Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện kế toán quản trị tại Công ty
4.3.2.1. Hoàn thiện việc phân loại chi phí sản xuất phục vụ yêu cầu quản trị tại Công ty
Việc phân loại chi phí như hiện nay của Công ty chủ yếu chỉ phục vụ cho việc tập hợp chi phí, tính giá thành sản xuất toàn bộ và cung cấp thông tin để lập Báo cáo tài chính. Như vậy, các thông tin về chi phí phát sinh chỉ đơn thuần là thông tin quá khứ và được xem xét độc lập. Do đó, để tăng cường giá trị của thông tin về chi phí sản xuất làm cơ sở cho việc tập hợp, lập các báo cáo quản trị thì Công ty phải tiến hành phân loại, nhận diện chi phí theo các góc độ khác nhau.
- Thực hiện phân loại chi phí theo mối quan hệ giữa chi phí với mức độ hoạt động (đối với Công ty Cổ phần Dược vật tư y tế Thái Bình, mức độ hoạt động chính là sản lượng thuốc sản xuất mỗi kỳ):
Theo phương pháp này, chi phí sản xuất của Công ty bao gồm chi phí cố định, chi phí biến đổi và chi phí hỗn hợp. Cụ thể, trong chi phí sản xuất, biến phí thường bao gồm Chi phí NVLTT (như Acid Boric, tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế, muối,...), chi phí NCTT (lương, các khoản trích theo lương cho công nhân trực tiếp sản xuất) và biến phí SXC (các loại công cụ dụng cụ, nhiên liệu dùng tại PX sản xuất); định phí là phần định phí SXC (khấu hao máy móc, thiết bị sản xuất, khấu hao nhà xưởng...), chi phí hỗn hợp là các khoản chi phí phát sinh mà bản thân nó bao gồm cả yếu tố biến phí và định phí (chi phí dịch vụ mua ngoài về điện, nước phục vụ sản xuất sản phẩm).
Phân biệt được định phí và biến phí, Công ty có thể xây dựng mô hình về chi phí – khối lượng – lợi nhuận, và xây dựng được dự toán chi phí hợp lý ứng với mọi
mức hoạt động theo dự kiến. Qua đó, nhà quản trị Công ty có được nguồn thông tin thích hợp phục vụ cho việc ra các quyết định sản xuất kinh doanh và là cơ sở để xác định các phương hướng nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí sản xuất.
- Thực hiện phân loại chi phí theo thẩm quyền ra quyết định: chi phí sản xuất được chia thành 2 loại là chi phí kiểm soát được và chi phí không kiểm soát được. Như vậy, với những khoản chi phí như chi phí khấu hao TSCĐ, Công ty thực hiện khấu hao TSCĐ theo đường thẳng và cố định mức trích khấu hao tính vào chi phí theo các tháng là như nhau. Đối với các khoản chi phí như chi phí về điện, nước, chi phí nguyên vật liệu hay chi phí về nhân công là những chi phí kiểm soát được. Các khoản chi phí này lượng phát sinh tại các kỳ có thể khác nhau nhưng nhà quản trị có thể kiểm soát được thông qua các phiếu xuất kho NVL, Bảng thanh toán lương hay các hóa đơn, phiếu thanh toán dịch vụ mua ngoài... Từ sự kiểm soát này có thể tiến hành so sánh lượng phát sinh từng kỳ; từ đó, phân tích, đánh giá nhằm đề xuất được các giải pháp sử dụng tiết kiệm chi phí.
Việc phân loại này giúp các cấp quản lý tại Công ty, đặc biệt là tại Phòng Kế hoạch lập dự toán chi phí đúng đắn hơn, ngoài ra, nhà quản trị cấp cao có thể tăng cường các chi phí kiểm soát được cho từng PX, phân cấp quản lý chi phí sản xuất rõ ràng hơn để nâng cao trách nhiệm sử dụng hiệu quả chi phí trong toàn Công ty.