Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.5. Một số kết quả nghiên cứu phân bón cho chè trên thế giới và Việt Nam
2.5.2. Một số kết quả nghiên cứu phân bón ở Việt Nam
2.5.2.1. Phân bón hữu cơ
Hiện nay, đất trồng chè của Việt Nam rất nghèo chất hữu cơ, đất chua, hàm lượng các chất dinh dưỡng NPK tổng số và dễ tiêu đều rất nghèo. Muốn canh tác chè có hiệu quả cần phải thâm canh ngay từ khi bắt đầu trồng chè. Phân hữu cơ không thể thiếu khi thâm canh chè. Bón phân sao cho có hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, vừa không thiếu dinh dưỡng, không lãng phí khi đất bị rửa trôi xói mòn. Khi bón cùng một lượng phân nhưng ở thời điểm bón khác nhau chắc chắn hiệu quả sử dụng phân bón của mỗi giống chè sẽ khác nhau vì nhu cầu dinh dưỡng của từng giống là khác nhau.
Theo tác giả Lê Văn Đức (1997); Lê Văn Đức và Đỗ Văn Ngọc (2004), đất trồng chè ở Việt Nam phần lớn là đất feralit vàng đỏ được phát triển trên đá granit, gnai, phiến thạch sét và mica. Hiện nay đất trồng chè của Việt Nam rất nghèo chất hữu cơ, đất chua, hàm lượng các chất dinh dưỡng NPK tổng số và dễ tiêu đều rất nghèo. Muốn canh tác chè có hiệu quả cần phải thâm canh ngay từ khi bắt đầu trồng chè, bón phân hữu cơ là yêu cầu không thể thiếu khi thâm canh. Năm 1966 – 1969, Viện nghiên cứu chè Phú Hộ đã nghiên cứu cho thấy phân hữu cơ (phân ủ, cành lá chè đốn) đều có hiệu lực tăng năng suất chè đáng kể và cải thiện hóa lý tính đất trồng chè rõ rệt. Cành lá chè đốn tốt hơn cây phân xanh trồng xen giữa hàng chè.
Lê Tất Khương (1997), nghiên cứu biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng chè vụ đông xuân ở Bắc Thái, kết quả cho thấy, sản lượng chè có tủ bằng các chất hữu cơ có sẵn (rơm rạ, bồm, cẫng), tưới nước và tủ + tưới nước, của 3 tháng 10, 11, 12 tăng tương ứng từ 17% đến 110%. Tỷ trọng vụ chè đông xuân so cả năm, của đối chứng đốn ngày 25/12 không tưới ủ là 22,9%, có tưới là 32,2%; đốn 25/02 có tưới là 37,0%; đốn 25/04 có tưới là 56,7%… Đốn chè vào tháng 4 năm sau có tưới + ủ, sản lượng chè đông xuân thu trong 3 tháng 10, 11, 12 cao nhất đạt 2,271kg/ha so với đối chứng đạt 210,7%. Hiệu quả kinh tế lớn nhất vì chè bán trước tết với giá cao nên lãi lớn.
Theo Nguyễn Thị Ngọc Bình và Nguyễn Văn Toàn (2007), khi nghiên cứu thử nghiệm phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh cho cây chè Trung Du trồng tại Tân Cương, Thái Nguyên cho thấy 6 công thức có bón phân hữu cơ vi sinh đều làm tăng mật độ búp so với công thức đối chứng không bón phân vi sinh. Sự sai khác trong các nhóm công thức là có ý nghĩa. Trong đa số trường hợp khi thêm 30% lượng phân khoáng bằng phân hữu cơ tương ứng đều làm tăng mật độ búp ngoại trừ với trường hợp phân hữu cơ Fito.
Nguyễn Thị Ngọc Bình và cs. (2009), khi nghiên cứu sử dụng vật liệu hữu cơ che phủ cho một số loại hình chè Trung Quốc nhập nội cho thấy sử dụng vật liệu che phủ đã làm giảm lượng xói mòn đất đáng kể, hạn chế tối đa sự suy giảm độ phì đất từ đó làm tăng năng suất cũng như chất lượng chè.
Theo báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón NPK hữu cơ thế hệ mới (Grow-A02, Grow - Mix) và phân bón sinh học Bồ Đề 688 trên giống chè Phúc Vân Tiên tháng 8 năm 2012, kết quả cho thấy: Phân bón Grow-A02, Grow – Mix kết hợp với phân sinh học Bồ Đề 688 đã góp phần làm tăng mật độ búp, trọng lượng búp, từ đó làm tăng năng suất chè so với đối chứng từ 20,0 – 24,5%. Thành phần sinh hóa trong búp chè được cải thiện, hàm lượng tannin và chất hòa tan giảm so với đối chứng, còn hàm lượng axit amin, catechin và đường tổng số tăng hơn so với đối chứng. Kết quả đánh giá cảm quan đối với chè xanh đạt loại khá.
