3.1. Phương hướng bảo đảm thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở
3.1.3. Tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật về hòa giải ở cơ sở
3.1.3.1. Thực hiện đúng bản chất của hòa giải ở cơ sở, bảo đảm pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Bản chất của hòa giải ở cơ sở là tính tự quản, tự nguyện của quần chúng nhân dân, là hoạt động không mang tính tố tụng, do vậy phương thức tiến hành, chủ thể tiến hành, thời gian, địa điểm hòa giải là rất linh hoạt,
không cứng nhắc, miễn là đạt được mục đích. Tuy vậy, để hòa giải ở cơ sở phát huy được vai trò và giá trị của nó đòi hỏi chủ thể thực hiện pháp luật phải bảo đảm giữ được bản chất của nó. Không làm thay đổi bản chất của hòa giải ở cơ sở, nhưng vẫn bảo đảm thực hiện đúng pháp luật một cách nghiêm chỉnh là một yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải và đội ngũ hòa giải viên.
Để đảm bảo thực hiện đúng bản chất của hòa giải ở cơ sở đòi hỏi đội ngũ hòa giải viên không chỉ nắm vững các quan điểm, đường lối của Đảng, nắm vững các quy định của pháp luật mà còn phải hiểu biết và vận dụng thật nhuần nhuyễn các quy phạm đạo đức, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán…của từng địa phương vào từng vụ việc hòa giải. Bên cạnh đó, trong việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở cần tránh khuynh hướng hình thức qua loa, chiếu lệ, vụ việc dễ thì làm, vụ việc khó thì bỏ. Đồng thời cũng cần tránh khuynh hướng tài phán hóa hoạt động hòa giải ở cơ sở, biến hòa giải thành hoạt động xét xử của Tổ hòa giải, đặc biệt nghiêm cấm việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở đế trốn tránh pháp luật. Tất cả những khuynh hướng trên đều không thể hiện được bản chất tốt đẹp của hòa giải ở cơ sở, không làm phát huy được vai trò, ý nghĩa tích cực của nó mà ngược lại còn làm cho hoạt động hòa giải ở cơ sở phản tác dụng, tác động xấu đến đời sống xã hội.
3.1.3.2. Đảm bảo hoạt động hòa giải ở cơ sở là hạt nhân trong việc thực hiện phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn xác định công tác PBGDPL nói chung, công tác về hòa giải ở cở sở nói riêng là khâu quan trọng không thể thiếu nhằm nâng cao dân trí, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hòa giải ở cơ sở là hạt nhân trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực
hiện tốt pháp luật về hòa giải ở cơ sở sẽ là tiền đề cho phát triển kinh tế, văn hóa đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII năm 2011 đã chỉ rõ: “Chú trọng giáo dục chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh cho cán bộ, công chức và nhân dân. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố cơ bản, liên hoàn, vững chắc; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thực hiện đạt 100% các chỉ tiêu giao quân, huy động lực lượng dự bị động viên. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ổn định từ 1,3 đến 1,5% so với dân số. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Kiềm chế sự gia tăng và từng bước đẩy lùi các loại tội phạm, tai nạn giao thông. Nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan nội chính. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, công tác thanh tra và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Ngày 07/01/2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường công tác giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, vai trò tham mưu của các cơ quan chuyên môn, nhất là Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp, Tài chính; vai trò phối hợp của MTTQVN, trong đó Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; dự thảo các văn bản liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở trình UBND tỉnh ban hành; thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn, báo cáo, đề xuất các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; đề xuất khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc; hướng dẫn trình tự thành lập, công nhận tổ hòa giải và hòa giải viên ở cở
sở theo quy định của pháp luật. Thống kê, tổng hợp tình hình biến động tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động hòa giải, tổ chức các lớp tập huấn theo chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Biên soạn các tài liệu, đề cương hướng dẫn hoạt động hòa giải ở cơ sở; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật cho hòa giải viên.
Có thể nói sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành và các địa phương tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở ngày càng có hiệu quả.
3.1.3.3. Thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội
Hòa giải ở cơ sở là hoạt động mang tính chất tự quản của quần chúng trên cơ sở tự nguyện, do đó để bảo đảm thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở phải xã hội hóa hoạt động này, huy động rộng rãi lực lượng quần chúng nhân dân tham gia. Để đạt được yêu cầu trên phải xác định nhiệm vụ thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan hữu quan mà còn là nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và của mọi người dân. Tổ hòa giải ở cơ sở là một tổ chức quần chúng trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tổ hòa giải không thể đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng, không thể thiếu vai trò quản lý của Nhà nước và sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Tuy nhiên do đặc điểm cơ bản của hòa giải là hoạt động không mang tính tố tụng, do các bên tự thỏa thuận quyết định cho nên nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa coi trọng công tác này. Nhận thức đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện pháp luật hòa giải ở cở sở trên địa bàn tỉnh
trong giai đoạn hiện nay.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi khóa XVIII đã nêu: “Quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, báo cáo cũng nêu rõ cần: Coi trọng công tác vận động quần chúng; kiện toàn về tổ chức và cán bộ; định hướng nội dung, đổi mới phương thức hoạt động của mặt trận và các hội, đoàn thể nhân dân. Thực hiện tốt công tác dân vận trong hệ thống chính trị, quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; đẩy mạnh vận động hội viên, đoàn viên và đội ngũ công nhân, nông dân, trí thức trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh Quảng Ngãi hàng năm đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cở sở trên địa bàn tỉnh (lồng ghép trong kế hoạch triển khai công tác PBGDPL). Trong đó quy định trách nhiệm của tất cả các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình mà tổ chức thực hiệu có hiệu quả pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ tham gia đối thoại, hòa giải, xây dựng cộng đồng tự quản tại địa bàn khu dân cư, trực tiếp tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải theo tinh thần của Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTUMTTQVN ngày 18/11/2014.
Điều đó cho thấy Quảng Ngãi luôn quan tâm đến công tác dân vận, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng, coi đó là nội dung quan
trọng đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.