Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.3. Tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu địa chín hở trong nước và trên thế giới
2.3.2. Tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu địa chín hở Việt Nam
Xây dựng CSDL địa chính là một nhiệm vụ rất quan trọng để phát triển hệ thống quản lý đất đai hiện đại. Chính vì vậy, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều các văn bản pháp luật quy định và hướng dẫn công tác này. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ tiến hành xây dựng CSDL địa chính cho đơn vị của mình.
a. Các văn bản pháp luật quy định về xây dựng CSDL địa chính
- Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc “Hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính”. Đây là văn bản đầu tiên đề cập đến CSDL địa chính với khái niệm, nội dung CSDL địa chính, yêu cầu về xây dựng CSDL địa chính. Tuy nhiên, các quy định và hướng dẫn mới chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa chi tiết.
- Thông tư số 17/2010/TT-BTNMT ngày 04/10/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về chuẩn dữ liệu địa chính. Thông tư này quy định rất cụ thể về nội dung và cấu trúc dữ liệu; hệ quy chiếu không gian và thời gian; siêu dữ liệu; chất lượng dữ liệu; trình bày, trao đổi và phân phối dữ liệu; xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác sử dụng dữ liệu đối với dữ liệu địa chính trên phạm vi cả nước.
- Công văn số 1159/TCQLĐĐ-CĐKTK ngày 21/9/2011 của Tổng cục quản lý đất đai về việc Hướng dẫn xây dựng CSDL địa chính. Đây là công văn nhằm trợ giúp các địa phương rà soát, hoàn thiện dự án tổng thể và các thiết kế kỹ thuật – dự toán về đo đạc lập bản đồ địa chính và đăng ký, cấp Giấy chứng nhận gắn với xây dựng CSDL địa chính của địa phương cho phù hợp.
- Thông tư số 30/2013/TT-BTNMT quy định thực hiện lồng ghép việc đo đạc lập hoặc chỉnh lý bản đồ địa chính và đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng hồ sơ địa chính, CSDL địa chính. Thông tư này áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) triển khai thực hiện đồng bộ các công việc từ đo đạc lập hoặc chỉnh lý bản đồ địa chính đến đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận; xây dựng hồ sơ địa chính, CSDL địa chính;
khai thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công việc còn lại về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận; xây dựng hồ sơ địa chính, CSDL địa chính.
b. Tình hình xây dựng CSDL địa chính thực tế ở các địa phương
Trong nhiều năm qua, nhiều địa phương đã quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện việc xây dựng CSDL địa chính gắn với đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Với tốc độ đô thị hóa cao, kéo theo việc biến động về đất đai khá nhanh, tỉnh Đồng Nai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn để thực hiện mô hình điểm xây dựng CSDL địa chính quản lý đất đai để rút kinh nghiệm. Hiện CSDL đất đai của Đồng Nai đã được tập trung tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố. Khi cần thiết, chỉ cần kết nối vào CSDL này để khai thác, cập nhật, chỉnh lý thông tin về từng thửa đất thông qua mạng MegaWan. Do đó, công tác quản lý của Nhà nước về đất đai như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, xây dựng thông tin đất đai ở Đồng Nai đã được thực hiện thuận lợi hơn, tránh được tình trạng chuyển nhượng, quy hoạch, tách thửa tràn lan. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành việc lập bản đồ địa chính cho 171/171 xã, phường, thị trấn. Trong đó, 130 xã, phường, thị trấn có bản đồ địa chính được lập bằng công nghệ bản đồ số và 41 xã, phường, thị trấn được số hóa đưa về chuẩn phần mềm Famis. Hiện trong tỉnh đã xây dựng CSDL địa chính cho gần 1,4 triệu thửa đất.
Ngoài tỉnh Đồng Nai, một số quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh khác (thuộc thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nam Định, Thừa Thiên – Huế, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh) đã cơ bản xây dựng CSDL địa chính và đã tổ chức quản lý, vận hành phục vụ yêu cầu khai thác sử dụng rất hiệu quả và được cập nhật ở các cấp tỉnh, huyện. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lại mới chỉ dừng ở việc lập bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính dạng số cho riêng từng xã. Điều đó gây khó khăn cho việc tích hợp và xây dựng CSDL địa chính hoàn chỉnh, cũng như cập nhật biến động thường xuyên. Hình 2.6 và 2.7 là ví dụ minh họa về các trang Web cung cấp thông tin địa chính của tỉnh Vĩnh Long.
