1.1.3.1 Đặc điểm của quản lý chi ngân sách nhà nước cấp huyện
Thứ nhất, quản lý chi NSNN cấp huyện bao hàm trong nó cả quản lý ngân sách của đơn vị thụ hưởng NS do huyện quản lý, vừa quản lý NS cấp huyện theo chế độ phân cấp.
Chi NSĐP cấp huyện gồm hai phần: Phần trực tiếp chi theo Mục lục NSNN và phần phân cấp cho cấp xã. Đặc điểm này không chỉ chi phối quá trình quản lý NSĐP theo chu trình NS (huyện phê chuẩn NS của xã, giám sát quá trình chi NS của xã, phê duyệt quyết toán và điều chỉnh dự toán NS của xã, phân bổ phạm vi NS của chính quyền cấp xã), mà còn gắn với các khoản mục chi theo chương trình mục
tiêu, chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH trên địa bàn huyện. Nói cách khác, dự toán NS cấp huyện, ngoài phần tổng hợp của NS cấp xã, còn là các khoản dự toán cho các chương trình của huyện và đợn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của huyện. Đặc điểm này cho thấy, quản lý chi NSNN cấp huyện rất phức tạp, vừa theo ngành, vừa theo lãnh thổ, vừa là quản lý của đơn vị cấp trên đối với đơn vị dự toán cấp dưới.
Thứ hai, quản lý chi NSNN cấp huyện gắn liền với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH địa phương
Nói cách khác, chi NSNN cấp huyện là một trong những công cụ để chính quyền cấp huyện chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT- XH trên địa bàn. Do đó, dự toán NS cấp huyện phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH trên địa bàn huyện. Hơn nữa, mỗi huyện có đặc thù khác nhau nên cũng có hệ thống các mục tiêu trong chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển KT-XH khác nhau. Trong khung khổ quy định của tỉnh, các huyện có nhiệm vụ năng động, sáng tạo trong lựa chọn các mục tiêu ưu tiên sử dụng NSNN sao cho hoàn thành tốt các chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển KT- XH đó. Thông thường, chi NSNN, ngoài các khoản mục chi ổn định theo chế độ do Trung ương, Tỉnh quy định, các huyện thường lựa chọn ưu tiên sử dụng NSNN để phát huy tối đa lợi thế cũng như hạn chế những bất lợi của mình. Ngoài ra, các huyện còn chi NSĐP cho các hoạt động liên kết theo vùng phù hợp với chiến lược phát triển vùng.
Thứ ba, quản lý chi NSNN cấp huyện mang tính chất toàn diện phục vụ quản lý theo lãnh thổ với hệ thống đa mục tiêu, bao gồm nhiều lĩnh vực phức tạp.
Nhiệm vụ chính của chính quyền cấp huyện là quản lý nhà nước về mọi lĩnh vực diễn ra trên địa bàn, bao gồm cả kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng. Mỗi lĩnh vực đều có lý do ưu tiên để phân bổ NSNN, trong khi đó quy mô NSĐP thường hạn hẹp, phụ thuộc và chính sách của tỉnh. Chính vì thế, việc sắp xếp mục tiêu ưu tiên trong khi lập dự toán NS huyện rất khó khăn. Nếu không xác định rõ và sớm các mục tiêu ưu tiên sử dụng NSNN trên địa bàn huyện, dự toán NSNN sẽ không chính xác, dễ bị điều chỉnh, làm giảm hiệu quả quản lý chi NSNN.
Ngoài ra, quản lý chi NSNN cấp huyện mang tính tổng hợp. Đối tượng quản lý của chi NSNN cấp huyện rất rộng và bao gồm nhiều ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn kinh tế - kỹ thuật khác nhau, trong khi biên chế các bộ phận tham mưu hạn hẹp. Chính vì thế, chất lượng của dự toán khó được nâng cấp, việc quản lý theo đầu ra khó được áp dụng triệt để.
Để quản lý tốt chi NSNN cấp huyện đòi hỏi trình độ đội ngũ cán bộ phải có trình độ, am hiểu về nghiệp vụ chuyên môn đa ngành. Trên thực tế, không phải địa phương nào cũng đáp ứng được yêu cầu này, đặc biệt ở các huyện miền núi, hải đảo.
Thứ tư, quản lý chi NSNN cấp huyện ở Việt Nam ít nhiều mang tính bị động do cơ quan thu NSNN không thuộc chính quyền cấp huyện
Theo quy định hiện hành luật Luật NSNN, NS cấp huyện là một cấp NS hoàn chỉnh, việc quản lý chi NSNN cấp huyện mang tính tự chủ nhất định nhằm đảm bảo hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp huyện. Song bên cạnh tính độc lập nêu trên thì quản lý chi NSNN cấp huyện cũng mang tính phụ thuộc, điều này thể hiện trên các mặt: quy mô của NS cấp huyện lớn hay nhỏ phụ thuộc vào quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của Tỉnh; các chế độ, chính sách và định mức chi phải tuân thủ theo quy định do HĐND cấp tỉnh ban hành; đối với các địa phương có số thu NS trên địa bàn thấp, nguồn thu không cân đối được nhiệm vụ chi được nhận bổ sung cân đối và bổ sung mục tiêu từ NS cấp tỉnh. Các địa phương có số thu NS cao phải điều chuyển về Tỉnh với chế độ khuyến khích nhất định. Nhìn chung, các huyện có kinh tế phát triển thuận lợi hơn trong quản lý chi NSNN so với các huyện kém phát triển.
1.1.3.2 Nguyên tắc cơ bản về quản lý chi ngân sách nhà nước cấp huyện
Chi NSNN cấp huyện có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT- XH, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng tại địa bàn huyện, và có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Vì vậy việc quản lý chi NSNN phải được tổ chức theo những nguyên tắc sau đây:
- Nguyên tắc thống nhất trong quản lý NSNN: Theo nguyên tắc này thì mọi khoản thu, chi của một cấp chính quyền phải được đưa vào một bản kế hoạch ngân
sách thống nhất. Thống nhất quản lý chính là việc tuân thủ một khuôn khổ chung từ việc hành chính, sử dụng, thanh tra, kiểm tra, thanh quyết toán, xử lý các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Thực hiện nguyên tắc này sẽ đảm bảo tính bình đẳng, hiệu quả, hạn chế những rủi ro, nhất là những rủi ro có tính chất chủ quan khi quyết định các khoản chi tiêu.
- Nguyên tắc cân đối ngân sách: Cân đối NSNN ngoài sự cân bằng về thu, chi còn là sự hợp lý trong cơ cấu giữa các khoản thu và chi, giữa các lĩnh vực trong nền kinh tế, giữa trung ương và địa phương. Chi NSNN huyện dựa trên cơ sở nguồn thu thực tế từ nền kinh tế. Nó đòi hỏi mức độ chi và cơ cấu các khoản chi dựa vào khả năng tăng trưởng GDP của huyện. Nếu vi phạm nguyên tắc này sẽ dẫn đến tình trạng bội chi ngân sách, gây mất ổn định cho sự phát triển KT-XH, chính trị trên địa bàn huyện. Ngân sách cấp huyện do chính quyền cấp huyện tổ chức thực hiện quản lý thu, chi theo quy định phân cấp của tỉnh nhằm khai thác tốt nguồn thu để đảm bảo nhiệm vụ chi ngân sách cấp mình. Ngân sách huyện là toàn bộ các khoản thu – chi được quy định đưa vào dự toán trong một năm do HĐND huyện quyết định và giao cho UBND huyện tổ chức chấp hành nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện. Quan niệm trên có thể giúp chúng ta hình dung được ngân sách huyện và cơ quan quyết định cũng như cơ quan chấp hành ngân sách huyện. Thực tiễn chỉ ra rằng khi các khoản thu, chi ngân sách huyện diễn ra tất yếu sẽ nảy sinh sự vận động của nguồn tài chính từ chủ thể (người) nộp đến ngân sách huyện, từ ngân sách huyện đến những mục đích sử dụng nào đó. Toàn bộ quá trình thu tác động đến lợi ích, nghĩa vụ của người nộp và toàn bộ các khoản chi sẽ mang lại lợi ích cho dân cư, hộ gia đình.
- Nguyên tắc công khai hóa NSNN: NSNN là một bản kế hoạch tài chính phản ánh hoạt động của Nhà nước bằng các số liệu. Thực hiện công khai hóa trong quản lý sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng có thể giám sát, kiểm soát các quyết định thu, chi tài chính, hạn chế những thất thoát đảm bảo tính hiệu quả.
- Nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả. Các khoản chi cần được chi đúng, chi đủ trên nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả. Đây cũng là nguyên tắc chủ đạo của mọi hoạt động kinh tế, tài chính. Nó được đặt ra như một tính tất yếu của hoạt động ngân
sách. Tính tất yếu đó được bắt nguồn thực tế nhu cầu chi ngân sách của Nhà nước ngày càng tăng, có tình trạng lãng phí, kém hiệu quả, trong khi các nguồn thu chưa được khai thác triệt để. Do vậy, nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả càng cần được quan tâm.
- Nguyên tắc đầy đủ, trọn vẹn (nguyên tắc toàn diện): NSNN phải đảm bảo tính toàn diện. Điều này có nghĩa là các hoạt động liên quan đến thu chi NSNN đều được phản ánh vào trong tài liệu về ngân sách.
- Nguyên tắc chi trả qua KBNN. KBNN là cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý quỹ NSNN, có nhiệm vụ kiểm soát mọi khoản chi NSNN và có quyền từ chối mọi khoản chi sai định mức, sai chế độ do Nhà nước quy định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Các khoản chi ngân sách được thanh toán trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng. Để thực hiện tốt nguyên tắc này yêu cầu các đơn vị dự toán phải mở tài khoản tại KBNN để thực hiện các giao dịch của mình, chịu sự kiểm tra của KBNN trong quá trình sử dụng kinh phí do NSNN cấp phát.