Lọc màng bụng là phương pháp lọc máu, sử dụng màng bụng của chính bệnh nhân như một màng bán thấm để trao đổi chất giữa máu chứa trong mao mạch màng bụng và dịch thẩm phân chứa trong ổ bụng.
Lọc màng bụng cũng có hiệu quả giảm homocystein toàn phần đáng kể và kéo dài ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối và có sự tương quan thuận giữa sự giảm homocystein toàn phần và chế độ lọc máu đầy đủ. Sự loại bỏ homocystein phụ thuộc vào nồng độ ban đầu của homocystein huyết tương
và hiệu quả sẽ gia tăng khi kết hợp lọc màng bụng với điều trị bằng axit folic và các loại vitamin nhóm B trong việc thải trừ homocystein [75],[146]. Tuy nhiên, cần lưu ý lọc màng bụng sẽ gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mà chất chỉ điểm là nồng độ CRP tăng cao hơn lọc máu bằng thận nhân tạo, và là yếu tố tiên lượng tử vong do mọi nguyên nhân cũng như do bệnh tim mạch ở bệnh nhân suy thận mạn giai đọan cuối [53].
1.6.4. Ghép thận
Trong các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối, ghép thận được cho là phương pháp mang lại hiệu quả nhất. Tỉ lệ sống sót thận ghép ở thời điểm một và 5 năm là 93% và 82% khi nhận thận người sống có hoặc không quan hệ với người nhận, trong khi đó tỉ lệ này là 85% và 74% khi nhận thận từ tử thi [147].
Tăng homocystein là yếu tố nguy cơ độc lập bệnh tim mạch và nồng độ homocystein tăng cao ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lọc máu bằng thận nhân tạo chu kỳ. Vì thế, rất nhiều mong đợi rằng homocystein toàn phần sẽ giảm rõ rệt sau ghép thận thành công.
Trong nghiên cứu đánh giá nồng độ homocystein toàn phần trước và sau ghép thận ở bệnh nhân được điều trị bằng cyclosporine A so với chứng, các tác giả Arnadottir M, Hultberg B nhận thấy: sau 6 tháng ghép thận, nồng độ homocystein toàn phần trung bình giảm có ý nghĩa so với trước khi ghép (p < 0,001) nhưng vẫn cao hơn nhóm chứng (p < 0,0001), trong đó có 16 bệnh nhân (29%) có dấu hiệu tăng homocystein toàn phần sau ghép. Sự thay đổi homocystein sau ghép thận tương quan nghịch với nồng độ homocystein toàn phần trước ghép (r = - 0,66, p < 0,0001) và tương quan thuận với albumin huyết thanh (r = 0,35, p < 0,05) và nồng độ trũng của cyclosporine A (r = 0,29, p < 0,05). Các tác giả cho rằng mức độ giảm homocystein sau ghép thận ít hơn sự mong đợi, liên quan đến chức năng thận và có một hay nhiều yếu tố làm tăng homocystein, trong đó có yếu tố điều trị với Cyclosporine A [41].
Các tác giả Diaz JM, Sainz Z nhận thấy nồng độ homocystein toàn phần trung bình sau ghép thận là 17,3mol/L và tần suất tăng homocystein chiếm
61,2%. Những bệnh nhân tăng homocystein hầu hết là nam giới, có nồng độ folat và vitamin B12 trong hồng cầu thấp, nồng độ fibrinogen cao và chức năng thận rất kém, độc lập với nồng độ homocystein toàn phần [69].
Qua những nghiên cứu trên, rõ ràng là tỉ lệ tăng và nồng độ homocystein toàn phần vẫn cao hơn bình thường ở những bệnh nhân sau ghép thận. Tuy nhiên, Dimény E, Hultberg B, trong một nghiên cứu trên 57 bệnh nhân trước và sau ghép thận trong thời gian 5 năm, nhận thấy nồng độ homocystein trung bình trước ghép là 33,2 19,2mol/L và tỉ lệ tăng là 94%. Sau ghép thận 6 tháng, nồng độ trung bình homocystein toàn phần 27,7 14,6mol/L và tỉ lệ tăng là 88%. Qua theo dõi nồng độ creatinin huyết tương, hệ số thanh thải creatinin nội sinh và sinh thiết thận, các tác giả nhận thấy, nồng độ homocystein toàn phần không những trước mà cả sau ghép cũng không ảnh hưởng đến khả năng sống sót, chức năng và cấu trúc mô học của thận ghép [72].