Tình hình đào tạo nghề ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện lục nam, tỉnh bắc giang (Trang 36 - 38)

ĐTN ở Việt Nam có lịch sử khá lâu đời, gắn liền với sự phát triển của các làng nghề, của sản xuất nông nghiệp. Hầu như ở bất cứ làng quê nào cũng có những dấu ấn của sự học nghề và dạy nghề. Sau này, cùng với sự phát triển và đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất, các nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ cũng đã được tổ chức đào tạo. Tuy nhiên, ĐTN có tính hệ thống và gắn với sản xuất công nghiệp chỉ thực sự bắt đầu, kể từ khi hình thành Tổng cục Đào tạo Công nhân kỹ thuật năm 1969. Từ đó đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ĐTN đã khẳng định được vai trò của mình trong việc tạo ra một đội ngũ lao động kỹ thuật cho các ngành kinh tế quốc dân và để lại một số dấu ấn trong quá trình phát triển của lĩnh vực này (Nguyễn Việt Hải, 2014).

Phạm vi của các chương trình ĐTN ban đầu và đào tạo nâng cao hiện nay đều chưa thể đáp ứng được nhu cầu và định hướng trong tương lai, và có xu hướng không linh hoạt. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được những vấn đề này và đã nỗ lực đáng kể nhằm cải cách và mở rộng hệ thống ĐTN về:

+ Cơ chế cấp tài chính hiệu quả.

+ Tổ chức hợp tác với các doanh nghiệp. + Sử dụng và bảo dưỡng trang thiết bị hiện đại.

+ Biên soạn chương trình đào tạo theo định hướng thị trường. + Đào tạo các nhân viên quản lý và giảng dạy có năng lực. + Trao đổi kinh nghiệm trong mạng lưới đào tạo quốc tế.

+ Đối thoại trong, liên khu vực và nâng cao tính minh bạch.

Việc tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề, định hướng theo nhu cầu được coi là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình cải cách (hiện đại hoá, phát triển, hội nhập vào nền kinh tế thế giới, hỗ trợ tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo). Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 26% vào năm 2010 lên 50% vào năm 2020 (Chiến lược của Bộ LĐ-TB&XH). Việc Luật Giáo dục được thông qua vào năm 2005 và Luật Dạy nghề được thông qua vào năm 2006 đã tạo cơ sở vững chắc cho việc tiếp tục xây dựng các quy định và chức năng điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cũng như vai trò của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhìn chung trình độ chuyên môn của LĐNT chưa cao. Hiện lao động có việc làm và kỹ năng chuyên môn chỉ chiếm 16,8%, còn lại 83,2% là lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình độ kỹ thuật chuyên môn. Thêm vào đó, hầu hết các thị trường lao động vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và ở ba vùng kinh tế trọng điểm. Ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, thị trường lao động lại chưa phát triển nên dẫn đến thực trạng là nơi thừa, nơi thiếu lao động, hoặc làm trái ngành, trái nghề. Công tác dạy nghề được chuyển đổi theo hướng gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường lao động, ĐTN cho lao động khi doanh nghiệp cần. Quy mô ĐTN được mở rộng, số học sinh được ĐTN dài hạn và ngắn hạn không ngừng tăng lên hàng năm.

Quy mô đào tạo dạy nghề trong những năm qua tăng nhanh, chỉ tiêu đào tạo bình quân hàng năm tăng 20%. Quy mô tuyển sinh dạy nghề trong 3 năm - từ năm 2006 đến 2008 là 4,3 triệu người (năm 2008 là 1,54 triệu người), trong đó LĐNT chiếm 52%. Tuy nhiên, các ngành nghề nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 5% số học sinh. Số LĐNT được học nghề ngắn hạn và sơ cấp nghề bằng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 81/2005/QĐ-TTg giai đoạn 2006-2008 là 990.000 người. Nhiều địa phương đã khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể dạy nghề cho LĐNT, nhất là lứa tuổi thanh niên nhằm phát triển các nghề truyền thống. Bình quân hàng năm, các Làng nghề đã đào tạo được thêm việc làm cho khoảng 250.000 lao động. Riêng các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 3 năm từ năm 2006-2008 đã tuyển sinh được 120.322 người, trong đó quy mô tuyển sinh năm 2008 là 48.000 học sinh, LĐNT chiếm trên 85%.

Không thể phủ nhận được những thành quả của công tác ĐTN cho lao động mang lại. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là thời gian qua, số lượng và chất lượng dạy nghề cho lao động, đặc biệt là dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, LĐNT qua ĐTN cũng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng kinh tế (đồng bằng sông Hồng: 19,4%; đồng bằng sông Cửu Long: 17,9%; Tây Bắc: 8,3%). Cùng với số lượng, chất lượng công tác dạy nghề cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trình độ chuyên môn của người học sau khóa học còn hạn chế, chưa hình thành được một đội ngũ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng với yêu cầu thị trường và hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại.

Năng lực hệ thống các trường đào tạo và dạy nghề còn nhiều hạn chế, mạng lưới cơ sở dạy nghề nói chung tuy đã phát triển nhưng lại tập trung chủ yếu ở vùng đô thị. Ở khu vực nông thôn và miền núi, vùng sâu vùng xa, số lượng cơ sở dạy nghề rất ít. Đến nay, cả nước còn 253 huyện chưa có trung tâm dạy nghề; 31% phòng học và 20,7% số nhà xưởng thực hành của các cơ sở dạy nghề là nhà cấp 4, nhà tạm, tập trung chủ yếu ở các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý, các tỉnh khó khăn, huyện nghèo. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cho LĐNT còn thiếu về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, chất lượng còn hạn chế. Hiện nay, có 42 trung tâm dạy nghề không có giáo viên cơ hữu; 39 trung tâm dạy nghề chỉ có 1 giáo viên cơ hữu; 100 trung tâm có từ 2-3 giáo viên cơ hữu. Ngoài ra, các cán bộ quản lý dạy nghề ở một số cơ sở dạy nghề chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, thiếu kinh nghiệm quản lý. Những năm qua, công tác dạy nghề cho LĐNT chỉ mới tập trung vào đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, chưa quan tâm đến dạy nghề nông nghiệp; Chương trình đào tạo cùng với điều kiện thực hành còn hạn chế dẫn đến chất lượng đào tạo chưa cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện lục nam, tỉnh bắc giang (Trang 36 - 38)