suất và năng suất
Năng suất là yếu tố hàng đầu trong sản xuất chè. Năng suất búp là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá tiềm năng kinh tế của một giống chè. Năng suất chè được cấu thành bởi hai yếu tố cơ bản là số búp và khối lượng búp. Ngoài yếu tố di truyền của giống, thì năng suất chè chịu ảnh hưởng chặt chẽ bởi mức độ thâm canh và việc đốn hái. Bổ sung dinh dưỡng hợp lý là một biện pháp quan trọng
nhằm nâng cao năng suất chè lên một cách đáng kể. Theo dõi các chỉ tiêu về năng suất chè cho kết quả thể hiện tại bảng 4.3.
Bảng 4.3. Ảnh hưởng tỷ lệ bón N,P,K đến một số yếu tố cấu thành năng suất và năng suất
Công thức Mật độ búp (búp/m2) Chiều dài búp (cm) Khối lượng búp (gam/búp) Số lứa hái (lứa/năm) Năng suất búp (tấn/ha) CT1(Đ/C) 115,86 6,97 0,63 6 5,86 CT2 119,71 7,17 0,67 6 6,03 CT3 132,57 7,81 0,75 6 6,26 CT4 125,25 7,40 0,72 6 6,12 LSD0,05 3,55 0,46 0,15 - 0,20 CV% 7,4 8,7 6,3 - 8,5
Kết quả bảng 4.3 cho thấy, các chỉ tiêu mật độ búp, chiều dài búp, khối lượng búp ở các công thức bón tỷ lệ N,P,K khác nhau đều cao hơn công thức đối chứng, trong đó công thức 3 có các trị số đạt cao nhất. Điều này dẫn đến công thức 3 có năng suất búp đạt cao nhất.
Mật độ búp: Các tỷ lệ bón N,P,K khác nhau ảnh hưởng tới mật độ búp cũng khác nhau có ý nghĩa. Các công thức có mật độ búp dao động từ 115,86 búp/m2- 132,57 búp/m2. Công thức 3 có mật độ búp cao nhất (132,57 búp/m2) cao hơn công thức 1 (115,86 búp/m2) ở mức độ tin cậy LSD0,05 = 3,55.Sau đó là công thức 4 (125,25 búp/m2) và công thức 2 (119,71 búp/m2). Thấp nhất là công thức 1 có mật độ búp đạt 115,86 búp/m2.
Chiều dài búp thể hiện khả năng sinh trưởng của búp. Búp sinh trưởng khỏe thì chiều dài búp lớn, búp nhanh được thu hoạch, năng suất búp cao. Búp sinh trưởng yếu thì chiều dài búp ngắn thời gian cho thu hoạch dài, năng suất giảm. Qua số liệu bảng 4.3, giữa các công thức phân bón khác nhau cho chiều dài búp ở công thức 3 có sự sai khác với công thức 1 (Đ/C) ở mức ý nghĩa 95%. Các công thức còn lại không có sự sai khác một cách chắc chắn. Chiều dài búp ở công thức 3 cao nhất đạt 7,81cm. Các công thức khác đều cho chiều dài búp cao hơn công thức đối chứng (CT1). Công thức 1 cho chiều dài búp thấp nhất (6,97cm).
Khối lượng búp do đặc điểm di truyền của giống quy định và một phần do kỹ thuật chăm sóc như sử dụng đúng loại phân bón, đúng kỹ thuật, đúng thời điểm
bón. Sự tăng kích thước của búp dẫn đến tăng phẩm cấp của chè nguyên liệu, làm cho năng suất chè tăng lên. Những giống có khối lượng búp lớn thì chè thành phẩm thường thô và không đẹp. Trong sản xuất chè xanh người ta thường chọn những giống có khối lượng không quá lớn. Khối lượng búp chè phụ thuộc vào số lá trên búp. Tiêu chuẩn hái khác nhau thì sản lượng thu được sẽ khác nhau. Khối lượng búp chè có liên quan đến mật độ và chiều dài búp theo tỷ lệ thuận. Qua bảng 4.3 cho thấy, giữa các công thức bón phân khác nhau không có sự sai khác một cách chắc chắn (LSD0,05=0,15). Các công thức thí nghiệm có khối lượng búp dao động từ 0,63gam/búp- 0,75gam/búp. Công thức 3 có khối lượng búp lớn nhất đạt0,75gam/búp, thấp nhất là công thức 1 (0,63gam/búp).
Theo dõi số lứa hái: Các công thức thí nghiệm đều có số lứa hái/năm ở các công thức như nhau đều đạt 6 lứa/năm.
Năng suất búp: Qua bảng số liệu cho thấy, năng suất có sự thay đổi khi ta thay đổi tỷ lệ bón N,P,K. Năng suất búp giữa các công thức dao động từ 5,86 tấn/ha đến 6,26 tấn/ha. Trong đó năng suất cao nhất ở công thức 3 đạt 6,26 tấn/ha, tiếp đến là công thức 4 (6,12 tấn/ha) và công thức 2 (6,03 tấn/ha). Công thức 3 và công thức 4 có năng suất búp cao hơn công thức 1 (Đ/C) có ý nghĩa ở mức độ tin cậy 95%. Công thức 1 và công thức 2 có sự chênh lệch về năng suất nhưng không có ý nghĩa. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Bình (2002), năng suất của các giống chè tương quan thuận, chặt với số lượng búp (r= 0,8901) và hệ số diện tích lá (r= 0,7128), tương quan thuận nhưng không chặt với khối lượng búp (r= 0,1022) và diện tích lá (r= 0,1009).
Như vậy, qua theo dõi các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất có chiều hướng tăng khi thay đổi tỷ lệ. Trong đó công thức 3 bón tăng tỷ lệ kali theo tỷ lệ 3:1:2 cho các trị số đạt cao nhất, nguyên nhân do có các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất cao hơn so với các công thức còn lại. Điều này phù hợp với nghiên cứu của Lin et al. (1991), bón tỷ lệ NPK hợp lý sẽ làm tăng năng suất và chất lượng nguyên liệu. Hiệu quả của việc bón tăng kali đến năng suất và chất lượng chè Olong rõ rệt hơn bón đạm và lân. Theo Su and Li (2005), cho rằng sử dụng phân kali làm cho năng suất chè tăng từ 8,3% – 16,7% so với không sử dụng phân kali, đồng thời tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh.