Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính là yêu cầu cơ bản để xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại. Trong nhiều năm qua, các địa phương đã quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa bàn. Một số tỉnh đã cơ bản xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và tổ chức quản lý, vận hành phục vụ yêu cầu khai thác sử dụng một cách hiệu quả, đồng thời cơ sở dữ liệu đó cũng được cập nhật biến động thường xuyên ở các cấp tỉnh, huyện.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính nhằm hiện đại hóa hệ thống công tác quản lý và cập nhật, chỉnh lý biến động nguồn dữ liệu đất đai thống nhất từ trung ương đến địa phương đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhanh gọn, chính xác phục vụ tốt quản lý nhà nước về đất đai, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng,nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế; phát triển chính phủ điện tử trong ngành tài nguyên và môi trường và đặc biệt là nhu cầu khai thác thông tin thường xuyên cho người dân và doanh nghiệp góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản. Từng bước hoàn thiện và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác tiềm năng quỹ đất, cung cấp các thông tin về đất đai phục cho cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Cơ sở dữ liệu địa chính bao gồm: dữ liệu bản đồ địa chính và các dữ liệu thuộc tính địa chính.
Dữ liêụ bản đồ địa chính được lập để mô tả các yếu tố tự nhiên có liên quan đến việc sử dụng đất bao gồm các thông tin:
- Vị trí, hình dạng, kích thước, tọa độ đỉnh thửa, số thứ tự, diện tích, mục đích sử dụng cụ thể đến từng thửa đất;
- Vị trí, hình dạng, kích thước, diện tích của hệ thống thủy văn gồm sông, ngòi, kênh, rạch, suối; hệ thống thủy lợi như hệ thống dẫn nước, đê, đập, cống; hệ thống đường giao thông gồm đường bộ, đường sắt, cầu và khu vực đất lưu không dành cho giao thông có ranh giới thửa khép kín;
- Vị trí, tọa độ các mốc giới và đường địa giới hành chính các cấp, mốc giới và chỉ giới quy hoạch sử dụng đất, ranh giới hành lang baỏ vệ an toàn công trình;
- Điểm toạ độ địa chính, địa danh và các ghi chú thuyết minh.
Các dữ liệu thuộc tính địa chính được lập để thể hiện nội dung cuả sổ mục kê đất đai, sổ địa chính và sổ theo dõi biến động đất đai theo quy định tại Điều 47 của Luật Đất đai bao gồm các thông tin:
- Thửa đất gồm mã thửa, diện tích, tình trạng đo đạc lập bản đồ địa chính; - Các đối tượng có chiếm đất không tạo thành thửa đất gồm tên gọi, mã của đối tượng, diện tích của hệ thống thủy văn, hệ thống giao thông và các khu vực đất chưa sử dụng không có ranh giới thửa khép kín;
- Người sử dụng đất hoặc người quản lý đất gồm tên, địa chỉ, thông tin về giấy tờ tùy thân, văn bản về việc thành lập tổ chức;
- Thông tin về tình trạng sử dụng của thửa đất gồm hình thức sử dụng, thời hạn sử dụng, nguồn gốc sử dụng, những hạn chế về quyền sử dụng, số phát hành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp, mục đích sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai;
- Những biến động về sử dụng đất trong quá trình sử dụng gồm những thay đổi về thửa đất, về người sử dụng đất, về tình trạng sử dụng đất;
Cơ sở dữ liệu địa chính được xây dựng tập trung thống nhất từ trung ương tới địa phương. Việc xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác sử dụng dữ liệu địa chính phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan, kịp thời, và thực hiện theo quy định,quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.
Cơ sở dữ liệu địa chính cấp xã là thành phần cơ bản của hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính, là cơ sở để thành lập nên cơ sở dữ liệu địa chính cấp huyện, cấp tỉnh.