Nội dung các văn bản pháp luật về ATTP đã ban hành, về cơ bản đã nội luật hóa cách điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia như WHO, FAO, CODEX… thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Các quy định hướng dẫn đã bám sát văn bản gốc, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý như: quy định về phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý, phương thức quản lý, công cụ kỹ thuật phục vụ quản lý, điều kiện sản
xuất, kinh doanh cho từng loại thực phẩm. Các quy định pháp luật ATTP được ban hành đúng thẩm quyền, bám sát yêu cầu quản lý Nhà nước về ATTP, bảo đảm tính khả thi, khá thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều văn bản chính sách lớn định hướng cho quản lý ATTP đã được ban hành như: Chỉ thị số 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới, Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền… Nhiều văn bản pháp luật như: Hiến pháp năm 2013, Luật Thú y, Luật Kiểm dịch và Bảo vệ thực vật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước…cũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý ATTP. Triển khai thực hiện Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản nêu trên, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành như: Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật ATTP được thay thế bởi Nghi định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP về quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP được thay thế bằng Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 và nhiều Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư cũng được ban hành quy định cụ thể về quy hoạch, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP; TCVN, QCVN quốc gia về chỉ tiêu, giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hoá học trong thực phẩm; yêu cầu về điều kiện, sản xuất, kinh doanh, lưu thông, vận chuyển, quảng cáo thực phẩm;
thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP; các thủ tục hành chính trong quản lý ATTP. Trong phạm vi trách nhiệm quản lý được phân công tại Luật an toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP các Bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản để hướng dẫn thực hiện.
Theo Báo cáo số 211/BC-CP ngày 18 tháng 5 năm 2017 của Chính Phủ, trong giai đoạn 2011-2016 đã ban hành 453 TCVN, ban hành 119 QCVN về thực phẩm và 6 quy định kỹ thuật về ATTP. Trong đó:
- Bộ Y tế ban hành 54 QCVN và 6 quy định kỹ thuật quy định về mức giới hạn an toàn chung cho các sản phẩm thực phẩm (phụ gia thực phẩm, giới hạn kim loại nặng, dư lượng thuốc thú y, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…); quy định về mức giới hạn an toàn, yêu cầu kỹ thuật cụ thể đối với 1 số sản phẩm đặc thù… các quy định này đều được ban hành trên cơ sở phù hợp hoàn toàn với tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex), một số quy định chưa có trong Codex hoặc đặc thù của quốc gia thì đều hài hòa với quy định các nước phát triển như Mỹ, Nhật bản, EU và các nước ASEAN.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 61 QCVN liên quan đến chất lượng, ATTP của các chuỗi sản phẩm động vật, sản phẩm thủy vật và sản phẩm thực vật. Các quy chuẩn này cũng tương đồng hoặc tiệm cận với chuẩn mực của các tổ chức quốc tế như Codex, FAO và các nước tiên tiến.
Tuy nhiên, việc xây dựng các QCKT địa phương đối với sản phẩm đặc thù vùng miền còn rất hạn chế, mới chỉ có 02 quy chuẩn về rượu bưởi Tân Triều (Đồng Nai) và rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh) được ban hành trong giai đoạn này.
Bên cạnh việc xây dựng và ban hành các TCVN và QCVN, các Bộ cũng quan tâm, chú trọng tham gia đầy đủ vào các hoạt động xây dựng quy chuẩn và quy định của quốc tế và khu vực. Lần đầu tiên Việt Nam tham gia chủ trì
cùng Thái Lan xây dựng và được Codex chấp thuận ban hành Tiêu chuẩn Codex quốc tế đối với sản phẩm nước mắm.
Việc phòng ngừa, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP đang đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Trong khi đó Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã xuất hiện những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã chỉnh sửa, bổ sung một cách cơ bản Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 theo hướng tiến bộ hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong nội dung của điều luật. Tuy nhiên, điều luật trên vẫn khó thực thi trong cuộc sống. Có thể nói cho đến nay hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, đã đáp ứng kịp thời yêu cầu về công tác quản lý và điều hành về ATTP theo cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, góp phần tích cực vào kiểm soát thị trường, bảo đảm thực phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP đã khắc phục tình trạng thiếu cơ chế quản lý, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật về ATTP trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, số lượng văn bản còn nhiều gây khó khăn khi tra cứu, áp dụng thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể các văn bản quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm đều được ba Bộ cùng ban hành theo các nhóm đối tượng quản lý. Khi các văn bản này được chuyển đến địa phương thực hiện thì UBND các cấp sẽ phải đọc và hiểu hết 3 hệ thống văn bản đối với từng lĩnh vực.