Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn đề tài
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Đặc điểm của các sản phẩm dược phẩm
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày một được nâng cao, nhưng cũng chính vì thế mà những hiểm họa đe dọa sức khỏe con người ngày càng nhiều, và con người cũng ngày càng có nhu cầu bảo vệ sức khỏe cao hơn. Y học ngày nay đã có những bước tiến dài, ngày càng hiểu rõ, đi sâu vào bản chất các loại bệnh, điều trị hiệu quả tận gốc nhiều loại bệnh hơn. Nhưng như thế vẫn chưa phải là đủ. Cùng với sự phát triển của xã hội, các loại bệnh mới cũng nảy sinh và được phát hiện liên tục. Cho đến nay, vẫn có một số loại bệnh
mà y học hiện đại vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm hoặc chưa tìm ra phương pháp điều trị nhất định làm đau đầu các chuyên gia, y bác sỹ như AIDS, ung thư, hoặc các bệnh về tâm thần…
Trong các phương pháp chữa bệnh vô cùng đa dạng phong phú áp dụng với các loại bệnh khác nhau hiện nay, phổ biến nhất vẫn là sử dụng hóa dược hay còn gọi là điều trị bằng thuốc. Vì tính đa dạng, phức tạp của các loại bệnh ngày nay nên có một số bệnh thì có một loại thuốc đặc trị, còn lại đa số là điều trị tùy theo tình huống, triệu chứng và tùy đối tượng. Vì thế mà các sản phẩm dược cũng ngày càng đa dạng theo các tiến bộ khoa học công nghệ mới được ứng dụng vào ngành Y tế.
Thực phẩm chức năng là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất "chức năng". Cũng như thực phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nằm ở nơi giao thoa giữa thực phẩm và thuốc và người ta cũng gọi thực phẩm chức năng là thực phẩm thuốc. Sở dĩ thực phẩm chức năng có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh và phòng ngừa bệnh vì nó có khả năng phục hồi tất cả các cấu trúc tế bào trong cơ thể đang bị tổn thương (Lê Hồng Thọ, 2007).
Cho đến nay chưa có một tổ chức quốc tế nào đa ra định nghĩa đầy đủ về thực phẩm chức năng, mặc dù đã có nhiều hội nghị quốc tế và khu vực về thực phẩm chức năng. Thuật ngữ “Thực phẩm chức năng” mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất quốc tế, nhưng được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới (Lê Hồng Thọ, 2007).
+ Các nước châu Âu, Mỹ: đã ra định nghĩa thực phẩm chức năng là một loại thực phẩm ngoài 2 chức năng truyền thống là cung cấp các chất dinh dưỡng và thoả mãn nhu cầu cảm quan, còn có chức năng thứ 3 được chứng minh bằng các công trình nghiên cứu khoa học như giảm cholesterol, giảm huyết áp, chống táo bón, cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột (Trần Đáng, 2014) .
+ Hiệp hội thực phẩm sức khoẻ và dinh dưỡng thuộc Bộ y tế Nhật Bản định nghĩa: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bỏ một số thành phần bất lợi”. Việc bổ sung hoặc loại bỏ phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được Bộ y tế cho phép xác định hiệu quả của thực phẩm chức năng đối với sức khoẻ (Trần Đáng, 2014).
+ Viện y học thuộc viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ định nghĩa: Thực phẩm chức năng là thực phẩm mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ, là bất cứ
thực phẩm nào được thay đổi thành phần qua chế biến hoặc có các thành phần của thực phẩm có lợi cho sức khoẻ ngoài thành phần dinh dưỡng truyền thống của nó (Trần Đáng, 2014).
+ Hiệp hội thông tin thực phẩm quốc tế (IFIC) định nghĩa: Thực phẩm chức năng là thực phẩm mang đến những lợi ích cho sức khoẻ vượt xa hơn dinh dưỡng cơ bản (Trần Đáng, 2014).
+ Australia định nghĩa: Thực phẩm chức năng là những thực phẩm có tác dụng đối với sức khoẻ hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. Thực phẩm chức năng là thực phẩm gần giống như các thực phẩm truyền thống nhưng nó để chế biến cho mục đích ăn kiêng hoặc tăng cường các chất dinh dưỡng để nâng cao vai trò sinh lý của chúng khi bị giảm dự trữ và được sản xuất theo công thức, chứ không phải là thực phẩm có sẵn trong tự nhiên (Trần Đáng, 2014).
+ Hiệp hội nghiên cứu thực phẩm Leatherhead (Châu Âu) cho rằng khó có thể định nghĩa thực phẩm chức năng vì sự đa dạng phong phú của nó. Các yếu tố “chức năng” đều có thể bổ sung vào thực phẩm hay nước uống. Tổ chức này cho rằng “ Thực phẩm chức năng là thực phẩm được chế biến từ thức ăn thiên nhiên, được sử dụng như một chế độ ăn hàng ngày và có khả năng cho một sinh lý nào đó khi được sử dụng” (Trần Đáng, 2014).
+ Bộ y tế Việt nam: Thông tư số 08/TT-BYT ngày 23/8/2004 định nghĩa: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật” (Trần Đáng, 2014).
