bồi dưỡng công chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân dân tỉnh
Trước hết, về phía cơ quan quan quản lý nhà nước về BDCC (Bộ Nội vụ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh) cần có kế hoạch kiểm tra công tác quản lý nhà nước về BDCC. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý BDCC nói chung, BDCC cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh nói riêng về: (1) Xây dựng, ban hành chế độ bồi dưỡng; (2) Bố trí, sử dụng kinh phí bồi dưỡng; (3) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức thuộc phạm vi quản lý; (4) Tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng; (5) Cử công chức đi bồi dưỡng theo thẩm quyền; (6) Quản lý và biên soạn các chương trình, tài liệu bồi dưỡng công chức theo thẩm quyền; (7) Quản lý cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên theo thẩm quyền.
Tổ chức đánh giá chất lượng bồi dưỡng công chức (theo quy định của Thông tư số 10/2018/TT-BNV) một cách thực chất, có hiệu quả bằng các tổ chức đánh giá độc lập và tự đánh giá của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Triển khai thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi cả nước để từ đó, có những điều chỉnh kịp thời (đánh giá chương trình; học viên; giảng viên; cơ sở vật chất; khóa bồi dưỡng; hiệu quả sau bồi dưỡng).
Căn cứ vào kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng bồi dưỡng để phát hiện kịp thời những sai sai lệch trong thực hiện BDCC để cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có phương án điều chỉnh nhằm bảo đảm cho việc BDCC được thực hiện theo đúng quy định, có chất lượng, hiệu quả
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (xây dựng phần mềm) quản lý cán bộ, công chức, trong đó có quản lý về bồi dưỡng công chức nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu lớn (Big data) về quản lý BDCC trong phạm cả nước, tạo cơ sở cho việc kiểm soát quản lý về bồi dưỡng công chức một cách có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, nhanh chóng, chính xác.
Xây dựng, ban hành các quy định công khai thông tin bắt buộc về cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (i) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy; (ii) về đội ngũ viên chức, người lao động; (iii) Về chương trình, giáo trình tài liệu, học liệu, kế hoạch bồi dưỡng; iv) Điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục tổ chức các khóa/lớp bồi dưỡng; v) Kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng BDCC; vi) Cơ sở vật chất). Đồng thời, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tiến hành công khai, minh bạch hóa các hoạt động BDCC này trên website của cơ sở mình để Nhà nước, xã hội giám sát. Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát việc quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói chung, BDCC cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh nói riêng.