Hoàng Thị Lệ Thu và cs. (2013), cho rằng bón phân và đốn có ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất và chất lượng nguyên liệu chế biến chè Ô long. Bón 15 tấn phân chuồng + 5 tấn phân gà/ha/năm, đốn cao cách mặt đất 55 cm, cho chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chè Ô long đạt cao nhất.
Tác giả Trần Thị Tuyết Thu (2014), trong điều kiện sản xuất chè ở Phú Hộ để duy trì và cải thiện chất hữu cơ trong đất nên sử dụng tế guột ở mức 25 tấn/ha
và chu kỳ lặp lại sau 3 năm được xem là hợp lý nhất. Trong trường hợp sử dụng cành lá chè đốn nên áp dụng ở mức 15 tấn/ha với chu kỳ bón bổ sung hàng năm.
Theo Nguyễn Tử Siêm và Thái Phiên (1999), thí nghiệm về hiệu lực của phân chuồng và phân đạm đối với chè búp cho thấy bón phối hợp hai loại đã tăng năng suất chè lên 2 - 2,5 lần so với không bón.
Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Bình và cs. (2009), các phế phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu ở nước ta bao gồm vỏ trấu, lõi ngô, bã mía, mùn cưa, vỏ dừa, bã thải nhà máy đường, nhà máy sắn... Tổng sản lượng phế thải sinh khối hằng năm ở nước ta có thể đạt 8 - 11 triệu tấn. Trong đó, riêng công nghiệp mía đường khoảng 2,5 - 3 triệu tấn bã mía, 0,25 - 0,3 triệu tấn bùn mía. Công nghiệp cà phê mỗi năm tạo ra khoảng 0,2 - ,025 triệu tấn vỏ cà phê. Vùng Tây Bắc có tới 55.000 tấn đến 60.000 tấn mùn cưa từ việc khai thác và chế biến gỗ. Tính riêng lượng vỏ sắn thải ra từ các nhà máy sắn đóng trên địa bàn 3 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang mỗi năm lần lượt là 4.500 tấn; 11.000 tấn và 2.200 tấn.
Việc sử dụng phân hữu cơ có tầm quan trọng đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp, không những làm cho đất tơi xốp, dễ canh tác, giữ nước và chống được xói mòn, mà còn trả lại cho đất những phần dinh dưỡng mà cây lấy đi, giảm thiểu được việc lạm dụng phân bón hóa học, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn.
2.5.2.2. Phân bón đa lượng (NPK)
Năm 1969 - 1979, trại thí nghiệm chè Phú Hộ đã tiến hành làm thí nghiệm bón phân N, P, K cho chè. Theo tác giả Đỗ Ngọc Quỹ và Nguyễn Văn Toàn (2009), bón N và nhất là bón kali có tác dụng rất rõ đến việc làm tăng năng suất chè. Bón lân năng suất ít chênh lệch so với đối chứng, bón kali tăng pHKCl của đất.
Theo Phạm Kiến Nghiệp (1984), nghiên cứu mức bón phân đạm trên 2 giống chè Shan TB11 và TB14 ở vùng chè Bảo Lộc – Lâm Đồng đã kết luận với lượng bón đạm đơn độc với lượng cao (từ 100 – 400 kg N/ha) cho thấy: Lượng đạm bón tăng dẫn tới năng suất tăng theo, nhưng hiệu quả sử dụng 1kg N lại giảm và mức bón 400 kg N/ha hiệu quả giảm 33% so mức bón 100 kg N/ha.
Tác giả Vũ Cao Thái (1996), việc sử dụng phân bón cân đối là tiền đề duy trì năng suất cao và tiết kiệm phân bón. Sử dụng phân bón không cân đối có thể dẫn tới thoái hóa đất và suy giảm sức sản xuất của đất. Mục tiêu của sử dụng phân bón cân đối là tăng năng suất cây trồng, chất lượng nông sản, hiệu chỉnh sự
thiếu hụt các chất dinh dưỡng của cây trồng mà đất thiếu, duy trì, cải thiện độ phì nhiêu của đất.
