Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.4. Tình hình ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tại Việt Nam
2.4.3. Tình hình ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn
Ngộ độc thực phẩm luôn là “hàn thử biểu” quan trọng để đánh giá tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ trên thế giới. Chẳng hạn như tại Mỹ, theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, hàng năm tại Mỹ có tới 76 triệu người ngộ độc thực phẩm, trong đó 325.000 người nhập viện cấp cứu và khoảng 5 ngàn người tử vong, với mức chi phí khắc phục trung bình tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tại Nhật Bản, trung bình hàng năm có tới 2.000 vụ ngộ độc với hơn 50.000 người bị ngộ độc cấp tính do lương thực, thực phẩm, nếu tình bình quân cứ 100 ngàn dân thì có 40 người bị ngộ độc thực phẩm. Tại các nước phát triển, thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn đã làm thiệt mạng gần 2 triệu trẻ em mỗi năm.
Theo Trần Đáng (2006), lịch sử y học cũng đã ghi lại nhiều vụ dịch do thực phẩm gây nên tổn thất nghiêm trọng đến sức khỏe con người và thiệt hại nặng nề về kinh tế: Vụ đại dịch tả năm 1892 ở Hamburg (Đức) có gần 17.000 bệnh nhân, chết hơn 8.000 người; vụ dịch viêm gan E năm 1955-1956 ở New Dehli (Ấn Độ) đã có 29.000 người mắc.
Tại Nhật Bản có 2 sự kiện làm chấn động dư luận không chỉ trong nước Nhật mà cả khu vực và thế giới: Thứ nhất là dịch bệnh Minamata phát sinh do con người ăn các loại cá tích tụ chất độc là thủy ngân hữu cơ ở vịnh Minamata thuộc tỉnh Kumatomo do chất thải của các nhà máy thải ra, được phát hiện năm 1955, đến nay đã có hai vụ dịch lớn, với vài ngàn người bị bệnh. Thứ hai là vụ sữa Snow Brand bị ô nhiễm, làm cho 14.000 người bị bệnh. Công ty sữa phải bồi thường cho 4.000 nạn nhân với 20.000 yên cho 1 người trong 1 ngày.
Vào tháng 1/2001, dịch bò điên (BSE) lại bùng lên ở châu Âu: Đức đã chi gần 1 triệu USD, Pháp hơn 6 tỷ France, EU chi phí cho biện pháp đề phòng BSE mất hơn 1 tỷ USD. Vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2001, dịch bệnh “lở mồm long
móng” ở châu Âu lại bùng lên dữ dội, các nước EU chi cho hai biện pháp “giết bỏ và cấm nhập” để phòng ngừa lây lan bệnh, đã lên đến gần 500 triệu USD.
Chi phí cho một ca ngộ độc thực phẩm cũng rất tốn kém: Ở Mỹ là 1.531 USD, ở Anh là 789 USD, ở Úc là 1.679 USD.
Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm do Salmonella nhiễm trong bơ đậu phộng tại 43 bang của Mỹ với hơn 500 người mắc bệnh, 108 người phải nhập viện và 8 người đã tử vong (Fox Maggie, 2009).
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục VSATTP từ năm 2000 đến 18/3/2009 cả nước có 1.831 vụ ngộ độc thực phẩm với 49.995 người mắc, 499 người chết. Tính trung bình từ 2000 đến 2007, mỗi năm có khoảng 181 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra với khoảng 5.211 người mắc và khoảng 48 người chết. Số liệu về ngộ độc thực phẩm trên thực tế còn cao hơn rất nhiều so với số liệu Cục VSATTP công bố vì ở nước ta chưa có hệ thống dự báo và điều tra một cách hiệu quả và chính xác sự nhiễm độc thực phẩm.
Con số 8 triệu người ngộ độc thực phẩm mỗi năm - đây là công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam. Nếu tính chi phí 1 ca mất 1.531 USD như Mỹ, thì tổn thất ở nước ta do ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm mỗi năm là 12.248 triệu USD. Tuy nhiên con số này được phát hiện là do báo cáo từ các bệnh viện, và các vụ ngộ độc tập thể được biết đến. Và chỉ bằng 1% số người ngộ độc thực phẩm trên thực tế (P.Thanh, 2009).
Việc giảm thấp số vụ và số người ngộ độc thực phẩm luôn là mục tiêu hàng đầu của tất cả các quốc gia, nhằm bảo vệ nhân dân đồng thời tránh được những khoản tiền tiêu tốn vô ích đối với ngân sách nhà nước và gia đình. Ở nước ta, mục tiêu này đã được đặt ra cụ thể cho từng năm và cho cả giai đoạn 5 năm. Ví dụ năm 2005 phải giảm 30% vụ ngộ độc hàng loạt và phải giảm 30% số tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Bảng 2.1. Tình hình ngộ độc thực phẩm ở nước ta từ 2011 đến 2016
Năm Số vụ ngộ độc Số nạn nhân Số người tử vong
2011 148 4700 27 2012 168 5541 34 2013 163 5000 28 2014 131 4300 30 2015 171 4965 23 6 tháng đầu năm 2016 53 2187 4
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tính từ 17/12/2015 đến 17/6/2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 53 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 2187 người bị ngộ độc, trong đó 04 trường hợp tử vong.
Từ thực tế trên, để đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm, Nhà nước và các địa phương, ban ngành đoàn thể cần phải duy trì thường xuyên các hoạt động trong chiến dịch tuyên truyền giáo dục Luật ATTP đến từng cơ sở, từng tổ chức và cá nhân đang sản xuất kinh doanh thực phẩm; tăng cường quản lý, thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP "từ trang trại đến bàn ăn". Có như vậy chúng ta mới hy vọng thiết lập được một thị trường thực phẩm an toàn.