PHẦN 1 MỞ ĐẦU
2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.1.3. Vai trò của chiến lược kinh doanh
Chiến lược kinh doanh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh đúng đắn sẽ tạo một hướng đi tốt cho doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh có thể coi như kim chỉ nam dẫn đường cho doanh nghiệp đi đúng hướng.
Trong thực tế, có rất nhiều nhà kinh doanh nhờ có chiến lược kinh doanh đúng đắn mà đạt được nhiều thành công, vượt qua đối thủ cạnh tranh và tạo vị thế cho mình trên thương trường và cũng không ít những nhà tỷ phú do sai lầm trong đường lối kinh doanh của mình mà phải trao lại cơ ngơi cho địch thủ của mình trong thời gian ngắn. Sự thất bại và thàng công trong kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Chiến lược kinh doanh mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tầm quan trọng và vị trí của nó được thể hiện ở những mặt sau: (Ngô Kim Thanh, 2011; Nguyễn Thị Liên Hiệp và Phạm Văn Nam, 2010).
Chiến lược kinh doanh giúp doanh nghiệp định hướng cho hoạt động của mình trong tương lai thông qua việc phân tích và dự báo môi trường kinh doanh. Kinh doanh là một hoạt động luôn chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và bên trong. Chiến lược kinh doanh giúp doanh nghiệp vừa linh hoạt vừa chủ động để thích ứng với những biến động của thị trường, đồng thời còn đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển theo đúng hướng. Điều đó có thể giúp doanh nghiệp phấn đấu thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế của mình trên thị trường.
Trên cơ sở phân tích các yếu tố bên trong và bên ngoài tác động tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh giúp cho doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng được các cơ hội kinh doanh, đồng thời có biện pháp chủ động đối phó với những mối đe dọa và nguy cơ trên thị trường kinh doanh.
Chiến lược kinh doanh vạch rõ mục đích cụ thể mà doanh nghiệp hướng tới đồng thời chỉ ra cách thức để đạt được những mục đích đó. Do đó, chiến lược kinh doanh góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tăng cường hiệu quả kinh doanh. Từ đó góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển liên tục và bền vững.
Chiến lược kinh doanh là công cụ cạnh tranh có hiệu quả của doanh nghiệp. Trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế hiện nay đã tạo nên sự ảnh hưởng và phụ thuộc qua lại lẫn nhau giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Chính quá trình đó đã tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Ngoài những yếu tố cạnh tranh như: giá cả, chất lượng, quảng cáo, marketing, các doanh nghiệp còn sử dụng chiến lược kinh doanh như một công cụ cạnh tranh có hiệu quả.
Như vậy, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trên thị trường, đối phó được những thay đổi thường xuyên diễn ra trên thị trường và muốn giành được lợi thế cạnh tranh về mình trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ cạnh tranh thì doanh nghiệp phải có một chiến lược kinh doanh phù hợp, đúng đắn. Qua đó một lần nữa khẳng định vai trò của chiến lược kinh doanh là kim chỉ nam để doanh nghiệp xác định hướng đi đúng đắn, để tồn tại và phát triển vững chắc trên thị trường.