1.2. Nội dung quản lý nhà nước về việc làm đối với lao động nông thôn
1.2.1 Xây dựng Chiến lược lao động, việc làm
Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2020 trong đó mục tiêu tổng quát có đề ra: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[16] do đó yêu cầu việc chuyển đổi kinh tế đi kèm với chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp (chủ yếu thuộc khu vực nông thôn). Đầu tư hạ tầng cho nông thôn thông qua việc xây dựng nông thôn mới, đồng thời hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn đều được nhấn mạnh trong nội dung Chiến lược.
Để các chính sách việc làm đối với người LĐNT đi vào cuộc sống thì cần phải phân tích các yếu tố môi trường xung quanh, từ đó đánh giá được các cơ hội cũng như thách thức có thể có trong tương lai nhằm đưa ra các định hướng chiến lược quan trọng của QLNN về việc làm ở nông thôn, mục tiêu cần đạt đến của QLNN để giải quyết được việc làm cho LĐNT, từ đó đưa ra các kế hoạch cụ thể tăng cường QLNN trong giải quyết việc làm cho LĐNT. Tuy nhiên, những phân tích này cần được đánh giá một cách khách quan và trung thực, đúng thực trạng, không được dựa trên nhận định cá nhân.
“Chiến lược lao động, việc làm cho LĐNT là sự cụ thể hóa những chủ trương định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đồng thời hướng tới
19
thực hiện các mục tiêu về việc làm bền vững cho LĐNT trên tinh thần đảm bảo các tiêu chuẩn về việc làm của các tổ chức Quốc tế” [10]. Chiến lược lao động, việc làm cho LĐNT cần đảm bảo các nội dung cụ thể như sau:
- Đánh giá, miêu tả tình hình thực hiện các chính sách, giải pháp tạo việc làm cho LĐNT và những nhận định về tình hình việc làm đối với người LĐNT Việt Nam trong giai đoạn thực hiện chiến lược.
- Những thách thức, dự báo cho giai đoạn thực hiện chiến lược.
- Những nội dung chính của chiến lược, mục tiêu và những giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu này; khung thể chế để thực hiện chiến lược Việc làm cũng như sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc giám sát, đánh giá giữa kỳ, đánh giá cuối kỳ và vận dụng các cơ chế phù hợp trong việc thực hiện Chiến lược.
Ngoài ra, mối quan hệ của Chiến lược lao động, việc làm cho LĐNT với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, các vấn đề về việc làm, năng suất, các thể chế nhằm xúc tiến việc làm, các biện pháp và chính sách nhằm triển khai Chiến lược cũng cần được xây dựng cụ thể để đạt được hiệu quả tối đa trong quá trình thực hiện.
Chiến lược lao động việc làm cho LĐNT cần cung cấp tầm nhìn tổng quát, mục tiêu phát triển việc làm chất lượng cao và tổng hợp các chính sách để thực hiện các mục tiêu đó. Đó là một phương tiện để quản lý, theo đuổi những lựa chọn để đảm bảo chiến lược có khả năng cạnh tranh hướng đến phát triển việc làm cho LĐNT. Chiến lược là một văn kiện chứa đựng tinh thần cơ bản của đường lối giải quyết việc làm cho một thời kỳ dài hạn, nó phản ánh ý tưởng tổng quát, cơ bản về giải quyết việc làm cho LĐNT; bao quát mục tiêu, hệ thống các quan điểm chỉ đạo, cách thức và phương tiện biến mục tiêu, quan điểm ấy thành hiện thực về giải quyết việc làm cho LĐNT của đất nước trong thời kỳ chiến lược.