- Thứ nhất, Nội dung các văn bản pháp luật ban hành, về cơ bản đã nội luật hóa cách điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia như WHO, FAO, CODEX… thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Các quy định hướng dẫn đã bám sát văn bản gốc, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý như: quy định về phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý, phương thức quản lý, công cụ kỹ thuật phục vụ quản lý, điều kiện sản xuất, kinh doanh cho từng loại thực phẩm. Các quy định pháp luật ATTP được ban hành đúng thẩm quyền, bám sát yêu cầu quản lý Nhà nước về ATTP, bảo đảm tính khả thi, khá thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Với việc ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm có hiệu lực ngay sau khi ban hành, là văn bản cực kỳ quan trọng thay đổi gần như cơ bản phương thức quản lý ATTP đã “cởi trói” cho doanh nghiệp, cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên
ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm tra sang hậu kiểm, nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Giảm 90% thủ tục hành chính liên quan đến ATTP, tiết giảm hàng triệu ngày công và hàng trăm nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.
- Thứ hai, về mô hình tổ chức quản lý về ATTP của BQLATTP là mô hình được thực hiện đầu tiên của cả nước. BQLATTP trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện chức năng nhiệm vụ tương đương cấp Sở. Mô hình thí điểm BQLATTP thực sự nâng tầm công tác quản lý ATTP, mang lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý ATTP, đặc biệt trong công tác phối hợp quản lý Nhà nước đảm bảo ATTP với UBND 24 quận - huyện và công tác phối hợp cung ứng chuỗi sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn từ trang trại đến bàn ăn với các tỉnh thành nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình quản lý của BQLATTP tạo ra sự thống nhất một đầu mối thực hiện các thủ tục hành chính trong công tác quản lý ATTP mà trước đây được phân cấp từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương tạo nên sự thuận lợi, nhất quán từ khâu cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cũng như giám sát mối nguy, chất lượng thực phẩm. Mô hình quản lý ATTP trên một đầu mối đã tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính về ATTP. Công tác thông tin, truyền thông từ một đầu mối đã phát huy được tính chủ động, tích cực trong trao đổi thông tin, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh và mang lại hiệu quả cao trong cộng đồng.
- Thứ ba, những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được tiếp cận theo hướng mới, chuyển từ phương thức quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm (dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố áp dụng); từ quản lý theo công đoạn sang quản lý theo quá trình, chuỗi cung cấp thực phẩm.
- Thứ tư, hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP cũng được quy định một cách rõ ràng, cụ thể hơn, góp phần nâng cao chất lượng quản lý ATTP trong thời gian gần đây.
- Thứ năm, Thông qua việc xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn”, triển khai đề án “quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm” và đề án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP”, Thành phố đã thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng.
Để đạt được những kết quả trên, xuất phát từ việc công tác quản lý ATTP luôn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, UBND Thành phố quan tâm và chỉ đạo sâu sát, các Sở, Ban, Ngành, UBND 24 quận - huyện và các đoàn thể đã triển khai phối hợp đồng bộ công tác quản lý đảm bảo ATTP như công tác thông tin giáo dục truyền thông, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP, phấn đấu không để xảy ra các trường hợp vụ ngộ độc nào có quy mô trên 30 người trên địa bàn quản lý.