6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.4. KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG VỀ QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG XNK
1.4.1. Kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển bền vững Việt Nam trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 theo quyết định số 815/QĐ-UBND trong đó có việc xây dựng danh mục các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao sẽ trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố. Tại TP.HCM, hoạt động đa dạng hóa thị trường XK cũng đang diễn ra mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đã tăng mạnh ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường mới như châu Phi, châu Mỹ… Các thị trường mới không những giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn giúp DN đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc nhiều vào một số thị trường truyền thống. Cùng với việc đa dạng hóa thị trường NK, hoạt động phát triển đầu tư nguyên liệu hỗ trợ của TP.HCM đang dần được hình thành và thay thế dần hàng NK. Nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có xu hướng giảm dần, các DN trong nước đang dần hình thành chuỗi liên kết giữa DN sản xuất hàng XK với DN sản xuất nguyên phụ liệu theo đó giá trị gia tăng trên sản phẩm XK tăng lên. Hiện TP.HCM đang dẫn đầu cả nước về giá trị gia tăng đối với hàng XK (hiện chỉ số này của thành phố vào khoảng 18-20% trong khu các địa phương khác chỉ ở mức từ 5-8%).
TP.HCM đã tập trung triển khai Quyết định số 4181/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 về ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; giữ vững thị trường xuất khẩu đi đôi với phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong nước.
Điều làm nên ấn tượng thời gian qua tại TP.HCM là trong khoảng thời gian khó khăn, các DN đã có nhiều cố gắng trong việc giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách triển khai áp dụng mô hình sản xuất, tham gia tích cực các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại của các bộ, ngành, đặt văn phòng đại diện ở các thị trường XK tiềm năng... TP.HCM còn là đầu mối lớn về logistics toàn quốc, phát triển logistics đã đem lại giá trị gia tăng cao cùng với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
1.4.2. Kinh nghiệm của tỉnh Bắc Ninh
Bắc Ninh trong hơn 20 năm qua đã triển khai vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp. Mặc dù là địa phương có diện tích nhỏ nhất trong cả nước nhưng lại đứng thứ hai toàn quốc về quy mô sản xuất công nghiệp. Theo đánh giá của Bộ Công thương, Bắc Ninh là một trong những địa phương điển hình ở khu vực phía bắc trong thời gian qua đã tạo được bước phát triển ấn tượng trên cơ sở tập trung vào khai thác những ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Tính đến năm 2016 tỉnh đã có 928 dự án với tổng số vốn đăng ký sau điều chỉnh là 12,3 tỷ USD, với những tập đoàn
kinh tế lớn trên thế giới như Samsung, Canon, Microsoft… Trong đó KCN Yên Phong trở thành KCN lớn nhất của cả nước tính theo giá trị thu hút vốn đầu tư, giá trị sản xuất và xuất khẩu. Về mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh, nhiều mặt hàng đã vươn tới thị trường khắt khe như Nhật, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu, châu Mỹ, khu vực châu Phi… Các mặt hàng XK của tỉnh gồm 2 nhóm hàng công nghiệp - thủ công mỹ nghệ và nhóm hàng nông lâm sản. Đặc biệt việc xuất hiện nhiều mặt hàng mới có hàm lượng công nghệ và chất xám cao là điện tử, đồ điện dân dụng đã đưa kim ngạch XK của tỉnh tăng mạnh. Công ty Samsung Việt Nam và Công ty TNHH Canon chiếm khoảng 98% kim ngạch XK của tỉnh. Đây là những doanh nghiệp biết phát huy lợi thế về vốn, trình độ khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ nên kim ngạch không ngừng tăng mạnh. Đối với nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, tỉnh Bắc Ninh hiện có nhiều làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, các sản phẩm ở đây được chế tạo theo mẫu mã truyền thống mang đậm dấu ấn nghệ thuật với các sản phẩm được chạm, khắc, trang trí đa dạng như: bàn, ghế, tủ, sập… Đây là nhóm hàng được đánh giá rất cao, có thế mạnh, tiềm năng XK [18].
Thông qua việc cải cách hành chính trong xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đến nay, có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh, trong đó tập trung ở các quốc gia: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Trong số các quốc gia đầu tư tại Bắc Ninh, Hàn Quốc đang giữ vị trí quán quân với hơn 400 dự án, chiếm hơn 72% tổng vốn FDI đăng ký của tỉnh [25]. Nhờ hoạt động hiệu quả, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Bắc Ninh đóng góp ngày càng lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Với quan điểm coi các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh là công dân của Bắc Ninh, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là công tác cải cách hành chính. Bắc Ninh xác định cải cách hành chính trong thu hút đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng để tạo môi
trường thuận lợi thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Tại hội nghị doanh nghiệp hàng năm, tỉnh tổ chức lấy ý kiến thăm dò doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đánh giá về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính, những khó khăn cần tháo gỡ, đồng thời đánh giá được chất lượng đội ngũ cán bộ công chức qua việc tiếp xúc và giải quyết công việc với các doanh nghiệp.
1.4.3. Tổng quan kinh nghiệm của các địa phương
Nghiên cứu chính sách, công cụ quản lý XNK của các địa phương nói trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm và bài học cho thành phố Đà Nẵng như sau:
- Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ, thành phố phải nhanh chóng nắm bắt được cơ hội phát triển có lợi, ban hành chính sách và điều chỉnh chiến lược xuất nhập khẩu phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thành phố.
- Đẩy mạnh thu hút vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) để tranh thủ chuyển giao công nghệ và thông tin quốc tế.
- Tiếp tục cải cách, hiện đại hóa cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính.
- Tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ logistics tại Đà Nẵng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1 đã trình bày tổng quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu gồm khái niệm về xuất nhập khẩu và quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, sự cần thiết quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu, một số lý thuyết cơ bản quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu từ đó trình bày nội dung quản lý nhà nước về hoạt động XNK. Thứ nhất, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về XNK là nội dung quan trọng định hướng phát triển hoạt động XNK. Thứ hai, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách và quy định pháp luật về XNK; trong phần này tác giả đi sâu những nội dung về xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý XNK bao gồm các chính sách nhập khẩu, chính sách xuất khẩu, chính sách mặt hàng XNK, chính sách thị trường XNK, chính sách khuyến khích và hỗ trợ xuất khẩu. Thứ ba, thiết lập và sử dụng hiệu quả công cụ quản lý XNK. Đây là nội dung quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích của từng cá thể tham gia hoạt động XNK. Thứ tư, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động XNK. Thứ năm, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về hoạt động XNK. Nội dung này nhằm duy trì trật tư, kỷ cương, đảm bảo tuân thủ các quy định về XNK. Từ những nội dung quản lý nhà nước về hoạt động XNK, luận văn đã nêu lên những nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về hoạt động XNK ở nước ta và kinh nghiệm của một số địa phương về quản lý nhà nước về hoạt động XNK, từ đó làm cơ sở cho việc phân tích thực trạng quản lý nhà nước về hoạt động XNK tại thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về hoạt động XNK cho thành phố trong các chương sau.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG