Thứ nhất, yếu tố kinh tế trong sản xuất, kinh doanh. Yếu tố này bao gồm tổng thể các điều kiện, hoàn cảnh về kinh tế - xã hội, hệ thống các chính sách xã hội và việc triển khai thực hiện, áp dụng chúng trong thực tế xã hội. Nền kinh tế - xã hội phát triển năng động, bền vững sẽ là điều kiện thuận lợi cho hoạt động thực hiện pháp luật ATTP, tác động tích cực tới việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của các tầng lớp xã hội. Ngược lại, nền kinh tế - xã hội chậm phát triển, kém năng động và hiệu quả sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện pháp luật ATTP của các chủ thể pháp luật. Yếu tố kinh tế là nền tảng của sự nhận thức, hiểu biết pháp luật và thực hiện pháp luật nên có tác động mạnh mẽ tới hoạt động thực hiện pháp luật ATTP của các chủ thể pháp luật.
Thực tế hiện nay cho thấy rằng điều kiện kinh tế - xã hội có ảnh hưởng quan trọng đến lợi ích và do đó, tác động đến tư tưởng, quan điểm, thái độ, niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với pháp luật nói chung cũng như pháp luật ATTP nói riêng. Khi nền kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất của
các tầng lớp dân cư được cải thiện, lợi ích kinh tế được đảm bảo thì nhân dân sẽ phấn khởi, tin tưởng vào đường lối kinh tế, chính sách pháp luật, sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động điều hành, quản lý của Nhà nước. Khi đó, niềm tin của các chủ thể đối với pháp luật ATTP được củng cố, hoạt động thực hiện pháp luật sẽ mang tính tích cực, thuận lợi, phù hợp với các giá trị, chuẩn mực pháp luật ATTP hiện hành.
Bên cạnh đó cơ chế kinh tế cũng có ảnh hưởng tới hoạt động thực hiện pháp luật ATTP. Cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp trước đây đã tạo ra tâm lý thụ động, ỷ lại; do đó, nhận thức pháp luật và hoạt động thực hiện pháp luật ATTP thường mang tính phiến diện, một chiều theo kiểu mệnh lệnh - chấp hành. Cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay với những mặt tích cực của nó sẽ tạo ra tư duy năng động, sáng tạo, coi trọng uy tín, chất lượng, hiệu quả của hoạt động kinh tế; từ đó, sẽ tác động tích cực hơn tới ý thức pháp luật và hành vi thực hiện pháp luật ATTP của các chủ thể trong các hoạt động sản xuất kinh doanh sinh hoạt và tiêu dùng. Nhưng mặt trái của kinh tế thị trường cũng sẽ tạo ra tâm lý sùng bái đồng tiền, coi tiền là tất cả, bất chấp các giá trị đạo đức, pháp luật; đồng thời sẽ tạo ra những quan niệm, hành vi sai lệch trong thực hiện pháp luật ATTP, vì đồng tiền mà người sản xuất kinh doanh, mua bán thực phẩm có thể bất chấp tất cả. Đây là nguyên nhân làm phát sinh các hành vi trái pháp luật ATTP, là môi trường cho các loại vi phạm pháp luật ATTP phát triển.
Thứ hai, yếu tố lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh, là khoản chênh lệch thu được giữa doanh thu và chi phí bỏ ra để sản xuất một sản phẩm tiêu dùng nhất định. Đây là một chỉ tiêu mà hầu hết người sản xuất, kinh doanh trông đợi. Lợi nhuận càng cao càng phản ánh mức độ thành công và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của họ. Tuy nhiên trên thực tế thì lợi nhuận của người sản xuất kinh doanh thường không đi cùng với quyền lợi của người tiêu dùng.
Muốn thu được chỉ tiêu lợi nhuận cao trong bối cảnh tiêu dùng đắt đỏ và lạm phát thường xuyên như hiện nay thì người sản xuất kinh doanh buộc phải hạ thấp một số chỉ tiêu cho sản phẩm mình làm ra hoặc kinh doanh luân chuyển. Mà trong đó quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm, hoặc tính năng suất của sản phẩm, hoặc thời hạn sử dụng của sản phẩm. Muốn sản phẩm có năng suất cao thì phải dùng đến hóa chất, chất kích thích, muốn hình thức của sản phẩm tiêu dùng đẹp thì phải dùng đến chất kích thích, tạo màu, làm trắng,… muốn sản phẩm sử dụng được trong thời gian lâu dài thì phải có chất bảo quản,… Như vậy có thể thấy yếu tố lợi nhuận đang bao trùm hoạt động sản xuất và kinh doanh. Khi mà các cơ quan quản lý chưa siết chặt chính sách, hoạt động chưa thực sự hiệu quả thì người sản xuất và kinh doanh vẫn còn tâm lý bất chấp pháp luật, bất chấp sự nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, vẫn vi phạm pháp luật ATTP nhằm thu về lợi nhuận kinh tế cao.