Các yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên trên địa bàn tỉnh lào cai (Trang 34 - 37)

- Tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong thực tiễn đối với mọi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, tốc độ phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế luôn làm phát sinh tạo ra những ngành nghề mới, đồng thời một số nghề cũng bị mai một tụt hậu ít được sử dụng và phát triển. Trong nền kinh tế phát triển có mức tăng trưởng đều và khá thì nhu cầu về công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ tăng cả về số lượng và chất lượng đòi hỏi công tác tác đào tạo nghề phải phát triển theo.

Khi kinh tế phát triển dẫn tới sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu ngành kinh tế sẽ kéo theo sự chuyển dịch về cơ cấu lao động. Sự chuyển này làm cho nhiều nghề mới ra đời và nhiều nghề cũ mất đi đòi hỏi phải quản lý đào tạo nghề cho thanh niên nghề nghiệp theo hướng chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ - thương mại.

Vì vậy, đào tạo nghề phải luôn gắn với phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiệm vụ đào tạo nghề là nhằm mục đích đào tạo ra những lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu về sử dụng công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ có tay nghề vững đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ sản xuất phát triển kinh tế xã hội. Nên để thực hiện quản lý đào tạo nghề đòi hỏi các nhà quản lý về đào tạo nghề phải chú ý phân tích các điều kiện về phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó định hướng, lựa chọn nghề để đào tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn khách quan của đời sống xã hội.

- Nhu cầu lao động của thị trường

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các nhà sử dụng lao động đòi hỏi đáp ứng đủ số lao động có trình độ phù hợp với nhu cầu cần thiết của thị trường tránh tình trạng thừa “thầy thiếu thợ”. Vì vậy, nhu cầu về lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, của các ngành kinh tế rất lớn. Do đó cần thiết phải tạo được hệ thống mạng lưới lao động phù hợp với nhu cầu thị trường thông qua:

+ Hệ thống đào tạo trình độ văn hóa phải đảm bảo phổ cập đủ cho lao động nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Hệ thống đào tạo nghề đáp ứng theo nhu cầu cả về số lượng và chất lượng như: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề; coi trọng đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

+ Năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề phải đảm bảo đã mở thêm nhiều nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu

- Thông tin về lao động, việc làm và thị trường lao động hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề

Thông tin về lao động, việc làm và thị trường lao động là điều kiện cơ bản để cung và cầu lao động gặp nhau, là mấu chốt của vấn đề giải quyết việc làm. Trên thị trường lao động có rất nhiều thông tin của người lao động tìm việc làm và người sử dụng lao động tuyển lao động. Người lao động cần có thông tin chính xác để chọn được công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, khả năng và điều kiện của bản thân với mức chi phí dịch vụ thấp nhất. Người sử dụng lao động cũng cần có thông tin chính xác để tuyển dụng được lao động phù hợp với vị trí doanh nghiệp cần với mức chi phí tuyển dụng thấp nhất. Nhằm tiết kiệm chi phí cho cả người lao động và người sử dụng lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ cung cấp thông tin thị trường lao động ra đời, hỗ trợ tích cực cho công tác đào tạo nghề.

Do những khó khăn đặc thù về địa bàn, thị trường lao động rất cần những thông tin chính thống cung cấp cho người lao động và người tuyển dụng lao động. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp cần tham gia tích cực trong việc cung cấp và kết nối thông tin giữa người lao động và người tuyển dụng lao động. Các hình thức tư vấn tuyển dụng trực tiếp, ngày hội chọn việc rất phù hợp với thanh niên khi có sự đồng hành của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong hỗ trợ lao động trẻ tìm việc làm thông qua đào tạo nghề.

- Hoạt động của các kênh giao dịch việc làm như: Chợ lao động; hệ thống

trung tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; hoạt động giới thiệu việc làm của các cơ quan trung gian…là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tạo việc làm cho

thanh niên sau đào tạo nghề. Nếu hoạt động của các kênh giao dịch việc làm được phát triển mạnh mẽ và hiệu quả giúp cho lực lượng lao đông thanh niên tiếp cận việc làm dễ hơn do vậy đào tạo nghề đáp ứng được nhu cầu xã hội.

- Cơ chế chính sách phát triển kinh tế, xã hội của nhà nước tác động trực tiếp đến đào tạo nghề cho thanh niên

Mỗi chính sách phát triển kinh tế - xã hội như: chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm, chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm, phát triển kinh tế biển, đảo… đều có tác động trực tiếp đến đào tạo nghề cho người lao động.

Nền kinh tế thị trường nước ta có nhiều thành phần tham gia như: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và thành phần kinh tế hỗn hợp; đồng thời hình thành nhiều loại thị trường như: thị trường hàng hoá, thị trường tài chính - chứng khoán, thị trường khoa học công nghệ, thị trường bất động sản, thị trường lao động … Thông qua thị trường lao động với các dịch vụ cung cấp thông tin, tư vấn và giới thiệu việc làm, cung - cầu lao động có điều kiện gặp nhau. Người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp với mức lương hợp lý, người sử dụng lao động cũng có cơ hội lựa chọn được người lao động đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đặc biệt, các chính sách của Chính phủ về đào tạo nghề và giải quyết việc làm đều có tác động trực tiếp đến lực lượng lao động, tạo cơ hội hoặc cản trở lao động nâng cao trình độ nghề nghiệp, tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm. Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách về giải quyết việc làm cho lao động như: Đề án 103 về “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”, chính sách đào tạo nghề cho lao động theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số theo Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ ... đã tạo ra những hành lang pháp lý cơ bản, giúp thanh niên thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm.

- Thái độ, nhận thức của xã hội về quản lý đào tạo nghề cho thanh niên

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý đào tạo nghề cho thanh niên hiện nay thì thái độ nhận thức của xã hội về công tác quản lý đào tạo nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong thực tiễn nước ta đại đa số người dân vẫn đang theo xu hướng định hướng của người thân vào được đại học mới tìm kiếm được một nghề ổn định đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của công tác đào tạo nghề công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ. Hầu hết học sinh khi tốt nghiệp trung học phổ thông không muốn thi hoặc dự tuyển vào các cơ sở đào tạo nghề ở các bậc học Cao đẳng, trung cấp nếu có trúng tuyển cũng tìm cách thi lên đại học. Điều này làm cho đầu vào của các cơ sở đào tạo nghề ở bậc Cao đẳng, trung cấp khó tuyển người học hoặc đầu vào đông đầu ra lại ít do tình trạng người học bỏ học để đi học đại học. Tạo nên tình trạng thừa thầy thiếu thợ là hiện tượng khá phổ biến hiện nay ở nước ta. Vì vậy, trong hoạt động đào tạo nghề các nhà quản lý phải thực hiện tốt việc định hướng tuyên truyền để xã hội có nhận thức đúng đắn về nghề, về hoạt động đào tạo nghề và vai trò của hoạt động đào tạo nghề. Đây là một công việc thường xuyên lâu dài, đòi hỏi các nhà quản lý thực hiện hoạt động đào tạo nghề phải kiên trì, sáng tạo đổi mới phương pháp tuyên truyền đối với xã hội. Từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương, vùng miền của nước ta.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên trên địa bàn tỉnh lào cai (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)