Thanh tra là việc xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân [13]. Theo Luật an toàn thực phẩm năm 2010, thanh tra ATTP là thanh tra chuyên ngành. Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý [14].
Kiểm tra là một trong những chức năng của quản lý nói chung, quản lý Nhà nước nói riêng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước. Qua kiểm tra phát hiện kịp thời các vi phạm pháp luật, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến những vi phạm pháp luật để có những biện pháp xử lý kịp thời, xây dựng những biện pháp phòng ngừa bên cạnh đó còn chỉ ra những yếu kém bất cập trong quản lý, nguyên nhân của chúng nhằm đưa ra những biện pháp khắc phục.
Công tác kiểm tra, thanh tra về ATTP là một hoạt động quan trọng và ưu tiên của công tác quản lý Nhà nước về ATTP. Hoạt động này nhằm theo dõi việc thực hiện pháp luật về ATTP của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, việc tuân thủ quy định của pháp luật về ATTP của mọi tổ chức và cá nhân. Đồng thời, phát hiện những hành vi vi phạm để có những biện pháp ngăn chặn hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Mặt khác, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP Nhà nước thiết lập sự ổn định trật tự xã hội, bảo đảm ATTP. Để công tác
quản lý Nhà nước về ATTP đạt hiệu quả, đảm bảo hiệu lực điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật thì hoạt động thanh tra, kiểm tra là rất quan trọng. Nếu thiếu hoạt động này sẽ dẫn đến tình trạng không chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP nhằm đảm bảo thực hiện và tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP. Thanh tra ATTP do ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công Thương thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Các thành tựu đạt được trong thời gian qua trong công tác quản lý ATTP có sự đóng góp đặc biệt tích cực của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tiến hành đồng loạt ở cấp Trung ương và địa phương, tiến hành định kỳ vào các đợt cao điểm như mùa lễ hội, Tết Nguyên đán và Lễ Hội mùa Xuân, Tháng hành động vì ATTP. Qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP, đồng thời kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định phù hợp với yêu cầu quản lý, kiến nghị hủy bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về việc đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Xử lý vi phạm về ATTP bao gồm xử lý vi phạm hành chính về ATTP, xử lý vi phạm hình sự. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP là những hành vi do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính. Căn cứ vào khái niệm về tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có thể đưa ra khái niệm về tội vi phạm quy định về ATTP như sau: “Tội vi phạm quy định về ATTP là những hành vi vi
phạm quy định về ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm gây nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng thực phẩm, xâm phạm quy định của Nhà nước về chất lượng hàng hóa”.
Sau khi Luật an toàn thực phẩm năm 2010 có hiệu lực, đến nay Chính phủ có 03 Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP gồm: Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP (hết hiệu lực lực từ ngày 31 tháng 12 năm 2013); Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP (hết hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018); Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Theo quy định hiện hành, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP tại địa phương thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các chức danh có thẩm quyền thuộc ngành Thanh tra, Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường và Thủ Trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Với mục tiêu nâng cao năng lực thanh tra chuyên ngành ATTP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2015 thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã thành công và tiếp tục mở rộng theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện quận, thị xã, thành phố của 09 tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.