Cây chè là cây thu hoạch búp lá do đó trong sản xuất hiện nay vẫn áp dụng cách tính lượng bón N cho chè theo tấn búp thu hoạch. Khi bón lượng đạm tăng dần từ 20N đến 40N/tấn sản phẩm, năng suất chè tăng ở mức có ý nghĩa; khi bón ở mức 35N đến 40N/tấn sản phẩm, lượng đạm càng tăng, tốc độ tăng năng suất giảm dần. Bón 35N/tấn sản phẩm với tỷ lệ N:P:K = 3:1:1 trên chè (sản xuất kinh doanh) ở mức trên 10 tấn/ha là thích hợp. Khi thay thế 80% đạm vô cơ bằng đạm hữu cơ cho chất lượng chè chế biến cao nhất, điểm thử nếm cảm quan đạt 16,37 điểm, nhất là hương thơm và vị của chè được cải thiện. Bón N:P:K:Mg tỷ lệ 3:1:1:0,3 trên nền phân ủ, tăng mật độ búp, giảm tỷ lệ búp mù xòe và năng suất chè tăng 15,93% so với đối chứng (Đ/C). Như vậy, bón phân NPK tỷ lệ 3:1:1 (35kg N/tấn sản phẩm), kết hợp với Mg và thay thế một phần đạm vô cơ bằng đạm hữu cơ, có ảnh hưởng tốt đến năng suất và chất lượng chè (Đỗ Văn Ngọc, 2006).
Canh tác chè ở nước ta trong thời gian qua do sử dụng lượng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học với mật độ quá lớn và trong thời gian quá dài, đặc biệt là bón quá nhiều đạm urê lên lá để rút ngắn thời gian thu hái đã làm cây chè bị suy thoái, tăng nguy cơ dư lượng chất độc hại trong sản phẩm, khiến chất lượng chè giảm mạnh. Không chỉ vậy, đất đai vùng chè từ đó cũng bị suy kiệt dinh dưỡng, độ chua và bạc màu tăng cao ảnh hưởng lâu dài đến quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn. Mặt khác, bón phân khoáng cân đối và bổ sung phân hữu cơ đều làm tăng sản lượng chè. Nhưng liều lượng NPK thích hợp cho nương chè còn phụ thuộc vào tính chất lý hóa của đất, tuổi chè và yếu tố tác động các các yếu tố sinh thái (Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Tạo, 2006).
Tác giả Đinh Thị Ngọ (1996), khi nghiên cứu ảnh hưởng của phân khoáng đến sinh trưởng, phát triển và chất lượng chè giống PH1, TH3, TRI-777 cho thấy: Các nguyên tố NPK có tác dụng tăng sinh khối có thể xếp thứ tự như sau: N>P>K. Tỷ lệ phối hợp N:P:K = 2:2:1 chè cho năng suất cao và hiệu quả kinh tế nhất. Cũng theo Đinh Thị Ngọ (2009), cho rằng khi bón phân NPK phối hợp cho chè Shan vùng thấp với tỷ lệ 3:1:2 và 3:1:1 cho năng suất cao. Nguyên liệu chế biến chè đen tỷ lệ phối hợp 2:1:2 và 3:2:1 cho chất lượng cao. Nguyên liệu chế biến chè xanh tỷ lệ phối hợp 2:1:2 và 3:1:2.
Nguyễn Xuân Cường (2010), nghiên cứu lượng bón N + P2O5 + K2O = 300 kg, được phối hợp NPK theo 4 tỷ lệ: 2:1:1; 3:1:1; 3:1:2; 3:2:1, cho hai giống chè Shan Chất Tiền và Phúc Vân Tiên 4 tuổi cho thấy: Tỷ lệ phối hợp 3:1:2 cho số búp trên cây, năng suất cao nhất và sản phẩm chè xanh cho chất lượng chè xanh ngon hơn (giống Shan Chất Tiền đạt 15,55 điểm, giống Phúc Vân Tiên đạt 17,74 điểm). Với sản phẩm chè đen bón phân theo tỷ lệ 3:2:1 cho chất lượng chè ngon hơn (đều đạt điểm cao, 17,55 điểm trên giống Shan Chất Tiền, 16,82 điểm trên giống Phúc Vân Tiên), trong đó điểm về hương và vị cao hơn các tỷ lệ phối hợp khác.
Ở Việt Nam vấn đề sử dụng phân khoáng cho chè còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn đất trồng chè rất nghèo dinh dưỡng, địa hình đa dạng và phức tạp, khả năng đầu tư phân bón cho chè còn hạn chế. Kỹ thuật bón phân cho chè của nông dân ở Việt Nam biến động rất lớn. Có một khoảng cách rất xa từ sự khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn so với thực tế bón phân cho chè của dân. Lượng đạm khuyến cáo bón cho chè chỉ dưới 200kg N/ha/năm, trong khi thực tế nông dân thâm canh có thể bón đến 400 – 500 kg N/ha/năm, có khi lên đến cả 1000 kg N/ha/năm và đạt năng suất rất cao (15 – 20 tấn chè búp/ha, tương đương 3 - 4 tấn chè thương phẩm). Phân kali được khuyến cáo bón rất cao nhưng nông dân lại bón rất thấp vì sợ chè ra nhiều quả.
