Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.8. Nội dung nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng công tác thanhtra
2.1.8.1. Công tác lập kế hoạch thanh tra
Định hướng chương trình thanh tra là văn bản xác định phương hướng hoạt động thanh tra trong 01 năm của ngành thanh tra do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Kế hoạch thanh tra là văn bản xác định nhiệm vụ chủ yếu về thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong 01 năm do thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra xây dựng để thực hiện định hướng chương trình thanh tra và yêu cầu quản lý của thủ trưởng cơ quan cùng cấp.
Việc xây dựng kế hoạch thanh tra do các cơ quan thanh tra chủ động tham mưu, đề xuất trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ, hướng dẫn cùa cơ quan thanh tra cấp trên, do yêu cầu về quản lý của thủ trưởng cơ quan. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm có vai trò quan trọng trong hoạt động chung của ngành thanh tra.
Ở cấp tỉnh, kết quả theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm và dự kiến kế hoạch thanh tra năm tiếp theo của các đơn vị, Thanh tra tỉnh chủ trì, điều phối kế hoạch thanh tra giữa các sở, ngành, huyện, thành phố để tránh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng, có căn cứ, cơ sở để bảo vệ quan điểm, nội dung trong Kế hoạch thanh tra phải được hết sức chú trọng, hạn chế tối đa sự khác biệt giữa dự thảo và kế hoạch chính thức. Điều đó giúp cho cơ quan thanh tra nâng cao vai trò, vị trí của mình trong việc tham mưu, giúp cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước, đồng thời tạo thế chủ động cho cơ quan thanh tra khi triển khai thực hiện theo kế hoạch thanh tra (Nguyễn Ngọc Thu, 2018).
2.1.8.2. Công tác thực hiện kết luận và xử lý sau thanh tra
Căn cứ vào báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra, sau khi xem xết giải trình của đối tượng thanh tra, chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký văn bản kết luận thanh tra, trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ các ý kiến trao đổi về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Kết luận thanh tra phải có sức thuyết phục, biệu hiện ở tính đúng đắn, khách quan và có giá trị thiết thực về kinh tế, xã
hội, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật để góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Theo Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/03/2015 quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, kết luận thanh tra là văn bản quan trọng nhất của cuộc thanh tra, phản ánh toàn bộ kết quả cuộc thanh tra, là đánh giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân được thanh tra; về các ưu điểm, nhược điểm của cơ chế, chính sách pháp luật được thực hiện trên thực tế; phát hiện được các sai phạm trong hoạt động quản lý; xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; từ đó có các biện pháp sửa chữa, khắc phục sơ hở, yếu kém, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm.
Kết luận thanh tra phải có các nội dung sau: đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra; kết luận về các nội dung thanh tra; xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có); các biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị các biện pháp xử lý.
Để giúp người ra quyết định thanh tra có được những đánh giá, nhận xét chính xác, khách quan đối với các nội dung đã tiến hành thanh tra, có được những kiến nghị xác đáng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Luật thanh tra qui định trong quá trình ra văn bản kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra báo cáo các vấn đề liên quan tới nội dung thanh tra; yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận thanh tra.
Sau khi kết luận thanh tra được ban hành, người ra quyết định thanh tra phải gửi kết luận thanh tra tới Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp và đối tượng thanh tra. Nếu thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước là người ra quyết định thanh tra thì kết luận phải được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp.
Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc công bố kết luận thanh tra hoặc gửi kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Trường hợp cần thiết có thể ủy quyền cho Trưởng đoàn thanh tra công bố kết luận thanh tra. Việc công bố kết luận thanh tra được lập thành biên bản.
Việc công khai quyết định thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 39, Luật Thanh tra năm 2010 và Điều 46 của Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ. Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp
pháp luật có quy định khác. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra. Việc công bố kết luận thanh tra phải được lập thành biên bản.
Theo Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ, kết luận và các giải pháp xử lý trong thanh tra sản phẩm của quá trình thanh tra, là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quyết định xử lý, hoàn thiện cơ chế quản lý, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tế. Nội dung kết luận, giải pháp xử lý về thanh tra có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạt động của cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra. Mặt khác, kết luận, giải pháp xử lý về thanh tra cũng là tiêu chuẩn để nhận xét, đánh giá chất lượng của cuộc thanh tra nói chung và khả năng thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn thanh tra, các thanh tra viên nói riêng. Vì vậy, khi thực hiện việc kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra phải hết sức thận trọng, khách quan, thực hiện đúng các nguyên tắc trong quá trình thanh tra nhưng cũng không được dập khuôn, máy móc, xa rời thực tế và đặc biệt không để tình cảm, vật chất chi phối...
2.1.8.3. Công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra
Ngày 10 tháng 9 năm 2015, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 05/2015/TT-TTCP quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Thông tư gồm 4 Chương, 23 Điều và có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2015. Thông tư quy định về trách nhiệm giám sát; nhiệm vụ và quyền hạn của người giám sát; quyền và nghĩa vụ của người được giám sát; nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục và việc xử lý kết quả giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 05/2015/TT-TTCP quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành thì quy định mục đích giám sát hoạt động Đoàn thanh tra như sau:
Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra nhằm theo dõi, nắm bắt việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và ý thức kỷ luật của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt. Việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra phải được tiến hành thường xuyên kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra; tuân theo pháp
luật, bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời; bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra; không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của Đoàn thanh tra.
Theo Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia Đoàn thanh tra căn cứ vào phạm vi, quy mô, tính chất và nội dung của cuộc thanh tra, quyết định tự giám sát, thành lập Tổ giám sát hoặc giao cho công chức thuộc thẩm quyền thực hiện việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra và chịu trách nhiệm về kết quả giám sát. Trong trường hợp quyết định tự giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra thì việc giám sát phải được thể hiện ngay trong quyết định thanh tra. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia Đoàn thanh tra có trách nhiệm giám sát công chức của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định. Nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra bao gồm: Giám sát việc chấp hành pháp luật của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra.
Về xử lý kết quả giám sát: căn cứ thông tin, báo cáo trong quá trình giám sát và Báo cáo kết quả giám sát, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm: xem xét, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền đối với những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của Tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để đôn đốc, chấn chỉnh hoạt động của Đoàn thanh tra nhằm đảm bảo mục đích, yêu cầu và tiến độ thanh tra; thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra. Trường hợp phát hiện Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao nhiệm vụ giám sát có vi phạm pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý hoặc chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu tội phạm. Kết quả giám sát là một trong những căn cứ để người ra quyết định thanh tra xem xét, ra kết luận thanh tra.
2.1.8.4. Công tác cán bộ
Cán bộ là một yếu tố quyết định thành công hay thất bại của mọi chủ trương, chính sách đúng, pháp luật đã ban hành. Do đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra luôn luôn được quan tâm, thể hiện trong cơ chế, chính sách, pháp luật từ khâu tuyển dụng, đào tạo và quản lý đã từng bước đáp ứng được yêu cầu đặt
ra trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ. Có thể nói đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra là một bộ phận quan trọng của nền hành chính nhà nước nói chung và của ngành thanh tra tỉnh Phú Thọ nói riêng.
Theo Quyết định số 2149/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ ngày 07/9/2015 về việc ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của thanh tra tỉnh Phú Thọ. Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra có tính chất quyết định chất lượng của nền hành chính và hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Do đó, mà nhu cầu chỉnh đốn và nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ thanh tra trong thời đại xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập hiện nay là cần thiết và đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra vững mạnh, chuyên nghiệp.
2.1.8.5. Công tác đào tạo, tập huấn
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã và đang được lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Thanh tra tỉnh đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những mặt công tác trọng tâm của ngành thanh tra nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức, viên chức góp phần xây dựng lực lượng, phát triển ngành Thanh tra vững mạnh, toàn diện.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức là quá trình truyền thụ kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ dưới các hình thức khác nhau như tham gia đào tạo, tham gia tập huấn cho cán bộ công chức, tập trung trang bị kiến thức cho lực lượng cán bộ thanh tra về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, quy trình nghiệp vụ thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng phù hợp với yêu cầu giải quyết có chất lượng công việc được giao; ngoài ra tạo điều kiện cho các cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra được tham gia học tập các khóa đào tạo sau đại học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Năng lực của cán bộ công chức phụ thuộc nhiều vào lượng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đã được trang bị. Chính vì vậy, chất lượng của công tác đào tạo bồi dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đội ngũ cán bộ công chức (Nguyễn Đức Hạnh và cs., 2017).