ANH VŨ SƠN (NÚI KÉ T)

Một phần của tài liệu tài liệu thuyết minh mỹ tho châu đốc (Trang 78 - 79)

Núi Két tức Anh Vũ Sơn, người hành hương thì gọi là Núi Ông Két , là một ngọn núi nhỏ trong Bảy Núi, thuộc xã Thới Sơn huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Núi Két có hình khối tròn, cao 225m, dài và rộng hơn 1.100m. Núi ở phía đông thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 70km về hướng tây theo Quốc lộ 91 rồi rẽ qua tỉnh lộ 948. Núi được bao bọc bởi những ngọn núi khác như núi Dài, núi Đất, núi Trà Sư, núi Bà Đắc.

Được gọi là Núi Két vì ở độ cao khoảng một trăm mét, tính từ chân núi, bên vách phía tây gần trên đỉnh có một tảng đá khổng lồ nằm nhô ra, theo sự mường tượng của nhiều người, nó gần giống mỏ chim Két (tức chim anh vũ).

Ở quanh núi có các di tích và thắng cảnh như: Bửu Sơn Linh Tự, Bửu Minh Tự, Đình Thới Sơn... Đường lên đỉnh núi Két dài khoảng 600 mét, được xây bậc thang và đều có hành lang an toàn. Đi dần lên núi có các địa điểm đáng tham quan như: Sân Tiên, Giếng Tiên, điện Chư Thần, điện Phật Thầy, điện Phật Mẫu, điện Ngọc Hoàng, điện Huỳnh Long, điện Ba Cô, điện U Minh, điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi và tiêu biểu nhất là “mỏ ông Két” cùng với nhiều truyền thuyết dân gian... Ngoài ra, còn có một đường lên núi khác, đối diện với đình Thới Sơn...

Bên cạnh các nguồn lợi từ du lịch, hành hương, cây trái... núi Két còn có các nguồn lợi khác từ tài nguyên, như quặng kim loại molipden, đá granit sáng màu mịn hạt, đá quí (thạch anh ám khói, thạch anh tím) được tìm thấy trong các mạch pecmatic và nhiều mội nước khoáng...

Đình Thới Sơn tọa lạc gần chân Núi Két, là nơi được nhiều người tìm đến để thăm viếng.Đình do Phật Thầy Tây An tức Đoàn Minh Huyên (1807-1856), giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cùng với những tín đồ của ông xây dựng vào năm 1851, khi họ đến làng Xuân Sơn và Hưng Thới (nay là ấp Sơn Tây, xã Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang) khai hoang và canh tác.Ban đầu đình được

xây cất bằng cây rừng, mái tranh, vách lá, nền đất. Năm 1945 đình bị quân Pháp đốt phá. Năm 1956, đình được người dân dựng lại với khung sườn bằng gỗ, lợp ngói, nhưng lại bị bom đạn đánh sập.

Sau năm 1975, dân làng góp công, góp của xây dựng lại theo kiến trúc cổ lầu, ba bộ nóc, mái nhị cấp, lợp ngói Phú Hữu, tường xây, nền gạch men, bốn cột chính bằng bê tông cốt sắt có đường kính 60cm biểu trưng cho tứ chúng. Chung quanh đình còn có các công trình nhà khách, nhà bếp, bồn chứa nước...

Trước đình là cổng tam quan có mái che cổ kính. Sân đình có bàn thờ Tổ quốc, Thần Nông và các miếu thờ Sơn Quân, Bạch Mã, Chiến sĩ trận vong. Ngoài cổng là một hồ nước rộng chứa nước sinh hoạt cho cả vùng và cũng chính là nơi theo truyền thuyết, ông Đình Tây (đệ tử thân tín của Đoàn Minh Huyên) lén thả nuôi một con sấu hung dữ có tên Ông Năm Chèo.

Nội thất đình trang trí nhiều sắc màu, các khánh thờ chạm khắc công phu, sắc nét với các đề tài: Bát tiên, cuốn thư, hoa, điểu thú. Đình thờ Thành hoàng Bổn cảnh, trước hương án có cặp hạc đứng trên lưng qui chầu thần. Hai bên tả, hữu có các bàn đối xứng thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Có võ ca làm chỗ diễn tuồng hát bội trình thần vào các ngày đại lễ Kỳ yên.

Trước đây, đình còn là nơi dung chứa nhiều cán bộ cách mạng trong thời gian kháng Mỹ của dân tộc Việt. Đình Thới Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1999.

Ngoài đình Thới Sơn, chùa Thới Sơn, chùa Phước Điền (trại ruộng của Đoàn Minh Huyên ), mộ ông Bình Tây, mộ ông Bùi thiền sư (cũng là đệ tử của Đoàn Minh Huyên) đều được nhiều người viếng thăm, cúng bái khi đến tham quan núi Két

Một phần của tài liệu tài liệu thuyết minh mỹ tho châu đốc (Trang 78 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w