Hương Thủy là thị xã nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam của thành phố Huế, có tổng diện tích tự nhiên 456,02 km2, có tọa độ 16o29' vĩ bắc, 107o41 kinh đông. Phía Đông Nam giáp Huyện Phú Lộc; phía Tây Bắc giáp Thành phố Huế, Thị xã Hương Trà; phía Tây Nam giáp huyện A Lưới; phía Nam giáp huyện Nam Đông; phía Bắc giáp huyện Phú Vang.
Hương Thủy nằm tiếp cận phía đông nam Thành phố Huế, kéo dài về phía đông nam đến Phú Lộc và tây nam đến Nam Đông, đồng thời, trải rộng ra hai phía đông tây đến tận địa giới Phú Vang, Hương Trà, A Lưới; hầu hết phần lãnh thổ phía tây đường quốc lộ 1A là đồi núi. Đồi núi là quang cảnh nổi bật trong địa hình và thiên nhiên Hương Thủy, chiếm đến 76,33% diện tích. Đồng bằng hẹp, chạy thành một dải phía đông và đông bắc dọc Lợi Nông và Đại Giang. Trên địa phận Hương Thủy, sông Hương chảy qua các xã ở trung lưu như Phú Sơn, Dương Hòa, Thủy Bằng (nhánh Tả Trạch), các phường, xã ở hạ lưu như Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu (nhánh Lợi Nông)... Sông Hương vùng đầu nguồn và trung lưu chảy qua vùng địa hình dốc đá cứng, tạo nên nhiều ghềnh thác (Tả Trạch có 55 thác, Hữu Trạch có 14 thác).
Thị xã Hương Thủy được thành lập ngày 09/02/2010. Việc thành lập thị xã Hương Thuỷ sẽ phát huy mạnh mẽ hơn chức năng trung tâm đô thị phía Đông Nam của tỉnh Thừa Thiên - Huế, tạo ra động lực mới cho sự phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thị xã gồm có 12 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 5 phường: Phú Bài, Thủy Lương, Thủy Châu, Thủy Phương, Thủy Dương và 7 xã: Thủy Bằng, Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Thanh, Thủy Vân, Dương Hoà, Phú Sơn.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cho nên thời tiết diễn ra theo chu kỳ 4 mùa, mùa xuân mát mẻ, ấm áp; mùa hè nóng bức; mùa thu dịu và mùa đông
gió rét. Ở địa phương, hình thành hai thời kỳ khô và ẩm khác nhau. Thời kỳ ẩm từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau; thời kỳ khô từ tháng 5 đến tháng 9. Có hai mùa gió chính: gió mùa đông và gió mùa hè, thêm vào đó còn có gió đông và đông nam.
Tài nguyên khoáng sản Hương Thủy cho đến nay chưa được điều tra, thăm dò đầy đủ, nhất là ở vùng đồi núi. Hầu hết các loại đã biết đều nằm ở đồng bằng và vùng ven rìa phía tây. Căn cứ vào tài liệu thu thập được qua các đợt tìm kiếm, thăm dò, có thể chia làm ba nhóm:
- Nhóm khoáng sản kim loại: Vàng sa khoáng, sắt;
- Nhóm khoáng sản phi kim loại có sét (điểm sét hồ Châu Sơn, điểm sét Phú Bài);
- Nhóm khoáng sản nước ngầm.
Hương Thủy có chức năng là đô thị vệ tinh, phát triển đa năng các loại hình dịch vụ công nghiệp, dịch vụ đô thị du lịch cảnh quan cho cả thành phố Huế. Địa bàn Hương Thủy có 11 di tích lịch sử được xếp hạng và công nhận; có các làng nghề tiểu thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng. Với tiềm năng lợi thế về Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài (560ha), Khu Công nghiệp Phú Bài (815ha) là Khu công nghiệp lớn nhất và hoạt động có hiệu quả nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, có tuyến đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A chạy qua thị xã, có Quốc lộ 49A nối thị xã với đường Hồ Chí Minh, đến cửa khẩu sang Lào về phía Tây và nối với vùng ven biên phía Đông, cách không xa cảng nước sâu Chân Mây, khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô. Với điều kiện tự nhiên như vậy, thị xã Hương Thủy được đánh giá là đô thị có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Ảnh 2.1 Bản đồ Vị trí địa lý thị xã Hƣơng Thủy
“Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế”