6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
3.2.2. Giải pháp gia tăng các nguồn lực NTTS
a. Về đất đai NTTS
Qua phân tích thực trạng 05 năm (2011-2016), diện tích NTTS tăng 22,3% (tương ứng tăng 116 ha), để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch tăng từ 737 ha lên 881 ha, tăng 244 ha (tương ứng 38,3% so với năm 2016) thì cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả. Trước hết cần tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích đất, mặt nước NTTS; UBND tỉnh sớm có chính sách giao đất, mặt nước NTTS tương tự như đất nông nghiệp; chính sách để khuyến khích việc chuyển đổi, tích tụ đất đai, mặt nước để hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất thâm canh. Bên cạnh đó cần có chính sách đầu tư khai thác mặt đất, mặt NTTS chưa được sử dụng, đặc biệt là đất ruộng trũng, đất trồng lúa năng suất thấp, diện tích mặt nước của hồ chứa để tạo điều
kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực thủy sản.
Riêng đối với các huyện điều kiện địa hình khó khăn, diện tích NTTS giai đoạn 2011-2016 tăng trưởng chậm (như huyện Kon Rẫy, huyện TuMơRông, huyện Đăk Glei) cần nâng cấp, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu nông nghiệp kết hợp NTTS, từ đó khuyến khích hộ gia đình phát triển diện tích ao hồ nhỏ. Các huyện tiếp giáp thủy điện Ialy, Plei Krông như Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Ia H’Drai, và Thành phố Kon Tum cần chú trọng phát triển NTTS ở vùng bán ngập lồng hồ, từ đó nhằm gia tăng diện tích NTTS ở những địa phương này.
b. Về lao động NTTS
Qua đánh giá thực trạng nguồn nhân lực NTTS, ta thấy tỷ lệ lao động làm nông lâm ngư nghiệp là 63,9% số lao động trên địa bàn, trong khi đó tỷ lệ lao động NTTS rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 0,2% số lao động trên địa bàn. Vì thế để thu hút nguồn nhân lực NTTS, cần có các chính sách hỗ trợ, thu hút phù hợp để thu hút người làm việc có trình độ, cán bộ quản lý ngành thủy sản giỏi cho địa phương. Bên cạnh đó tỷ lệ người lao động thất nghiệp ở nông thôn hiện nay 0,41%, tỉnh cần thu hút lực lượng lao động này, mà trước hết là quan tâm hỗ trợ đào nghề NTTS, để làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở NTTS.
Hiện nay, tỷ lệ người chưa qua đào tạo NTTS hiện nay còn khá cao (32%), cần có giải pháp hiệu quả để giảm mạnh, và tăng tỷ lệ qua đào tạo nhiều hơn nữa. Muốn thế UBND tỉnh liên kết với các trường Đại học Đà Nẵng, trường Cao đẳng Kinh tế Kon Tum thường xuyên tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng. Các hình thức đào tạo có thể là đào tạo chính quy tập trung, đào tạo tại chức, đào tạo ngắn hạn, đào tào từ xa, tập huấn, phát tài liệu... Nội dung, chương trình đào tạo phải bám sát thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu của mục đích sử dụng lao động. Nội dung đào tạo phải bao gồm cả trang bị
kiến thức lý luận và kỹ năng thực hành cho các học viên. Tập trung đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ NTTS. Xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh theo hướng cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu về lao động trong các ngành nghề nói chung và NTTS nói riêng, bảo đảm hợp lý giữa đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực các vùng trong tỉnh; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý; Kết hợp hài hòa giữa đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó cần quan tâm nâng cao nhận thức của người nuôi. Bởi đặc điểm nuôi trồng thuỷ sản hiện nay phổ biến ở tỉnh Kon Tum là hộ gia đình, nên họ cần chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, lâm, ngư của tỉnh để tổ chức các lớp tập huấn, từ đó nắm bắt quy trình kỹ thuật, nắm vững các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tài nguyên nước, đất đai, về sản xuất sản phẩm đảm bảo VSATTP.
c. Về vốn NTTS
Từ đánh giá thực trạng nguồn lực về vốn giai đoạn 2011-2016, ta thấy vốn đầu tư hàng năm có tăng, nhưng chậm, theo số liệu năm 2016 chỉ mới đạt 54% kế hoạch. Để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành NTTS giai đoạn 2017-2020 là 8%, theo Sở NN & PTNT tỉnh cần nguồn vốn 220 tỷ đồng, tăng 79 tỷ đồng so với năm 2016 (tăng 56%). Vì thế cần huy động tối đa các nguồn vốn tại địa phương, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn uỷ thác đầu tư tạo nguồn vốn ổn định và lâu dài đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho phát triển NTTS. Vốn thực hiện quy hoạch được huy động từ nhiều nguồn: nguồn ngân sách các cấp, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, vốn của các thành phần kinh tế. Trong đó vốn ngân sách cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng NTTS tập trung, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả và phù hợp với quy hoạch; đầu tư nâng cấp các vùng đảm bảo điều kiện nuôi thâm canh, an toàn sinh học, áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến; công tác xúc tiến thương mại, xây dựng
thương hiệu cho sản phẩm thủy sản, công tác đào tạo nguồn nhân lực… Vốn của các thành phần kinh tế đầu tư nội đồng, hệ thống ao nuôi đảm bảo các điều kiện kỹ thuật và các quy trình nuôi tiên tiến trong NTTS.
d. Mở rộng hệ thống cung ứng giống cho NTTS
Hiện nay, chất lượng con giống được xem là yếu tố quan trọng nhất trong kỹ thuật nuôi, giống quyết định năng suất, hiệu quả NTTS. Từ thực trạng dịch vụ cung ứng giống NTTS, ta thấy thời gian tới tỉnh Kon Tum cần phát triển mạnh các cơ sở cung ứng giống NTTS cả về số lượng và nâng cao chất lượng. Để đảm bảo tự cung ứng 100% nhu cầu cá giống trên địa bàn, cần củng cố, mở rộng các cơ sở hiện có và phải khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thêm cơ sở ương nuôi cá giống.
Nâng cấp, củng cố các cơ sở ươm cá hiện có. Trước hết là duy trì và nâng cấp Trại cá giống nước lạnh Măng Đen để đảm bảo cung ứng 100% số cá giống nuôi nước lạnh trên địa bàn. Bên cạnh đó sớm củng cố tổ chức lại sản xuất Trại cá giống Đăk La theo hướng phân định rõ chức năng nghiệp vụ, chức năng kinh doanh nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, phấn đấu đến năm 2020 Trại giống cá Đăk La thành trại giống nước ngọt cấp I. Trại giống cá Đăk La là trại cá giống chủ lực trên địa bàn tỉnh, đủ khả năng làm tốt công tác chọn giống, thuần hoá và phát triển đàn cá bố mẹ có chất lượng cao để cung cấp đàn cá bố mẹ hiện có trong tỉnh, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sản xuất các đối tượng mới phù hợp với nhu cầu địa phương và đây cũng là nơi nghiên cứu, thực tập, tập huấn đội ngũ công nhân kỹ thuật. Đồng thời khuyến khích các cơ sở hộ gia đình ươm cá giống mở rộng quy mô để tăng sản lượng cá giống hàng năm. Hình thành một số điểm cá giống chất lượng tốt ở các huyện, nhất là các huyện có khả năng phát triển ngành NTTS trong thời gian tới như Huyện Sa Thầy, Huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô để đủ điều kiện tự đảm bảo con giống tại chỗ.
Để tránh phát triển tự phát cần làm tốt công tác quy hoạch vùng, điểm ươm nuôi cá giống; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ cung ứng giống và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong việc chuyển giao, sản xuất, ươm dưỡng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện quy trình sản giống và ươm nuôi, quy trình chọn lọc cá thể bố mẹ có chất lượng tốt để tăng cường chất lượng đàn cá giống, tiếp nhận các công nghệ sản xuất giống.