Như vậy, có rất nhiều các định nghĩa về thực phẩm chức năng, song tất cả đều thống nhất cho rằng: Thực phẩm chức năng là loại thực phẩm nằm giới hạn giữa thực phẩm truyền thống (Food) và thuốc (Drug). Thực phẩm chức năng (TPCN) thuộc khoảng giao thoa giữa thực phẩm và thuốc. Vì vậy mà người ta còn gọi thực phẩm chức năng là thực phẩm – thuốc.
Đặc điểm tiêu dùng thực phẩm chức năng:
- Thực phẩm chức năng được tiêu dùng trực tiếp, người tiêu dùng TPCN mua bán trao đổi trên thị trường. Thực phẩm chức năng không phải là thực phẩm nhu cầu thường xuyên hàng ngày như các loại thực phẩm thông thường, mà là những sản phẩm cung cấp dinh dưỡng cơ bản cho cơ thể. Do vậy việc tiêu dùng TPCN phụ thuộc vào nguyện vọng về một loại nào đó mà thoả mãn nhu cầu của
con người. Ngày nay, khi mà đời sống ngày càng được cải thiện thì con người không chỉ tạo ra thực phẩm đáp ứng nhu cầu hàng ngày, mà còn phải tìm kiếm các thực phẩm có khả năng phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khoẻ. Khi người tiêu dùng quyết định mua sắm một loại TPCN với mức giá nào đó là đã tìm cách đạt độ thoả dụng cao nhất của họ. Nhưng việc lựa chọn thường bị hạn chế bởi sức mua hay cụ thể là mức thu nhập của người tiêu dùng và chịu ảnh hưởng của giá cả các mặt hàng TPCN sẵn có (Lâm Quốc Hùng, 2014).
- Mức thu nhập hiện nay của đại bộ phận người dân lao động ở nước ta còn rất thấp so với yêu cầu chi tiêu. Do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp như vậy nên lượng tiêu dùng TPCN cũng như nhiều loại hàng hoá tiêu dùng khác còn ít hơn so với mong muốn.
- Hơn nữa lượng TPCN cho mỗi người cũng chỉ đến một mức nhất định là thoả mãn và mức thoả mãn này về chừng mực nào đó phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác, trạng thái sức khoẻ và thu nhập cá nhân. Mỗi người cũng không thể tiêu dùng mãi một loại TPCN mà dùng nhiều loại khác nhau và qua các thời kỳ khác nhau.
- Ở nước ta, tiêu dùng TPCN còn có các mức phân biệt, ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa lương thực thực phẩm vẫn là nhu cầu thiết yếu, mặc dù mức sống đã được cải thiện song vẫn còn hạn chế vì mức thu nhập thấp, đời sống thấp, ít thông tin nên sự hiểu biết về TPCN còn ít, hơn nữa người dân ở đây chỉ quan tâm đến bữa ăn hàng ngày bằng thực phẩm thông thường chưa nghĩ đến các thực phẩm bổ sung cho cơ thể. Ở thành thị đời sống cao hơn, phương tiện cho cuộc sống đầy đủ hơn nên họ không chỉ quan tâm đến dinh dưỡng hàng ngày mà còn phải làm thế nào để sống tốt hơn, thế nên ngoài bữa ăn hàng ngày người dân ở đây tìm cách bổ sung vào cơ thể các thành phần khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của họ (Lâm Quốc Hùng, 2014).
Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng thuốc, nên để nghiên cứu, cho ra thị trường và đến tay người tiêu dùng cần qua một quá trình được quản lý, kiểm tra chặt chẽ. Đối vơi đầu vào của sản phẩm, cần có một tổ chức chuyên môn cấp Trung ương với nhiệm vụ độc lập thẩm định các giá trị của từng loại sản phẩm khi được chào hàng. Sau đó cần tính đến giá trị sử dụng của thuốc đó, xem xét mô hình bệnh, tần suất lưu hành bệnh, giá thành thuốc để xem có thực sự cần dùng thuốc đó hay không, cuối cùng là đến bệnh nhân, cần xem xét thuốc đó có hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với các loại thuốc trước đó hay không (Vương Linh, 2013).
Thực phẩm chức năng khác với thuốc ở chỗ:
+ Nhà sản xuất công bố trên nhãn hiệu sản phẩm là thực phẩm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khoẻ, phù hợp với các quy định về thực phẩm. Đối với thuốc, nhà sản xuất công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định (Vương Linh, 2013).
+ Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể (Vương Linh, 2013).
+ TPCN có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài nhằm nuôi dưỡng, bổ dưỡng hoặc phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh mà vẫn an toàn, không có độc hại, không có phản ứng phụ. Đối với thuốc chỉ dùng từng đợt điều trị, không thường xuyên (Vương Linh, 2013).
+ Đối tượng sử dụng: Đối với thuốc chỉ dùng cho người ốm và phải có kê đơn của bác sỹ. TPCN có thể sử dụng cho cả người ốm và người khoẻ hàng ngày. Người tiêu dùng có thể tự sử dụng theo hướng dẫn cách sử dụng của các nhà sản xuất mà không cần khám bệnh kê đơn của thầy thuốc (Vương Linh, 2013).