Hình 2.6. Trang Web cung cấp thông tin địa chính xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long
Hình 2.7. Chức năng tra cứu thông tin thửa đất theo chủ sử dụng của tỉnh Vĩnh Long
Tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn thành phố Hà Nội:
Giai đoạn trước 1954: thực dân Pháp đã tiến hành thành lập bản đồ địa chính với các tỷ lệ khác nhau cho toàn bộ làng, xã, khu phố trên địa bàn thành phố Hà Nội với tỷ lệ bản đồ 1/200 và 1/500 là 1.902 tờ bản đồ, tỷ lệ 1000 là 910 tờ, tỷ lệ 1/2000 là 942 tờ bản đồ.
Giai đoạn 1955 - 1975: trong giai đoạn này do chiến tranh vì thế công tác xây dựng bản đồ, lập hồ sơ địa chính ít được quan tâm, thành phố không xây dựng bản đồ địa chính. Cuối năm 1959 đầu năm 1960 thực hiện chỉnh lý bản đồ thời Pháp để phục vụ quản lý đất đai.
Giai đoạn 1975 - 1991: Trong giai đoạn này công tác đo đạc bản đồ xây dựng hồ sơ địa chính đã được tất cả các cấp chính quyền quan tâm. Thực hiện CT299/TTg năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ thì một số huyện, xã của Hà Nội thành lập bản đồ giải thửa nhưng hệ thống bản đồ mang tính rời rạc, chắp vá, độ chính xác thấp, nội dung của tờ bản đồ không thể hiện yêu cầu công tác quản lý.
Giai đoạn 1992 - 2001, ở giai đoạn này công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính tiếp tục được quan tâm, được sự chỉ đạo hướng dẫn của Tổng Cục địa chính. Thành phố Hà Nội đã thực hiện đo đạc bản đồ cho toàn bộ các xã ngoại thành Hà Nội.
Trên địa bàn Hà Nội cũ bao gồm 14 quận, huyện với 232 phường, xã, thị trấn đã hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ địa chính khu vực đất ở và một phần đất nông nghiệp, chủ yếu bằng công nghệ cũ, những tài liệu hiện tại đã quá cũ và chưa thống nhất; đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống bản đồ địa chính số về hệ tọa độ VN- 2000, nhưng độ chính xác của bản đồ so với qui phạm mới ban hành chưa đảm bảo. Do quá trình phát triển kinh tế, việc dồn điền đổi thửa làm biến động rất lớn, cần phải đối soát chỉnh lý hoặc đo mới và chuẩn hóa các dữ liệu bản đồ địa chính theo chuẩn thống nhất; Chú trọng công tác tiếp biên bản đồ địa giới hành chính các đơn vị hành chính do chia tách, sáp nhập.
Hiện tại, Hà Nội mới có 10 huyện thực hiện theo dự án VLAP (Hà Đông, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thạch Thất, Thường Tín, Ba Vì, Chường Mỹ, Ứng Hòa, Quốc Oai) xây dựng cơ sở dự liệu địa chính, dùng phần mềm ViLIS 2.0 để khai thác và sử dụng, các quận, huyện khác do chưa có Bản đồ địa chính chính quy hoặc có bản đồ giấy nên chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu địa chính.
Một số đơn vị thực hiện việc số hóa bản đồ giấy và quản lý trên nền Microstation hoặc Autocad (không thống nhất phần mềm chung nên không cập nhật đồng bộ ở các cấp xã - huyện - thành phố), việc số hóa mang tính tự phát và không theo quy chuẩn về độ chính xác, về phân lớp đối tượng nên chất lượng không đồng đều, sai số lớn và cũng chưa xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.