Thông thường, cây trồng sau mỗi vụ thu hoạch hút đi từ đất tới 20 nguyên tố hóa học, nhưng trong các hướng dẫn khuyến nông hiện nay chủ yếu khuyến cáo người dân bón cân đối 3 loại dinh dưỡng đa lượng là N (đạm), P (lân) và K (kali) mà rất ít khi đề cập tới các yếu tố trung lượng và vi lượng vô cùng quan trọng khác như: Mg (magiê), Si (silic), Zn (kẽm), Fe (sắt), Cu (đồng)…Đặc biệt, địa hình canh tác cây chè chủ yếu là đồi núi dốc nên các khoáng chất hay bị rửa trôi vào mùa mưa và bị khoáng hóa vào mùa khô nên đất ngày càng nghèo dinh dưỡng do ít bổ sung phân chuồng, chất hữu cơ…
Nghiên cứu về ảnh hưởng của phân bón đối với cây trồng, hầu hết các tác giả chú trọng đến các loại phân đa lượng như N, P, K còn các loại phân trung lượng (Ca, Mg, S), kết quả nghiên cứu còn hạn chế.
Như vậy, bón phân là một trong những biện pháp kỹ thuật được thực hiện phổ biến, mang lại hiệu quả lớn, nhưng cũng chiếm phần khá cao trong chi phí sản xuất nông nghiệp. Nhu cầu phân bón đối với cây chè phụ thuộc nhiều vào độ tuổi
cây và năng suất thu hái hàng năm. Chè có khả năng hấp thu dinh dưỡng liên tục trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển. Bón phân hợp lý góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tạo điều kiện cải thiện đời sống và làm giàu cho nông dân.
Với mục tiêu bón phân cân đối và tỷ lệ thích hợp cho cây chè theo hướng nâng cao năng suất nhưng không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguyên liệu chè và giảm chi phí phân bón cho 1 tấn sản phẩm (chè búp). Một yếu tố quan trọng trong việc hạ giá thành, đang được những nhà sản xuất chè quan tâm.
Nghiên cứu về phân bón cho chè ở Việt Nam chưa có cho một giống chè cụ thể do đó cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về vấn đề sử dụng phân bón cho chè để áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
2.5.2.3. Phân bón trung lượng
Nghiên cứu về ảnh hưởng của phân bón đối với cây trồng, hầu hết các tác giả chú trọng đến các loại phân đa lượng như N, P, K còn các loại phân trung lượng (Ca, Mg, S), kết quả nghiên cứu còn hạn chế.
Tác giả Hà Thị Thanh Đoàn (2008), khi nghiên cứu ảnh hưởng của MgSO4 đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng của hai giống chè Shan Chất Tiền và LDP1, kết quả cho thấy khi bón NPK kết hợp với bón bổ sung 50 kg MgSO4/ha đối với giống chè Shan Chất Tiền (giai đoạn kiến thiết cơ bản) và giống chè LDP1 (giai đoạn sản xuất kinh doanh) đều làm tăng năng suất và chất lượng chè.
Theo Đỗ Văn Ngọc (2012), khi nghiên cứu ảnh hưởng của MgSO4 đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng giống chè Kim Tuyên khi bón 30 tấn phân hữu cơ + 1000 kg đậu tương + 75 kg MgSO4/ha chè để sản xuất nguyên liệu chè Ô long, về lượng bón và tỷ lệ bón NPK (3:1:2) với 30kg N/tấn sản phẩm đều làm tăng năng suất và chất lượng chè.
2.5.2.4. Phân vi lượng
Đối với đất trồng chè, một số nguyên tố như Cu, B, Mo, Zn, Mn ở tầng mặt thấp hơn tầng dưới chứng tỏ có xu thể suy giảm các nguyên tố này, cần chú ý bổ sung các dinh dưỡng này để duy trì độ phì nhiêu đất và nâng cao khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây chè (Nguyễn Văn Chiến, 2008).
Ở Việt Nam bước đầu đang nghiên cứu ảnh hưởng của một số nguyên tố vi lượng như Zn, B, Mo, Mn, Cu, đối với sự sinh trưởng và phát dục của chè,
hoặc dùng H3BO4 (0,02%) phun phối hợp với urê (2%) để trừ sâu và thúc đẩy sinh trưởng cho chè càng cho kết quả tốt.