Xây dựng chính sách, kế hoạch về an toàn thực phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm của ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố hồ chí minh (Trang 87 - 89)

Đổi mới quy trình hoạch định chính sách theo hướng dân chủ, huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là của đội ngũ chuyên gia vào xây dựng chính sách; tích cực lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến từ các đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách; cần lấy ý kiến của người dân, các doanh nghiệp để có những chính sách sát với thực tế; từng bước tạo lập một quy trình làm chính sách gọn, tiện lợi nhưng khoa học, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao. BQLATTP tham mưu UBND Thành phố cần có những chính sách phù hợp với tình hình phát triển hiện nay cụ thể theo hướng:

-Xây dựng lộ trình triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc tất cả thực phẩm từ khi sản xuất, qua các khâu trung gian, phân phối, đến người tiêu dùng cuối cùng, để khi phát hiện vi phạm có thể truy được trách nhiệm của từng khâu. Vì hiện nay thực phẩm từ sản xuất đến phân phối qua rất nhiều khâu, trong đó đặc biệt là khâu trung gian. Khi qua trung gian, hàng xấu, hàng tốt bị trộn lẫn, dẫn tới việc những người làm tốt, nghiêm túc, đầu tư bài bản, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, có chi phí cao cũng bị đánh đồng với những người làm cẩu thả nên không khuyến khích được người sản xuất làm tốt. Để thực hiện được điều này cần xây dựng, phát triển các cơ sở thực phẩm đủ điều kiện tham gia chuỗi như: tư vấn, huấn luyện, hỗ trợ kỹ thuật và điều kiện thực thi cho các cơ sở thực phẩm đã tự nguyện đăng ký tham gia chuỗi nhằm giúp các cơ sở này sớm đạt được các tiêu chuẩn quy định và được cấp giấy chứng nhận của Bộ chuyên ngành (VietGAP, Cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, Cơ sở nuôi thủy sản an toàn, Cơ sở đủ điều kiện an ATTP...), tiến đến đạt các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP: thực hành nông nghiệp tốt toàn

cầu, HACCP, ISO...). Tư vấn, huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở thực phẩm đã tự nguyện đăng ký tham gia chuỗi thực hiện truy nguyên nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm đầu vào, cũng như truy nguyên nguồn gốc sản phẩm của chính cơ sở; thực hiện việc bao gói và mã hàng hóa cho sản phẩm của mình phục vụ cho việc kinh doanh, chống hàng giả và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, Thành phố cần có chương trình, kế hoạch hỗ trợ việc kết nối các ngân hàng, tín dụng vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn.

-Cần tiến hành khảo sát, lựa chọn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô tập trung tại các tỉnh, thực hiện đúng quy định ATTP và đưa thực phẩm về tiêu thụ tại Thành phố. Tổ chức ký kết giữa BQLATTP với các tỉnh có nguồn thực phẩm cung cấp cho Thành phố. Thông qua ký kết, mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, các chuyến tham quan trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở đủ điều kiện tham gia chuỗi; hỗ trợ tiếp thị và phân phối thực phẩm thuộc chuỗi; xây dựng hệ thống các cửa hàng thực phẩm chỉ bán thực phẩm của các cơ sở thuộc chuỗi; liên kết với các hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm khác để đưa sản phẩm thực phẩm thuộc chuỗi vào kinh doanh trong một khu vực riêng biệt và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết địa chỉ của từng cửa hàng có bán thực phẩm thuộc chuỗi; Thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ các cơ sở tham gia chuỗi xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu bền vững.

Một trong những biện pháp cần thiết trong điều kiện hiện nay là thiết lập hệ thống giám sát NĐTP cấp tính cá thể trên toàn Thành phố nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vụ NĐTP tập thể, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất về sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Kịp thời ngăn chặn các bệnh lây qua đường thực phẩm. Qua đó, Thành phố cần phải xây dựng các tiêu chuẩn chẩn đoán NĐTP cấp tính, cá thể (gồm các bệnh truyền qua thực phẩm như tả, lỵ, thương hàn...); triển khai huấn luyện cho mạng lưới khám chữa bệnh toàn Thành phố; thiết lập hệ thống ghi nhận và báo cáo các trường hợp NĐTP cấp tính cá thể từ các cơ sở khám chữa bệnh trong thành phố; phân tích số liệu ghi nhận được để cảnh báo cho các cơ quan quản lý, người tiêu dùng khi có hiện tượng ngộ độc bất thường.

Việc khuyến khích và bắt buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của mình, đáp ứng tốt hơn yêu cầu vệ sinh và chất lượng của các thị trường xuất khẩu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh và uy tín của hàng Việt Nam trên thị trường thực phẩm thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ hạn chế được những thiệt hại không đáng có do không đáp ứng được yêu cầu chất lượng của thị trường xuất khẩu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm của ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố hồ chí minh (Trang 87 - 89)