường nước của đô thị sở tại mà cả khu vực hạ lưu sông cũng bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng;

- Hệ thống thoát nước thường phát triển chậm hơn hệ thống cấp nước và cấp điện, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cũng thấp hơn nhiều. Nguyên nhân là do chính quyền đô thị và cả người dân cho rằng thoát nước còn có thể đợi nhưng cấp điện và cấp nước thì không, mà quên mất rằng sự phát triển lệch pha của hệ thống hạ tầng sẽ gây tốn kém hơn nhiều khi phát triển đồng bộ;

- Trong lĩnh vực khác như cấp nước đã có bước đầu có cơ sở cho việc tính giá thu bù chi, lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải mới chỉ nhận được một phần nhỏ trích từ phí nước sạch.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành những quy định về định hướng chung cho giá nước, đối tượng thu phí thoát nước và đã đưa ra mục tiêu bù đủ toàn bộ chi phí cho ngành nước thải (Nghị định 88/2007/NĐ-CP).

4.3.3.2. Nội dung giải pháp

Trong khi phương thức quản trị tài sản đặt trọng tâm vào các hoạt động xây dựng, vận hành và bảo trì cơ sở vật chất của hệ thống thoát nước thì phương thức cung ứng dịch vụ lại quan tâm đến việc quản lý hệ thống thoát nước theo các nguyên tắc thương mại với bốn đặc trưng cơ bản như sau:

- Có mục tiêu rõ ràng và nhất quán tập trung vào cung ứng dịch vụ;

- Quan tâm đến tuổi thọ thực tế của công trình, bao gồm tuổi thọ kinh tế (economic life), được giới hạn bởi hiệu quả kinh tế khi vận hành, và tuổi thọ dịch vụ (service life) kéo dài đến khi vận hành khai thác không còn đạt được các chỉ tiêu kỹ thuật;

- Quản lý tự chủ với trách nhiệm giải trình về kết quả; - Độc lập tài chính.

Giá dịch vụ bao gồm hai phần chính: Phần A cho khấu hao cơ bản để thu hồi vốn đầu tư, và phần B cho chi phí vận hành và bảo trì hệ thống cộng với lợi nhuận định mức. Trên nguyên tắc thì người tiêu dùng phải chi trả đầy đủ cho bên cung ứng dịch vụ cả hai phần A và B như tại phần lớn các nước phát triển, thế nhưng việc áp dụng nguyên tắc đó tại các nước đang phát triển như Việt Nam thì rất khó thực hiện vì phải xét đến khả năng chi trả và nguyện vọng chi trả rất thấp của người tiêu dùng dịch vụ. Xu hướng chung hiện nay là người tiêu dùng chỉ trả phần B còn ngân sách

đô thị gánh chịu toàn bộ phần A. Người tiêu dùng chi trả phí dịch vụ thoát nước theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm chi trả” (polluter pays principle), còn người tiêu dùng nước thải đã qua xử lý thì chi trả theo nguyên tắc “người hưởng lợi chi trả” (beneficiary pays principle). Doanh nghiệp tự hạch toán kinh doanh phần thu này.

4.3.3.3. Biện pháp thực hiện

a. Bù đủ chi phí

Nền tàng của của mọi bước tính toán là cân nhắc xem những khoản chi nào cần được xét đến trong quá trình tính để đảm bảo sẽ bù đủ chi phí phải bỏ ra. Chi phí ở đây được hiểu là hao phí về mặt vât chất và nguồn lực đo đạc được trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc trong quá trình sinh công nói chung trong một thời kỳ nhất định cũng như cho việc duy trì năng suất cần thiết cho những hoạt động kể trên. Do đó cần chú ý đến tất cả các yếu tố sản xuất và giá trị sử dụng của chúng được xác định thông qua chi phí đầu tư vào yếu tố sản xuất, chi phí tài chính.

b. Bảo toàn giá trị tài sản doanh nghiệp:

Bên cạnh chi phí vận hành doanh nghiệp, trong giá nước cần bao gồm chi phí dài hạn cho việc duy trì giá trị tài sản của doanh nghiệp. Việc tính toán chi phí này chính là tính toán chi phí khấu hao tài sản cố định dựa trên tuổi thọ kỹ thuật của tài sản.

c. Xây dựng giá nước thải

Cơ cấu giá nước thải được xây dựng dựa trên cơ sở của việc tính toán giá và phản chiếu trong trường hợp lý tưởng cơ cấu chi phí. Có nghĩa rằng chi phí cố định nằm trong phần giá cố định không phụ thuộc vào lượng tiêu thụ và chi phí biến đổi nằm trong phần giá nước tính theo lượng tiêu thụ.

d. Minh Bạch

Xét cho cùng, công việc tính giá nước thải là để làm cho các khoản chi phí trở nên minh bạch đối với người dân-cũng như khách hàng của doanh nghiệp. Nhờ có bước tính giá, người dân nhận ra được là cần có những khoản chi phí nào để đảm bảo cung cấp dịch vụ thoát nước một cách an toàn, liên tục.

Một khi công việc tính giá nước thải thỏa mãn được tất cả các mục tiêu nói trên, có thể đạt ra giá nước trên nền tảng kết quả tổng các loại chi phí. Khi ấy, doanh nghiệp sẽ đảm bảo được dịch vụ cả về lượng và chất theo đúng yêu cầu đặt ra và còn đạt được một nền tảng kinh tế vững chắc. Giá nước thải thu bù chi chính là một điều kiện đảm bảo doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng, nhằm cấp vốn cho các hoạt động đầu tư.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố bắc ninh, tỉnh bắc ninh (Trang 112 - 115)