Có thể nói, môi trường kinh tế vĩ mô luôn là yếu tố có tính quyết định đến môi trường hoạt động, ảnh hưởng bao trùm đến toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Nếu môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn với những biến động bất thường trong các chính sách điều hành nền kinh tế của chính phủ thì hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế luôn phải đối diện với các rủi ro mang tính vĩ mô, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, nhưng lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Đối với VCB, sự tồn tại và phát triển của khách hàng, của các doanh nghiệp trong nền kinh tế cũng chính là nền tảng để nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh, nền tảng của sự bền vững thanh khoản của ngân hàng. Do vậy, để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý rủi ro trong ngân hàng, Chính phủ cần tiếp tục đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế, cụ thể: (i) Kiểm soát và khắc phục nhanh những yếu tố tiềm ẩn có thể gây mất ổn định
kinh tế vĩ mô, bình ổn giá của các mặt hàng chiến lược thuộc phạm vi quản lý giá của Chính phủ cũng như bình ổn mặt bằng giá nói chung; (ii) Theo dõi và điều hành chặt chẽ cán cân thanh toán tổng thể, cân đối tiền hàng, kiểm soát và hạn chế nhập siêu, bội chi ngân sách; (iii) Điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô đồng bộ và trong sự phối hợp với chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động để nhằm mục đích cuối cùng là ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát, điều tiết tỷ giá theo hướng linh hoạt nhằm phát huy lợi thế xuất khẩu mà vẫn không để hoạt động nhập khẩu gặp khó khăn.
Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về ngân hàng theo xu hướng hội nhập với quốc tế, nghĩa là các điều luật về ngân hàng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó giúp các NH Việt Nam có thể tham gia thị trường quốc tế một cách dễ dàng. Hệ thống pháp lý về NH phải rõ ràng, minh bạch. Trong đó các quy định đảm bảo an toàn trong kinh doanh ngân hàng phải được đặt lên hàng đầu. Việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý nói chung và hệ thống hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng nói riêng là cần thiết và cấp bách, đặc biệt là các văn bản về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, về mua bán nợ, về phát mại,…Việc hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm xây dựng hệ thống NHTM lành mạnh, minh bạch, vận hành theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát hợp lý của Chính phủ. Muốn vậy, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình NHTM, đầu tư, chính sách, phát triển để tránh những đặc điểm riêng có của loại hình ngân hàng này trở thành lợi thế cạnh tranh không công bằng với loại hình NH khác. Trong thực hiện Luật bảo hiểm tiền gửi, cần nghiên cứu đề suất Quốc hội tiếp tục nâng mức bảo hiểm tiền gửi của khách hàng tại các NH. Bởi lẽ,việc nâng mức tiền gửi được bảo hiểm làm cho người gửi tiền yên tâm hơn với tình trạng rút tiền hàng loạt. Điều này sẽ giúp các NHTM ổn định được nguồn tiền gửi, nhất là khi xảy ra tình trạng căng thẳng thanh khoản.
Xây dựng một NHTW độc lập và đủ mạnh: nâng cao vị thế và tính độc lập của NHNN với Chính phủ. Có như vậy NHNN mới có thể đưa ra các quyết định điều hành chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng, nhằm tác động đến nền kinh tế
trong việc sử dụng các công cụ điều hành”nhưng vẫn phục vụ cho các mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra, điều này có thể sẽ dung hòa các mối quan hệ. Về lâu dài thì hệ thống tài chính – tiền tệ vẫn hướng theo con đường phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam, nhưng trong từng giai đoạn ngắn hạn thì NHNN vẫn có thể có những quyết định tức thời và mạnh dạn để bảo đảm thị trường tài chính có thể quay về điểm cân bằng nhanh chóng, ít thiệt hại trước những biến cố xảy ra.
Tiếp tục thực hiện chặc chẽ, có hiệu quả đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam theo mục tiêu đề ra. Chính phủ cần kiên quyết xử lý các NHTM yếu kém, khôi phục năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng giúp thúc đẩy nền kinh tế nhanh hồi phục.