7. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Bảo Ninh Thời gian đan xen giữa quá khứ và hiện tại
Nghiên cứu thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh, chúng tôi nhận thấy có thể chia thành hai loại chính là thời gian sự kiện gắn với những biến động của lịch sử dân tộc tường thuật trong tác phẩm và thời gian tâm lý
gắn với tâm trạng nhân vật, đặc biệt kiểu thời gian này luôn có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Mọi hành động, suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật trong hiện tại đều xuất phát từ quá khứ, quá khứ với nhiều mất mát, thương đau luôn ám ảnh nhân vật mặc cho cuộc sống đã tốt đẹp hơn rất nhiều.
Thứ nhất là thời gian sự kiện.
Thời gian sự kiện là thời gian gắn liền với những sự kiện xảy ra trong đời sống hằng ngày có tác động đến số phận nhân vật. Thời gian sự kiện được tính bằng mốc sự kiện tạo nên diễn biến của mạch truyện. Thời gian của các sự kiện lịch sử cũng chính là mốc sự kiện để nhân vật hồi tưởng. Những sự
kiện lịch sử ấy đánh dấu sự thay đổi cuộc sống, vận mệnh của con người và dân tộc. Cùng với những sự kiện lịch sử, những vấn đề của cá nhân, xã hội được hiện lên một cách rõ nét. Người đọc có thể hình dung ra thật cụ thể về cuộc sống, về những gì diễn ra trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc từ đó có được những cái nhìn chân thực về con người và lịch sử dân tộc.
Những sự kiện lịch sử gắn với những sự kiện đời tư có ảnh hưởng tới cuộc sống, tâm lý của nhân vật xuất hiện nhiều trong truyện ngắn Bảo Ninh tiêu biểu trong số đó là Người Thăng Long quê Đàng Trong với tất cả nỗi nhung nhớ của sự li hương vì chiến tranh: “Định cư ở Hà Nội từ năm 54 nhưng mà cha mẹ tôi có lẽ chỉ thực sự sống nhập mình hoàn toàn vào đời sống Hà Nội từ sau năm 75. Suốt hai chục năm ròng trước 30 tháng Tư trong đời sống gia đình như luôn canh cánh nỗi buồn thương khôn xiết. Ngày Tết ngày lễ, mặc dù đã cố giấu, mặc dù không bộc lộ nhưng tâm trạng của cha tôi mẹ tôi, và nói chung của những người lớn trong dòng họ, của các chú các bác đồng hương với gia đình tôi dường như lại còn buồn hơn tâm trạng những ngày thường. Nhất là từ sau tết bính Thân, 1956” [60; tr.429]. Cuộc sống, tình yêu, gia đình, ước mơ của con người dưới tác động của lịch sử đều có những thay đổi nhất định. Chỉ một sự kiện nhỏ thôi mà khiến cuộc sống của biết bao con người bị đảo lộn: “Từ năm 56, không chỉ niềm hy vọng mong manh về hiệp thương tổng tuyển cử đã hoàn toàn tiêu tan mà từ năm ấy tin dữ từ khắp các địa phương miền Nam dội ra Bắc ngày một thêm dồn dập, cào xé lòng người: chính sách tố cộng, luật 10/59, đàn áp, bắt bớ, giết chóc, thảm sát... Hôm hay tin vụ thảm sát Phú Lợi, cả nửa Hà Nội mà trước nhất là tất cả cán bộ và bộ đội tập kết chít khăn tang. Tôi thấy người ta khóc ròng trong đoàn biểu tình, khóc khi đang đi trên đường phố, trên tàu xe, trong lớp học, các bà các chị òa khóc giữa chợ. Cô giáo Liễu, người Bến Tre khóc lặng, ngả ngất đi trên bục giảng khi nghe loa phóng thanh ở sân trường truyền đi tin dữ Mỹ - Diệm đã giết hại ông Hoàng Lê Kha” [60; tr.430].
Trong truyện ngắn của mình, Bảo Ninh thường gắn các mốc sự kiện lịch sử với những biến cố có tính chất quyết định đến cuộc đời, số phận nhân vật như trong Đêm trừ tịch: “Ngày trước, tại khu phố tôi dân tình phần đa là con chiên nhưng họ đã ra đi gần hết trong cuộc di cư năm 54. Chỉ còn lại duy nhất gia đình ông Phao Lồ, nhà trong cùng một cái ngõ sâu hút” [60; tr.177]. Hay trong tác phẩm Vô cùng xưa cũ, Bảo Ninh viết: “Năm 54, đã mừng cho tương lai của các con. Ngỡ rằng bao nhiêu nỗi khổ của đất nước, thời cha mẹ đã gánh, các con sẽ lớn lên, vui sống trong hòa bình. Nào ngờ nạn nước chưa dứt. Lại đến lượt thời các con” [60; tr.8].
Những sự kiện lịch sử chính là cột mốc quan trọng làm biến đổi cuộc đời của mỗi con người, thậm chí là cả một gia đình như gia đình ông già trong Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng: “Sau tết Ất Dậu, Nhật làm đảo chính diệt hẳn người Pháp. Chỉ một đêm quân lính Thiên Hoàng đã cướp gọn Hà Nội. Tây đầm bị bắt, bị lùa hết lên camiông chở hốt đi. Phố Xôlê yên tĩnh bỗng rầm rập lính tráng, xùng xoảng súng ống, gươm kiếm. Vậy mà, ông ạ, trong huống cảnh hung dữ nhường ấy, gia đình chúng tôi lại bạo gan chứa chấp một gia đình người Pháp” [60; tr.240].
Cả số phận của một chiếc xe cũng gắn chặt với sự nổi chìm của lịch sử dân tộc: Những năm 50, sau giải phóng thủ đô, khi tôi còn nhai rãnh, lượng xe đạp ở Hà Nội còn ít hơn số đầu xe hơi thời nay... Tới khoảng năm 1960 thì Hà Nội đã chính thức là một thành phố với nền văn minh xe đạp... Bấy giờ là mùa đông năm 1963, cha tôi mở cổng vào nhà và dắt vào một chiếc xe bình bịch... Khi chiến tranh bùng nổ dữ dội năm 1965, không được phân phối xăng nữa, phải bán xe đi, cha tôi mới vừa trả xong tiền và vẫn chưa hoàn tất giấy tờ. Chiếc xe phải đi ở nhà người khiến tôi buồn hết sức... Từ mùa khô năm 1972, quân Giải phóng Tây Nguyên đánh chiếm được nhiều vùng dân cư dọc
lộ 14 và lộ 19 kéo dài thì xe máy Nhật không còn lạ mắt với chúng tôi nữa... Mùa khô năm 1975, quân ta tấn công Buôn Ma Thuột. Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh di tản Quân đoan 2 khỏi Tây Nguyên. Binh lính, sỹ quan, công chức và gia đình của họ chồng chất lèn nhau trên hàng ngàn xe GMC, xe zeep, xe be, xe bò, xe lam ”
Và thậm chí là cả những nghi ngờ như trường hợp cô gái trong Gió dại: “Mặc dù người ta đồn thổi, người ta thêu dệt, đời Diệu Nương vẫn hoàn toàn là bí ẩn. Thiên hạ chỉ chắc chắn rằng Diệu Nương lưu lạc đến vùng sông A Rang này vào mùa hè năm 1972, sau ngày quân Giải phóng tấn công và quân Sài Gòn tháo chạy, còn trước đó cô là ai, từ đâu cô phiêu bạt tới, tên thật của cô thế nào thì chẳng mấy người biết” [60; tr.57].
Bảo Ninh thường đặt những sự kiện lịch sử gắn liền với số phận nhân vật. Nhân vật chịu ảnh hưởng của lịch sử: yêu thương, gặp gỡ, chia ly, hạnh phúc, khổ đau... Những sự kiện đời tư được gắn liền với những sự kiện lịch sử. Những mốc thời gian lịch sử là những mốc thời gian xảy ra những sự kiện lịch sử của dân tộc, vui có, buồn có nhưng tựu chung lại tất cả những sự kiện lịch sử ấy đều có tác động tới cuộc sống của con người. Không chỉ là một người, hai người, một gia đình mà là rất nhiều người, nhiều gia đình bị tác động mạnh mẽ của dòng chảy lịch sử. Mỗi mốc thời gian sự kiện lịch sử là một mốc đánh dấu bước ngoặt của số phận, cuộc đời con người. Bảo Ninh đặc biệt quan tâm đến số phận con người trong dòng chảy lịch sử. Mỗi con người là một số phận với những vui buồn hạnh phúc khác nhau. Mỗi người mỗi cảnh. Những số phận không ai giống ai.
Nói đến các sự kiện lịch sử của đất nước Bảo Ninh muốn cho người đọc thấy được những năm tháng gian khổ, hy sinh, mất mát và khổ đau khi đất nước chìm trong chiến tranh, để nhận thức được những giá trị của ngày
hòa bình hôm nay. Bảo Ninh đã đem đến và thể hiện một cách tiếp cận mới, một cái nhìn mới khi tiếp cận lịch sử, các vấn đề về đề tài chiến tranh, của quá khứ, đó là cái nhìn đa chiều, gắn với một tinh thần nhân bản và mang đậm tính suy tư, triết luận.
Thứ hai, về thời gian tâm lý.
