Cơ sở dữ liệu về giá đất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng hệ thống thông tin địa lý xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trấn vân đình, huyện ứng hòa, TP hà nội (Trang 28 - 30)

Cơ sở dữ liệu về giá đất là một trong những nội dung, một thành phần tham gia hình thành nên hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai. CSDL giá đất là tập hợp thông tin có cấu trúc của dữ liệu giá đất được xây dựng, sắp xếp để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thường xuyên bằng phương tiện điện tử.

CSDL giá đất cũng được xây dựng theo đơn vị hành chính xã, tổng hợp theo đơn vị hành chính cấp huyện và tích hợp vào CSDL đất đai. Đồng thời, CSDL giá đất phải được gắn vào thông tin dữ liệu thửa đất trong CSDL địa chính, được xây dựng theo hướng sau:

- Dữ liệu về giá đất được gắn vào thông tin dữ liệu thửa đất, tích hợp theo từng năm. CSDL về giá đất được xây dựng, cập nhật bắt đầu từ năm 2003 cho đến nay.

- Hàng năm CSDL về giá đất sẽ được cập nhật thường xuyên sau khi UBND tỉnh phê duyệt giá đất trên địa bàn tỉnh (thông thường được cập nhật vào tháng 01/01 năm đầu của giai đoạn). Dữ liệu về giá đất hàng năm sẽ được lưu trữ trong bộ nhớ hệ thống theo thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường được quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-BTNMT ngày 28/5/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với cở sở dữ liệu giá đất, khi xây dựng cần có một số thông tin thuộc tính liên quan đến giá đất xác định đến từng thửa đất cụ thể như sau:

- Nhóm dữ liệu giá đất theo bảng giá đất: giá đất theo bảng giá đất, vị trí đất, khu vực đất, quyết định ban hành, ngày ban hành và ngày có hiệu lực;

- Nhóm dữ liệu giá đất cụ thể: giá đất theo hệ số điều chỉnh giá đất, giá đất cụ thể, thời điểm quyết định giá cụ thể, căn cứ pháp lý;

- Nhóm dữ liệu giá đất chuyển nhượng trên thị trường: giá đất theo hợp đồng chuyển nhượng, giá đất chuyển nhượng trên thị trường, giá đất trúng đấu giá và thời điểm biến động (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2015).

Theo đó CSDL giá đất là một bộ phận trong CSDL đất đai, muốn xây dựng đầy đủ và hoàn thiện hệ thống CSDL đất đai quốc gia thì việc xây dựng CSDL giá đất là yêu cầu không thể thiếu. Các dự án liên quan đến CSDL đất đai quốc gia, gồm: (1)Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP), gồm 9 tỉnh: Hà Nội (địa bàn Hà Tây cũ), Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long; (2) Dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL quản lý đất đai: Triển khai ở 63 tỉnh, thành nhằm hoàn thành mục tiêu cấp GCN QSDĐ và chuẩn hóa đồng bộ hệ thống hồ sơ địa chính trên cả nước; (3) Dự án xây dựng CSDL quốc gia về tài nguyên và môi trường: Thực hiện theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 do Cục Công nghệ thông tin chủ trì; (4) Dự án xây dựng CSDL quốc gia về đất đai (giai đoạn I: 2013-2015): Dự án đã được phê duyệt theo Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Dự án xây dựng CSDL quốc gia về đất đai (Huyền Trang, 2015).

Gần đây, Tổng cục Quản lý đất đai đã phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ thực hiện xây dựng mô hình hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (VIETLIS). Dự án VIETLIS là dự án nhằm tăng cường năng lực quản lý đất đai thông qua việc xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển hệ thống thông tin đất đai hiện đại, thiết kế và xây dựng mô hình thông tin đất đai đa mục tiêu, góp phần cung cấp các dịch vụ thông tin cho người dân, doanh nghiệp. Dự án được Tổng Cục Quản lý đất đai phối hợp với phía Hàn Quốc triển khai từ tháng 12/2013 - 02/2015, thí điểm thực hiện ở 3 địa điểm: Hà Nội (Tổng cục

Quản lý đất đai), tỉnh Bắc Ninh (huyện Từ Sơn) và TP Đà Nẵng (quận Hải Châu). Dự kiến về giai đoạn 2 của Dự án VIETLIS, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Chính phủ Hàn Quốc sẽ viện trợ không hoàn lại đối với Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực định giá đất và xây dựng hệ thống thông tin về giá đất, thực hiện từ năm 2016 - 2017. “Đây là một dự án rất cần thiết và có tính khả thi cao cho Bộ TN&MT. Do đó, Bộ TN&MT đề nghị phía KOICA ủng hộ và đưa dự án vào danh mục các dự án ưu tiên tài trợ cho Bộ TN&MT trong năm 2015 hoặc năm 2016” (Bộ TNMT, 2015).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng hệ thống thông tin địa lý xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trấn vân đình, huyện ứng hòa, TP hà nội (Trang 28 - 30)