Tất các các quận, huyện đều thực hiện quản lý đất đai thông qua hồ sơ giấy, các số liệu tổng hợp là các bảng excel được thực hiện khi phát sinh nhu cầu. Các số liệu tổng hợp khó chính xác vì cách quản lý thủ công và không được tự động cập nhật thường xuyên.
Một số đơn vị triển khai ứng dụng CNTT nhưng không gắn với quy trình hành chính, không gắn với nghiệp vụ xử lý hồ sơ trong khi quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu Đất đai và hệ thống Hồ sơ Địa chính phải được gắn liền với tin học hóa nghiệp vụ hành chính, mỗi vị trí xử lý hồ sơ là 1 nhân tố tích hợp dữ liệu cho hệ thống, việc xử lý hồ sơ được giám sát bởi quy trình hành chính, là yếu tố đảm bảo cho hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai được tự động cập nhật.
Giai đoạn từ năm 2003 đến nay: Tính đến cuối tháng 6/2016, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.458.150 thửa đất, căn hộ, trong đó 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và kê khai đăng ký đã được cấp Giấy chứng nhận, đạt 89,9% thửa đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư; đạt 89% căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở; đạt 57% thửa đất do các tổ chức sử dụng; 358 thửa đất do các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng; cấp được 54.000 Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa (Trọng Phú, 2016).
Bên cạnh những kết quả đạt được, những vấn đề còn khó khăn, tồn đọng hiện là rào cản trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở hiện nay. Đó là tình trạng hơn 144.000 thửa đất còn tồn đọng, vướng mắc, trong đó gần 16.000 trường hợp lấn, chiếm đất, hàng chục nghìn trường hợp cấp trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm quy hoạch Trọng Phú, 2016).
Hiện còn 146.189 thửa đất của hộ gia đình, cá nhân, 8.345 thửa đất các tổ chức đang sử dụng đất chưa kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận, 144.011 thửa đất, 56.970 căn hộ đang gặp khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa tiến độ rất chậm so với yêu cầu, đạt khoảng 7% (Thông tấn xã Việt Nam, 2016).
Hầu hết các trường hợp thửa đất tồn đọng là do cấp trái thẩm quyền, lấn chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm quy hoạch, giấy tờ không hợp lệ... Để xảy ra những sai phạm này cho thấy công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua còn nhiều tiêu cực, lỏng lẻo.
Đối với các dự án phát triển nhà ở, trên địa bàn thành phố hiện có 410 dự án, trong đó có 223 dự án đã được thành phố giao đất với 216.580 căn chung cư và 112.150 căn nhà ở thấp tầng đã xây dựng xong, bàn giao cho người mua nhà. Trong đó có hơn 112.000 căn đã xây xong và bàn giao cho khách hàng và đã cấp được 31.800 giấy chứng nhận, còn lại hơn 80.300 căn chưa được cấp. Nguyên nhân của tình trạng cấp sổ muộn là do nhiều chủ đầu tư vi phạm về quy hoạch, thiết kế xây dựng đã được phê duyệt hoặc chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng và bán nhà... (Minh Nghĩa, 2014).
Trong quá trình xây dựng CSDL địa chính, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, người sử dụng đã áp dụng những phần mềm hỗ trợ như FAMIS, CILIS, PLIS, ELIS, VILIS. Mặt khác, trong quá trình triển khai, chúng ta cũng nhận được sự giúp đỡ rất hiệu quả của các tổ chức quốc tế như chương trình CPLAR (chương trình về Đổi mới hệ thống địa chính) và dự án SEMLA (dự án tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường ở Việt Nam) của Thụy Điển, dự án VLAP (dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Nhìn chung những giải pháp này đã cung cấp cho các địa phương một công cụ hữu ích hỗ trợ tích cực để đẩy nhanh việc lập CSDL địa chính số, góp phần đẩy nhanh tiến độ đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có thể nói, hiện nay việc ứng dụng công nghệ tin học để lập CSDL đất đai dạng số đã được ứng dụng ở 100% cơ quan tài nguyên môi trường cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở cán bộ địa chính cấp xã còn rất hạn chế, đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng núi đặc biệt khó khăn.