Tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính phục vụ công tác quản lý đất đai tại xã kim sơn, huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 40 - 45)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu địa chín hở trong nước và trên thế giới

2.3.1. Tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên thế giới

Việc ứng dụng công nghệ vào xây dựng CSDL địa chính ở nhiều nước trên thế giới đã được quan tâm từ sớm và thực hiện với nhiều kết quả tốt. Đặc biệt là ở các nước phát triển như Thụy Điển, Hà Lan, Úc, Italy,… CSDL địa chính được hoàn thiện thành các hệ thống thông tin đất đai phục vụ rất hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Sau đây tác giả xin tổng quan một số các hệ thống thông tin đất đai ở một số nước.

a. Thụy Điển

Tại Thụy Điển, toàn bộ quá trình từ quyết định ban đầu đến khi hoàn thiện mất khoảng 25 năm. Hệ thống thông tin đất đai tích hợp các thông tin đăng ký đất đai và địa chính vào một hệ thống bao gồm những phần sau: Đăng ký tài sản, xác định các đối tượng trong hệ thống (thửa đất, các đơn vị tài sản); Đăng ký đất đai, xác định các quyền đối với các đối tượng; Thiết lập và địa chỉ; Thuế và giá trị; Lưu trữ dạng số.

Mô hình hệ thống dựa trên một thiết kế kiến trúc mà môi trường quản lý/cập nhật quản lý đất đai được tối ưu hóa cho các quy trình làm việc kết hợp với các thủ tục pháp lý và Hệ thống phân phối được tối ưu hóa cho việc cung cấp, trao đổi và trình diễn dữ liệu. Mô hình này bao gồm 4 phần về nền tảng tương kết và giao tiếp bằng các định dạng tệp cụ thể dựa trên XML/GML.

Thụy Điển xây dựng được ngân hàng dữ liệu đất đai (LDBS) vào năm 1995, trong ngân hàng này mỗi đơn vị tài sản có các thông tin sau:

- Khu vực hành chính nơi có bất động sản, địa chỉ, vị trí trên trích lục bản đồ địa chính, toạ độ của bất động sản và các công trình xây dựng;

- Diện tích của bất động sản; - Giá trị tính thuế;

- Tên, địa chỉ và sổ đăng ký công dân của chủ sở hữu, thông tin về việc có bất động sản đó khi nào và như thế nào;

- Sơ đồ công trình xây dựng và quy định được áp dụng cho trường hợp cụ thể đó;

- Số lượng thế chấp;

- Thông tin về quyền thông hành địa dịch;

- Các biện pháp kỹ thuật và chính thức được thực hiện, số tra cứu đến các bản đồ và các tài liệu lưu trữ khác.

Đồng thời, LDBS được kết nối tới các CSDL địa lý của Thụy Điển thông qua hệ thống tọa độ. Các CSDL địa lý có chứa các thông tin về địa hình, sử dụng đất, thủy văn, thực vật,... Thông tin cơ bản trong LDBS được cập nhật hàng ngày bởi Cơ quan đăng ký đất và Cơ quan địa chính.

b. Úc

Tại Úc, tổ chức cơ quan quản lý đất đai nói chung của từng bang có sự khác nhau. Vì vậy công tác quản lý nhà nước, bao gồm công tác đăng ký quyền sở hữu đất đai và các dịch vụ liên quan đến đất đai (trong đó có hệ thông thông tin đất đai) của các Bang giữ nhiệm vụ chủ trì. Hệ thống thông tin đất đai Tây Úc (WALIS) được thiết lập từ năm 1981, là hệ thống LIS sớm nhất tại Úc sử dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý trong việc xây dựng LIS. Tại bang New South Wales (NSW), hệ thống đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu Torrens có nguồn gốc từ đây. Tại bang này, hệ thống đăng ký đã được quản lý toàn bộ qua mạng, là một phần cơ bản của LIS của bang NSW. LIS tại NSW có đặc điểm và chức năng, nhiệm vụ như sau:

- Quản lý và cập nhật dữ liệu không gian và phi không gian;

- Chuẩn bị và chia sẻ các sản phẩm và dịch vụ dữ liệu không gian chất lượng cao từ các ứng dụng dữ liệu không gian;

- Đảm bảo dữ liệu không gian và phi không gian tương thích và có thể tích hợp với các hệ thống khác;

- Quản lý, xây dựng và phát triển các ứng dụng dữ liệu không gian;

- Cung cấp tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn, hỗ trợ người dùng hệ các thống dữ liệu không gian khác nhau;

- Thiết kế, thực thi và hỗ trợ các giải pháp trên thiết bị di động và các ứng dụng Web.

- Xây dựng và duy trì các tiêu chuẩn, chính sách và quy trình của tổ chức liên quan tới việc vận hành hệ thống dữ liệu không gian và phi không gian.

c. Hà Lan

Hình 2.3. Cấu trúc hệ thống và dòng dữ liệu của Kadaster-on-line

Hệ thống Kadaster-online của Hà Lan được đánh giá là một trong những hệ thống thông tin đất đai thành công nhất trên thế giới. Kadaster-on-line được thiết lập bởi Kadaster - cơ quan đăng ký đất đai và quản lý hồ sơ địa chính của Hà Lan, cung cấp 2 loại hình dịch vụ chính là:

- Kadaster-on-line cho người sử dụng chuyên nghiệp (các nhà chuyên môn) trong lĩnh vực quản lý đất đai và bất động sản, các dịch vụ này có thu phí.

- Kadaster-on-line product cho tất cả những người dân bình thường, các dịch vụ này được miễn phí.

Với những dịch vụ cung cấp khá hoàn hảo, Kadaster-on-line đã có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản và công tác quản lý đất đai ở Hà Lan. Ngoài ra, nó trở thành một mô hình kiểu mẫu về hệ thống thông tin đất đai cho nhiều nước khác học tập.

d. Hàn Quốc

Hình 2.4. Kiến trúc hệ thống KLIS

Hệ thống thông tin đất đai của Hàn Quốc là KLIS được phát triển bắt đầu từ năm 1998 và đến năm 2006 thì hoàn thành. Các dịch vụ công trên mạng được cung cấp tại Seoul và Jeju nơi mà dữ liệu địa chính và bản đồ quy hoạch được cập nhật, bổ sung và đến năm 2008 thì mở rộng trên toàn quốc. Dữ liệu không gian của KLIS bao gồm CSDL địa hình và các bản đồ địa chính, dữ liệu hiện trạng, quy hoạch. Tập hợp dữ liệu này được tham chiếu tới dữ liệu thuộc tính được số hóa của 37 triệu thửa đất trên cả nước. Hình 2.4 là kiến trúc của hệ thống KLIS và hình 2.5 là giao diện của chức năng tra cứu thông tin chi tiết về bất động sản của hệ thống.

Hình 2.5. Chức năng tra cứu thông tin bất động sản của KLIS

Qua nghiên cứu tình hình xây dựng hệ thống thông tin đất đai tại một số nước trên thế giới, đề tài xin đưa ra một số nhận xét sau:

- Hệ thống thông tin đất đai ở các nước đều được đầu tư xây dựng bài bản, cố gắng đáp ứng được các nhu cầu của người sử dụng và hỗ trợ cho công tác quản lý đất đai hiệu quả.

- Để xây dựng được các hệ thống thông tin đất đai như vậy cần một quá trình tương đối lâu dài và phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển.

- Vấn đề về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đều được coi trọng từ những bước đầu tiên, làm nền tảng để phát triển hệ thống thông tin đất đai.

- Các hệ thống thông tin đất đai đều được triển khai rộng rãi trên mạng Internet, cung cấp thông tin dễ dàng cho người dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính phục vụ công tác quản lý đất đai tại xã kim sơn, huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 40 - 45)