Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN lực NGÀNH y tế tại HUYỆN NGHĨA HÀNH, TỈNH QUẢNG NGÃI (Trang 61 - 63)

2.3.3.1. Chính sách hỗ trợ đào tạo

Đến nay, ngành y tế huyện đã mở rộng các loại hình đào tạo: đào tạo dài hạn, đào tạo ngắn hạn, đào tạo theo hợp đồng chuyển giao gói kỹ thuật từ Đề án 1816, đào tạo tại chỗ, đào tạo liên tục đối với cán bộ y tế.

- Đào tạo dài hạn: giúp cho cán bộ y tế nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bằng việc cử cán bộ đi đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sỹ, đại học tập trung tại các trường đào tạo chuyên ngành Y, dược uy tín trong cả nước.

- Đào tạo ngắn hạn cho cán bộ y tế là hình thức cử cán bộ đi học chuyên khoa, định hướng, cử các cán bộ y tế học các kĩ thuật y học mới như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thần kinh, chẩn đoán hình ảnh (như siêu âm, CT Scan), áp dụng các phương thức điều trị mới.

- Đào tạo theo hợp đồng chuyển giao gói kỹ thuật từ Đề án 1816: “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” được phê duyệt tại Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Hình thức đào tạo tại chỗ: kèm cặp chỉ bảo ngay trong lúc làm việc là người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao sẽ kèm cặp chỉ bảo người mới, kinh nghiệm còn ít bằng cách vừa làm vừa học, vừa nghe chỉ dẫn,vừa quan sát, vừa làm theo. Nó mang lại hiệu quả cao cho bệnh viện vì ưu điểm đơn giản, dễ tổ chức lại có thể đào tạo nhiều người cùng lúc, ít tốn chi phí. Tuy nhiên vẫn gặp những bất lợi do người hướng dẫn không có chuyên môn sư phạm nên quá trình hướng dẫn không theo trình tự nhất định.

- Đào tạo liên tục cho các cán bộ y tế đang hoạt động y tế trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam để cập nhật về kiến thức, kĩ năng, thái độ trong lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ y tế nhằm góp phần thực hiện Thông tư

22/2013/TTBYT ngày 09/8/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn việc đào tạo liên tục cán bộ y tế.

Tại từng đơn vị cũng có chính sách riêng để hỗ trợ thêm nhằm tạo điều kiện cho cán bộ đi đào tạo ví dụ như tại BVĐK huyện “Đơn vị chị cho học phí, hỗ trợ một phần học phí cho cán bộ đi học. Nếu vừa học vừa làm thì mình vẫn cho họ hưởng lương những tháng họ đi học, dài hạn thì đơn vị chị hỗ trợ thêm học phí. Những tiền như tiền thu nhập tang thêm mình vẫn chia cho họ” (Nữ cử nhân NHS, Trưởng Khoa Sản BVĐK huyện). Tuy nhiên mức hỗ trợ này còn thấp “Chẳng qua hỗ trợ các anh chị đi học ở Huế, Hà Nội, là cũng có hỗ trợ, có thể là thiếu thốn quá, về cơ quan hỗ trợ khoản 300-500 ngàn đồng/tháng thôi. Gọi là tiền đi xe, uống nước thôi” (BS nữ,, Trưởng Trạm y tế xã Hành Thịnh).

Hay như chính sách hỗ trợ cho các em sinh viên nếu có cam kết làm việc cho tỉnh thì sẽ được chi trả học phí “Sinh viên chính qui không phân biệt công lập hay ngời công lập, nếu cam kết công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh từ 10 năm trở lên thì Tỉnh chi trả toàn bộ học phí theo thực tế. Chính sách bắt đầu thực hiện từ năm 2013” (BS nam, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi).

2.3.3.2. Rào cản đối với đào tạo

Có nhiều khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch đào tạo tại đơn vị. Khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí “Huyện Nghĩa Hành gần trung tâm thành phố nên vấn đề đào tạo các chuyên khoa ví dụ như ngoại khoa, sản khoa…là chưa cần thiết nên nguồn kinh phí hỗ trợ cho đào tạo được Sở Y tế phân bổ về cho đơn vị là rất thấp” (BS nam, Giám Đốc BVĐK huyện). Thêm vào đó do việc thiếu nhân lực bác sĩ dẫn đến áp lực công việc và gây khó khăn trong việc tạo điều kiện thuận lợi để cử cán bộ đi học nâng cao trình độ.

Một cái khó khăn phải kể đến đó là do đặc thù của ngành Y thời gian đào tạotrong trường đại học đã là 6 năm, do đó các chính sách hỗ trợ mà có

giới hạn tuổi được hỗ trợ đã gây khó khăn cho việc khuyến khích các cán bộ đi học “Ví dụ chẳng hạn như ở đây người đi học cao học và người đi học chuyên khoa 2 nhà nước sẽ hỗ trợ sau khi tốt nghiệp tiền học phí, tàu xe…nhưng mà đối tượng phải dưới 40 tuổi. Bây giờ đang xấp xỉ đi học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 có người trên 40 tuổi, thậm chí có người trên 50 tuổi cho nên rồi cuối cùng không có được hưởng, có nhưng mà không được hưởng” (Đồng chí nữ, Kế toán trưởng BVĐK huyện).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN lực NGÀNH y tế tại HUYỆN NGHĨA HÀNH, TỈNH QUẢNG NGÃI (Trang 61 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)