Một trong những đặc điểm tự sự truyện ngắn của Bảo Ninh là trần thuật theo kiểu phi tuyến tính, xáo trộn giữa các bình diện thời gian. Thời gian được biến chuyển theo dòng nội tâm của nhân vật. Nhà văn dùng thời gian như một cách để thể hiện đời sống nội tâm nhân vật, thể hiện những ẩn ức, khát vọng của nhân vật. Nghệ thuật xử lý thời gian của Bảo Ninh trong các truyện ngắn rất linh hoạt, có khi là mở rộng, thu hẹp, dồn nén, chồng xếp. Thời gian của câu chuyện phụ thuộc vào dòng tâm trạng nhân vật, tùy theo dòng tâm trạng mà thời gian của câu chuyện được kéo về quá khứ xa xăm hay hiện tại, có khi là đồng hiện, đan xen giữa các chiều thời gian, tất cả tạo nên mạng lưới kết nối câu chuyên. Câu chuyện chỉ phụ thuộc vào những dòng tâm trạng của nhân vật, hệ thống sự kiện do đó cũng bị phân mảnh, chắp nối theo chuỗi ký ức đứt đoạn của nhân vật, tác phẩm được dệt bởi sự đan cài giữa xúc cảm và suy tưởng của nhân vật.
Với thời gian tâm lý đặc biệt là hình thức thời gian đồng hiện nhà văn có thể rút ngắn thời gian kể chuyện, kết nối những câu chuyện thuộc về những khoảng thời gian khác nhau mà không bị đứt quãng, gián cách. Tất cả chỉ tuân theo sự vận động của dòng suy nghĩ, tâm trạng nhân vật. Theo Đặng Anh Đào: “Trong dòng tâm tư, quá khứ, hiện tại, tương lai xuất hiện cùng một lúc, không bị ngăn cách, liên tục như một dòng chảy, đó là hiện tượng mà người ta gọi là thời gian đồng hiện” [17; tr.77]. Với việc sử dụng thời gian đồng hiện nhà văn có thể kể chuyện một cách linh động. Các truyện ngắn không chỉ
đơn giản là những lát cắt ngắn ngủi mà đã phản ánh được những câu chuyện, những mảnh đời, những số phận của nhiều nhân vật. Thời gian đồng hiện chính là một trong những đặc điểm của truyện ngắn hiện đại. Với thủ pháp này sức khái quát và quy mô phản ánh hiện thực của truyện ngắn được mở rộng hơn. Thời gian đồng hiện tạo nên nhiều tầng bậc trong truyện ngắn, đặt nhân vật vào những hoàn cảnh khác nhau để bộc lộ mình.
Qua những dòng hồi ức, những dòng suy nghĩ của nhân vật, biên độ thời gian được mở rộng về quá khứ, những kí ức êm đẹp cũng như đau khổ hiện lên như những thước phim khi thì êm đềm khi thì dữ dội. Bên cạnh câu chuyện của hiện tại là câu chuyện của quá khứ. Thời gian cho kí ức chiếm một phần lớn trong các truyện ngắn của Bảo Ninh. Sự xuất hiện những đoạn quay ngược thời gian trong văn bản như là một ý muốn tái hiện hiện thực, mô phỏng những xáo trộn của thế giới tinh thần và sự xáo trộn trong hành động của nhân vật. Có cái gì đó đang đảo lộn trong suy nghĩ, trong nhận thức của nhân vật. Xen lẫn với thực tại là những hồi ức về quá khứ, thời gian theo tâm lý của nhân vật quay ngược về quá khứ, thời gian mô phỏng những xáo động của tiến trình tâm lý.
Hồi tưởng về quá khứ là một trong những đặc điểm của văn học hiện đại. Truyện ngắn của Bảo Ninh cũng không nằm ngoài đặc điểm ấy. Trong Hà Nội lúc không giờ, nhân vật tôi từ thời điểm hiện tại ngoái nhìn lại về quá khứ. Nhớ về mùa xuân năm Giáp Thìn xa xưa ấy. Trong Rửa tay gác kiếm nhân vật từ thời điểm hiện tại nhớ về quá khứ, về với những chuỗi ngày trong quá khứ, sau hai mươi năm: “Giờ đây nhớ lại những ngày tháng cuối cùng của đời bộ đội lòng tôi vô hạn một nỗi buồn nhớ sâu lặng, kể từ ngay sau đỉnh cao hạnh phúc của ngày Chiến Thắng tới buổi chiều ngày hôm nay, ngày và đêm hòa bình lững lờ trôi chảy mà đời người thì trôi qua mau” [60; tr.260]. Trong truyện ngắn của Bảo
Ninh, cùng với dòng tâm trạng là những đoạn hồi cố của nhân vật. Nhân vật ngoái lại, nhìn về quá khứ để suy nghiệm về hiện tại và nhận thức giá trị của quá khứ, đồng thời có cái nhìn bao quát hơn về số phận và đời người trước những biến động của thời gian.