3.2. Giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở tại tỉnh
3.2.2. Nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy
chính quyền về công tác hòa giải ở cơ sở
Đối với việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, thực tiễn những năm qua cho thấy, một trong những hạn chế của công tác hòa giải ở cơ sở là cấp ủy, chính quyền và cán bộ một số nơi chưa thật sự nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa tích cực của công tác hòa giải ở cơ sở, chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Do đó, để bảo đảm thực
hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, cần thiết phải nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp về công tác PBGDPL nói chung, công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng.
Một là, trên cơ sở Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cần ban hành văn bản chỉ đạo, tăng cường về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua đó củng cố và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở đối với các cấp ủy Đảng và cán bộ đảng viên.
Hai là, HĐND và UBND tỉnh có trách nhiệm ban hành văn bản để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện văn bản của Tỉnh ủy. Từ đó, các cấp chính quyền phải có sự quan tâm thích đáng đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải ở cơ sở của mình, bảo đảm cho đường lối chủ trương của Đảng về công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội.
Ba là, UBND các cấp chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở cơ sở về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng. Xác định công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần tích cực vào việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng, khu dân cư.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận cần tăng cường trách nhiệm, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo của các
cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội khác nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Năm là, ngành Tư pháp cần lập kế hoạch, tham mưu với UBND cùng cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tránh việc tổ chức mang tính hình thức hoặc theo lối mòn cũ gây nhàm chán. Việc biên soạn tài liệu phải ngắn gọn, nội dung phải xúc tích, chính xác, dễ hiểu và phù hợp với trình độ của hòa giải viên. Tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh theo phương châm xã hội hóa, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; tổ chức tủ sách pháp luật ngay trong các cụm tuyến dân cư, đa dạng các loại hình tủ sách, phương thức quản lý để người dân và các hòa giải viên có thể dễ dàng tiếp cận.
Sáu là, các hòa giải viên ngoài việc được bồi dưỡng các kiến thức pháp luật, tập huấn các kỹ năng nghiệp vụ hòa giải thì cũng phải cần được triển khai, quán triệt nội dung đường lối, chủ trương của Đảng có liên quan để phục vụ vào công tác hòa giải cũng như tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Việc triển khai các đường lối, chủ trương của Đảng cần phải đúng phương pháp, phù hợp với trình độ, tâm lý từng nhóm đối tượng hòa giải viên.
Bảy là, cần tăng cường các biện pháp để đưa pháp luật về tận cơ sở, đến với mỗi người dân như: mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; biên soạn sổ tay về các tình huống hòa giải thường gặp để hòa giải viên nghiên cứu, tham khảo; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh địa phương, tủ sách pháp luật, việc xét xử lưu động của Tòa án, họp tổ dân phố, tuyên truyền của đội ngũ cán bộ ở cơ sở... Nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng, từng địa bàn. Phương pháp tuyên truyền cần đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt cần chú ý
đến đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Tám là, việc tuyên truyền quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về hòa giải ở cơ sở việc làm thường xuyên, liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”; phổ biến lồng ghép với các hoạt động khác diễn ra ở địa phương như cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn kết với việc phát huy dân chủ ở cơ sở, với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” có như thế mới làm chuyển biến thật sự trong suy nghĩ và hành động của mỗi người.