Hệ thống văn bản pháp luật về ATTP ở nước ta hiện nay gồm các văn bản quy phạm pháp luật như Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như các quy định về trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự trong các đạo luật quan trọng của hệ thống pháp luật như Bộ Luật dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP (thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP hết hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018).
- Hiến pháp 2013
Các quy định về ATTP không quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên gián tiếp thông các qua quy định về tín mạng, sức khỏe con người là cơ sở hiến định cho việc đưa các quy định về ATTP vào các đạo luật chuyên ngành.
Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe…”.Việc quy định tại Điều 20 đã khẳng định quyền được bảo vệ về sức khỏe của mọi người.
Điều 38 Hiến pháp 2013 quy định: “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”.
Để bảo vệ tín mạng, sức khỏe con người, duy trì và phát triển nòi giống chúng ta đã cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể tại Luật chuyên ngành để đưa các quy định đi vào cuộc sống.
- Luật an toàn thực phẩm năm 2010
Luật an toàn thực phẩm năm 2010 đã được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010, gồm 72 Điều và 11 Chương có nhiều điểm mới và khác biệt về nội dung so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 với mục tiêu giải quyết các mối quan tâm quốc gia đang ngày càng gia tăng về các nguy cơ ATTP và các vấn đề tác động tới thương mại cũng như sức khoẻ con người. Đây là đạo luật đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh một cách toàn diện các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực bảo đảm ATTP. Ngoài các phần quy định chung và điều khoản thi hành, đạo luật quy định 09 nhóm vấn đề quan trọng bao gồm: (1) Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm ATTP; (2) Điều kiện bảo đảm ATTP đối với thực phẩm; (3) Điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; (4) Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; (5) Nhập khẩu và xuất khẩu thực phẩm; (6) Quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; (7) Kiểm
nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ đối với ATTP, phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về ATTP; (8) Thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; (9) Quản lý Nhà nước về ATTP. Điều 3 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 quy định rõ các nguyên tắc quản lý ATTP, tiếp tục xác định rõ “sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện” và quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về ATTP do mình sản xuất, kinh doanh. Luật an toàn thực phẩm phân rõ trách nhiệm quản lý ATTP cho 3 Bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương. Mỗi Bộ được phân công đảm bảo ATTP cho một số sản phẩm cụ thể trong toàn bộ chuỗi thực phẩm, bao gồm từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, lưu trữ, xuất nhập khẩu cho đến khâu phân phối, bán buôn, bán lẻ.
- Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Để bảo vệ tốt hơn quyền được sống trong một môi trường an lành của người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống các hành vi của một số người vì lợi ích cá nhân mà nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe của người khác đã thực hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn. Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những quy định mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế cũng như hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội vi phạm các quy định về ATTP nói riêng. Cụ thể, đã quy định các tội liên quan đến ATTP như: Tội vi phạm quy định về ATTP (Điều 317), Tội quảng cáo gian dối (Điều 168), Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193)…
-Văn bản dưới luật
Văn bản quy phạm pháp luật về ATTP hiện nay liên tục được các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, ban hành mới nhằm phù hợp với xu hướng phát
triển ngày càng đa dạng của lĩnh vực thực phẩm. Từ khi Quốc hội thông qua Luật an toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010, Chính phủ và các Bộ có liên quan đã ban hành các văn bản pháp luật quy định liên quan về ATTP bao gồm: Chính phủ đã ban hành 17 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định, Bộ Y tế đã ban hành 19 Thông tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 16 Thông tư, Bộ Công thương đã ban hành 07 Thông tư, Bộ Tài chính ban hành 02 Thông tư và bên cạnh đó Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 03 Thông tư liên tịch quy định về ATTP (Phụ lục 1).