Đặc điểm điều kiện tự nhiên và các nguồn tài nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng hệ thống thông tin địa lý xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trấn vân đình, huyện ứng hòa, TP hà nội (Trang 45 - 48)

PHẦN 4 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

4.1.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và các nguồn tài nguyên

4.1.1.1. Điều kiện tự nhiên

a. Vị trí địa lý

Thị trấn Vân Đình ngày nay được thành lập năm 2003 trên cơ sở sáp nhập thị trấn Vân Đình (cũ), xã Tân Phương, các thôn Hoàng Xá, Đình Tràng thuộc xã Liên Bạt và một phần thôn Hậu Xá thuộc xã Phương Tú...

Ngày 29/5/2008, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa VII thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, có hiệu lực từ ngày 01/8/2008. Theo đó, toàn bộ địa giới tỉnh Hà Tây sát nhập vào Hà Nội, thị trấn Vân Đình trở thành đô thị loại V trực thuộc huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

Thị trấn Vân Đình nằm ở phía Tây Nam trung tâm thủ đô Hà Nội, với diện tích tự nhiên khoảng 562,12 ha và 15.237 nhân khẩu phân bố trên năm khu phố là Lê Lợi, Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Đăng Ninh và bốn thôn là Hoàng Xá, Thanh Ấm, Vân Đình, Ngọ Xá, có vị trí tiếp giáp:

- Phía Đông giáp giáp với xã Phương Tú; - Phía Tây giáp sông Đáy và xã Đồng Tiến.

- Phía Nam giáp giáp xã Vạn Thái và xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); - Phía Bắc giáp xã Liên Bạt;

Hình 4.1. Sơ đồ vị trí thị trấn Vân Đình

Nhìn chung, thị trấn Vân Đình nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông với hệ thống đường bộ và đường thủy. Địa vực thị trấn trải dài trên quốc lộ 21B, tuyến đường nối Vân Đình với trung tâm Hà Nội và các huyện khác như Thanh Oai, Mỹ Đức rồi xuống Hà Nam, vào Hòa Bình. Phía bắc và phía nam thị trấn là đường 428 và 429A nối quốc lộ 21B với quốc lộ 1A; phía tây là sông Đáy, ngược lên đến sông Hồng và xuôi xuống sẽ ra biển. Vì vậy, thị trấn Vân Đình có điều kiện thuận lợi để giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng khác, đồng thời có ý nghĩa chiến lược về mặt chính trị và quân sự.

b. Đặc điểm địa hình

Địa hình nhìn chung tương đối bằng phẳng, theo bản đồ đo đạc 1/5000 thì độ chênh cao theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông.

+ Cốt cao nhất: + 9.0 m.

+ Cốt thấp nhất: + 2,3m.

+ Cốt cao trung bình: + (4,5m – 5,5 m).

Khu vực hai bên kênh Tân Phương và kênh Vân Đình có cao độ từ 3-3,5m trở xuống. Phía Tây thị trấn tiếp giáp với sông Đáy cao độ từ 3 -5m, có một đoạn đê sông Đáy dài khoảng 2,5 km chạy qua (cốt cao độ 8 - 9 m).

c. Đặc điểm khí tượng thủy văn

Khí hậu thị trấn Vân Đình mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Khí hậu cả năm khá ẩm, mùa đông chịu ảnh hưởng của những đợt gió mùa Đông Bắc. Khí hậu được chia thành hai mùa rõ rệt: mùa nóng đồng thời là mùa mưa, mùa lạnh cũng là mùa khô.

Về chế độ thủy văn, thị trấn Vân Đình chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Đáy và kênh Vân Đình, kênh Tân Phương. Hệ thống kênh, mương, ao, hồ lớn, nhỏ dày đặc trải đều trên toàn địa bàn nên đảm bảo vấn đề cấp nước và tưới nước cho mùa khô rất tốt. Tuy nhiên, mùa lũ, mực nước sông Đáy và kênh Vân Đình tăng cao tạo nên một thủy hệ nhiều bất lợi cho khu vực vào mùa lũ.

4.1.1.2. Tài nguyên thiên nhiên

a. Tài nguyên đất

Theo số liệu điều tra xây dựng bản đồ đất huyện Ứng Hoà do trung tâm Tài nguyên và Môi trường thuộc Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp năm 2015, huyện Ứng Hoà có 4 loại đất chính: Đất phù sa được bồi (Pb), đất phù sa không được bồi, không có tầng glây và loang lổ (P), đất phù sa glây (Pg), đất phù sa úng nước (P). Theo đó, thị trấn Vân Đình cũng chịu ảnh hưởng của mạng lưới kênh mương chính trên địa bàn huyện nên tài nguyên đất cũng chủ yếu là đất phù sa các loại.

Nhìn chung, thổ nhưỡng huyện Ứng Hòa nói chung và thị trấn Vân Đình nói riêng thích hợp cho các loại cây hàng năm như lúa, rau màu và có thể tiến hành thâm canh tăng vụ phục vụ phát triển nông nghiệp.

b. Tài nguyên nước

Hệ thống sông ngòi thị trấn Vân Đình gồm sông Đáy, kênh Vân Đình, kênh Tân Phương, và các hồ, ao, đầm… Nằm rải rác trong và ngoài khu dân cư có tác dụng điều tiết chế độ thuỷ văn.

c. Tài nguyên khoáng sản

Ứng Hòa nói chung và Vân Đình là địa phương nghèo khoáng sản, trên địa bàn huyện có một số loại khoáng sản sau:

- Than bùn: hiện nay chưa có kết quả thăm dò, nhưng theo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thì trên địa bàn huyện có một số vùng có than bùn, tuy nhiên chưa xác định được trữ lượng. Đây là nguồn nguyên liệu làm phân hữu cơ sinh học rất tốt cho trồng trọt.

- Cát xây dựng: có nguồn cát đen dồi dào của sông Hồng phục vụ cho xây dựng, nguồn phù sa cho cải tạo đất. Ngoài ra, nguồn đất bãi sông Hồng để sản xuất gạch xây cũng được coi là nguồn lợi đáng kể lâu dài, huyện có trên 300 ha, song việc sử dụng vào sản xuất vật liệu xây dựng cũng phải cần có quy hoạch, kế hoạch cụ thể kèm theo là các biện pháp bảo vệ đê điều và giữ gìn môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng hệ thống thông tin địa lý xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trấn vân đình, huyện ứng hòa, TP hà nội (Trang 45 - 48)